Theo so sánh giữa nhóm bệnh nhân và nhóm chứng (không mắc vảy nến), nhóm bệnh có tỉ lệ tăng huyết áp cao gấp 2,5 lần so với nhóm chứng và có chỉ số huyết áp trung bình là 128/81 mmHg, cao hơn con số 121/77 mmHg của nhóm chứng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng xác định nguy cơ tim mạch của 2 nhóm thông qua thang điểm FRS - phổ biến trong chuyên ngành tim mạch, là thang điểm giúp tiên đoán nguy cơ mạch vành và tai biến mạch máu não trong 10 năm tới ở cả hai giới. Kết quả cho thấy FRS trung bình ở nhóm bệnh là 10,1 trong khi ở nhóm chứng chỉ có 6,9.
Theo BS Nguyễn Hoàng Liên, Bộ môn Da liễu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, vảy nến là một bệnh da liễu chiếm 2% dân số thế giới và là một bệnh hệ thống, có thể kéo theo một số bệnh khác như tim mạch, ung thư, viêm đường hô hấp, rối loạn tâm thần, tổn thương khớp, thận… Trong đó, tim mạch là nguy cơ hàng đầu. Điều này được lý giải một phần bởi cơ chế viêm trong vảy nến sẽ góp phần dẫn tới tình trạng xơ cứng mạch máu, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, một số yếu tố khác ở bệnh nhân vảy nến cũng đưa đến nguy cơ tim mạch: Endothelin I tiết ra từ tế bào sừng, gia tăng trong cả da và huyết thanh của bệnh nhân vảy nến làm ảnh hưởng đến thành mạch; việc sử dụng corticoid bừa bãi (do thói quen tự mua thuốc về dùng); sự hiện diện của một gien quy định cả tình trạng bệnh vảy nến và tim mạch; việc người bị vảy nến thường xuyên stress và gia tăng thói quen hút thuốc lá, uống rượu…
Nghiên cứu trên cũng cho thấy nguy cơ tim mạch gia tăng theo độ tuổi - nhóm trên 45 tuổi cao gấp 5 lần so với nhóm dưới 45 tuổi, nam có nguy cơ cao hơn nữ. “Chúng tôi đề nghị sử dụng thang điểm FRS để ước lượng nguy cơ bệnh tim mạch cho bệnh nhân vảy nến, đồng thời cần can thiệp điều trị sớm để giúp phòng ngừa các rối loạn tim mạch về sau” - BS Hoàng Liên nhấn mạnh.