Bệnh nhân vào viện vì vết thương vùng đầu (vùng thóp trước) do bị vật sắc nhọn tác động vào (người gây tai nạn bị bệnh tâm thần).
Sau tai nạn, vết thương đầu chảy nhiều máu, bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ, sau đó chuyển bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng mê (P/AVPU), dấu hiệu shock mất máu, kiểm tra có vết thương vùng thóp trước kích thước 10×3 cm, chảy máu và nước não tủy qua vết thương, giảm vận động nửa người phải.
Xác định đây là ca bệnh phức tạp, shock mất máu nên được kích hoạt hoạt quy trình “báo động đỏ” với thái độ khẩn trương, tích cực nhất.
Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực, bù dịch, dùng kháng sinh, chụp film CT sọ não cho thấy có hình ảnh vỡ xương sọ, khí trong sọ, dập não và chảy máu nhu mô thùy trán trái trên đường đi của vật sắc nhọn.
Bệnh nhân được chẩn đoán, vết thương sọ não hở, theo dõi rách xoang tĩnh mạch dọc trên. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên nhà mổ, vừa được hồi sức truyền máu vừa được gây mê để tiến hành phẫu thuật.
Kíp mổ đã tiến hành “khống chế” vết thương xoang tĩnh mạch, sau đó dùng “cân sọ” để vá vết thương xoang tĩnh mạch và màng cứng, lấy máu tụ trong não. Ca mổ kéo dài khoảng hơn 1 giờ.
Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, truyền máu, 12 giờ sau mổ bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, 7 ngày sau bệnh nhân được xuất viện với tình trạng ổn định và không có di chứng.
Ths.BS Dư Văn Nam - Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho biết: “Đây là một ca bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong rất cao nếu không kịp thời xử lý. Khi gặp vấn đề chấn thương sọ não của trẻ, đầu tiên là phải giữ bình tĩnh, không nâng đầu trẻ và cử động trẻ quá nhiều vì sẽ khiến cho chấn thương nặng nề hơn, gây biến chứng về sau, nhanh chóng đưa trẻ đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt. Phụ huynh cần cẩn thận trong công việc sinh hoạt hàng ngày ở nhà, vì mọi hành vi, động tác, hành động của người lớn có thể gây nguy cơ tổn thương đối với trẻ nhỏ”.