Thủ tục nhận thuốc – mất gần năm
Thông tin việc gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư được viện trợ trị giá nhiều tỷ đồng hết hạn sử dụng buộc phải tiêu hủy, trong khi thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân ung thư chịu cảnh thiếu thuốc đã gây bức xúc dư luận trong mấy ngày qua. Được biết, thuốc Tasigna dùng đặc trị dành cho bệnh nhân bị bạch cầu mãn dòng tủy đã kháng dòng thuốc cũ Glivec nếu không có loại thuốc này để điều trị và ghép tủy thì bệnh nhân sẽ tử vong. Hơn nữa, để có được một viên thuốc Tasigna, những người mắc bệnh bạch cầu tuỷ phải bỏ ra hơn 700 ngàn đồng để mua. Rất nhiều bệnh nhân khi nghe được thông tin này đều nuối tiếc, bởi nếu mắc căn bệnh này họ phải dùng liều với 3 - 4 viên/ngày, tương đương chi phí bỏ ra hơn 2 triệu đồng tiền thuốc/ngày.
Ông Nguyễn Hữu Đông, một bệnh nhân ung thư chia sẻ: “Thuốc thì phải vứt đi trong khi người bệnh thì không được chữa. Còn gì xót hơn khi chính sự viện trợ đang bị lãng phí vì thủ tục hành chính quá lâu, quá rắc rối. Người cần thuốc nhưng thuốc lại chẳng đến được tay người. Giá mà những người mắc bệnh như chúng tôi có được số thuốc đó để chữa trị thì may mắn quá”.
Theo ông Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP HCM nguyên nhân để xảy ra tình trạng lãng phí trên là do yếu tố khách quan, một sự cố rất đáng tiếc.
Do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng, số thuốc Tasigna đã về Việt Nam trễ hơn so với dự kiến. Bản thân bệnh viện không lường trước được sự phức tạp của thủ tục nhập thuốc viện trợ cũng như dự kiến số lượng bệnh nhân tham gia chương trình chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, bệnh viện đã không thỏa thuận chặt chẽ với công ty cung cấp về hạn sử dụng của nguồn thuốc.
Tuy nhiên, tại Điều 16, Thông tư 47/2010/TT-BYT quy định về hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc quy định thủ tục nhập khẩu viện trợ, viện trợ nhân đạo.
Theo đó, sau khi cơ sở đăng ký cấp phép chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo đúng hướng dẫn và nộp hồ sơ tại sở, tại đây cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra hồ sơ về tình trạng thủ tục pháp lý đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn hàng, hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế hoặc Cục Quản lý dược - Bộ Y tế xem xét cấp giấy phép nhập khẩu. Trường hợp không cấp giấy phép, Sở Y tế hoặc Cục Quản lý dược - Bộ Y tế có văn bản trả lời cơ sở và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, thuốc Tasigna được viện trợ để cứu sống người bệnh lại rất gian nan.
Vào tại thời điểm thanh tra mỗi viên thuốc có giá khoảng 700.000 đồng, lãng phí đến 14 tỷ đồng. Đường đi của một lô thuốc viện trợ, đặc trị ung thư là vị thần cứu mạng của những bệnh nhân ung thư đang ngóng chờ khao khát hàng ngày với một năm dài dằng dặc, vòng vèo trải qua các thủ tục và cuối cùng phải đem tiêu hủy vì hết hạn.
Cần xem lại thủ tục hành chính
Chia sẻ về việc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP HCM xin thủ tục mất 13 tháng, TS Bạch Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, khi bệnh viện xin viện trợ phải tính toán và làm thủ tục xin thuốc viện trợ trước khi thuốc về.
Đối với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, mỗi khi có thuốc viện trợ, các ban ngành lãnh đạo Viện phải làm các thủ tục xin giấy phép trước khi thuốc về. Thường xuyên liên hệ với đối tác để biết được khi nào chuyển hàng viện trợ là điều rất cần thiết, từ đó sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện các thủ tục trước.
Đồng thời, theo quy định về tiếp nhận thuốc viện trợ và các sinh phẩm nói riêng đã có quy định rất chặt chẽ để tránh việc sử dụng thuốc gần hết hạn sử dụng bởi vì sẽ mất ý nghĩa của thuốc viện trợ.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, thuốc đã hết hạn sử dụng thì phải hủy, nhưng nếu thuốc còn có tác dụng, sử dụng an toàn nữa hay không thì cần có hội đồng thẩm định. Mặt khác, theo ông Thịnh, chuyện để thuốc hết hạn mà không sử dụng hết thuộc về người quản lý, làm lãng phí tài nguyên, tiền của đất nước, trong khi người bệnh không có thuốc để chữa trị.
Có thể thấy, bệnh viện là nơi biết rõ nhất tình hình sử dụng thuốc cũng như số lượng bệnh nhân. Nếu không thể xử lý được số thuốc dư thì phải chủ động tìm phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất, chứ không phải đợi tới thời điểm này, các ban, ngành chức năng bắt đầu vào cuộc để rà soát lại trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.
Và tất nhiên, ai gây ra hậu quả thì phải lãnh trách nhiệm, tuy nhiên, chính cái quy trình thủ tục kia đang cướp đi của người bệnh ung thư những cơ hội vàng để được điều trị. Nếu thủ tục được rút ngắn lại, linh hoạt hơn thì sẽ không có việc phải tiêu hủy lượng thuốc lớn điều trị ung thư trong khi người bệnh không có dùng.
Hơn nữa, những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã, đang và sẽ hiến tặng thuốc cứu người sẽ nghĩ sao khi mà số quà tặng của họ không đến được với những bệnh nhân nghèo mà phải đem tiêu hủy vì chính quy trình thủ tục rườm rà. Từ vụ việc này cho thấy cần cải cách thủ tục hành chính nói chung và cấp phép sử dụng thuốc nói riêng.