Bệnh viện công – tư: Mất tự chủ đi đôi với thất thoát?

(PLO) - Hội hành nghề Y tư nhân Việt Nam kiến nghị dừng việc cho xây các bệnh viện công – tư vì vừa gây ra tình trạng “chảy máu” chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện tư vừa tạo ra môi trường xã hội hóa y tế bất bình đẳng.
Nhiều chuyên gia cho rằng Nghệ An cần phải cân nhắc có nên triển khai xây thêm bệnh viện công – tư hay không?
Nhiều chuyên gia cho rằng Nghệ An cần phải cân nhắc có nên triển khai xây thêm bệnh viện công – tư hay không?
Khó khăn trong triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) chủ yếu là việc xây dựng cơ chế tài chính riêng trong quy chế vận hành chung toàn bệnh viện (BV) và điều chuyển nguồn nhân lực giữa 2 khu vực công - tư. 
Lo sợ “chảy máu” chất xám
Trước đó, dù đã có bài học về những thất bại trong xây dựng BV theo mô hình này nhưng tỉnh Nghệ An vẫn cho chủ trương triển khai xây dựng BV Đa khoa tỉnh Nghệ An theo hình thức PPP. 
Đáng nói, hình thức góp vốn triển khai xây dựng BV này lại không có gì mới so với mô hình mà một số BV đã vấp phải sai lầm khi tỷ lệ sở hữu của khu vực nhà nước được xác định quá ít, làm mất quyền tự chủ trong quản lý, điều hành của các BV công lập. Trong khi tài sản được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để góp vào như: lợi thế vị trí địa lý, thương hiệu bệnh viện và giá trị đền bù giải phóng mặt bằng lại được xác định giá trị một cách khá mù mờ. 
Trong một văn bản phát đi mới đây, Hội hành nghề Y tư nhân Việt Nam cho rằng, mô hình PPP mà Nghệ An cho triển khai giống hệt mô hình mà BV Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện. Theo Hội này, mô hình của Đồng Nai thực hiện theo Quyết định số 71 ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm đầu tư theo mô hình PPP nhưng quyết định này hiện đã hết hiệu lực. Còn sau khi dự án thí điểm đầu tư theo mô hình này của Đồng Nai đi vào hoạt động thì cũng không tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. 
“Dự án khi đi vào hoạt động hiện đang vướng mắc hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp. Vấn đề tài chính rất khó quản lý để được minh bạch trong suốt quá trình thực hiện dự án. Dự án cũng tạo ra tình trạng “chảy máu” chất xám từ BV công sang BV tư; đồng thời tạo ra môi trường xã hội hóa y tế bất bình đẳng giữa các BV trên địa bàn”- ông Phạm Thành Vận, Chủ tịch Hội hành nghề Y tư nhân nói.     
Như trước đó PLVN đã phản ánh, mặc dù Nghệ An cho xây dựng thêm BV theo mô hình PPP  nhưng vấn đề lấy nguồn lực ở đâu thì chưa được tính toán một cách kỹ lưỡng. Theo BS Trần Văn Bảo - nguyên Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Nghệ An, với hàng loạt BV lớn nhỏ của địa phương và ngành cùng với 9 BV tư nhân thì không nên xây thêm BV nào nữa bởi nhân lực cho ngành y địa phương đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. 
Mô hình nào là phù hợp?
Có lẽ Nghệ An cần phải cân nhắc có nên triển khai xây thêm BV công – tư hay không vì tình trạng “đỏ mắt” tìm bác sĩ hiện đang xảy ra khá nghiêm trọng tại Đồng Nai. Tại BV Đa khoa Đồng Nai dù rất cần bác sĩ có nhiều kinh nghiệm nhưng việc tuyển dụng hàng năm rất khó khăn trong khi mỗi năm lại có 2-3 bác sĩ xin chuyển công tác. 
Theo ông Hà Đức Minh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Đồng Nai, tình trạng thiếu bác sĩ đang thực sự báo động ở BV Da liễu, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Pháp y… khi 10 năm nay không thể tuyển được bác sĩ dù tỉnh đã có các chính sách thu hút.
Tại hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ” được Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng bà không ủng hộ phương án cho thuê, cổ phần hóa trên phần đất của các BV công vì đó là tài sản của Nhà nước.  
“Cái khó nhất hiện nay là  giá trị của thương hiệu, nếu xây dựng trong khuôn viên BV thì anh chia đôi thế nào. Còn ngoài khuôn viên BV mà đất đó cũng là Nhà nước đầu tư cho BV, người của BV cũng ra đấy làm, tư nhân họ chỉ việc xây nhà với trang thiết bị vậy thì chia đôi thế nào?”- Bộ trưởng Tiến nêu vấn đề.  
Để huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa y tế, lãnh đạo Bộ Y tế ủng hộ việc phải giữ được sự tự chủ của các BV công lập.  Bà Tiến đánh giá cao mô hình BV Đa khoa Phú Thọ đang thực hiện. 
Theo mô hình này, UBND tỉnh Phú Thọ đứng ra vay vốn cho BV Đa khoa Phú Thọ để BV này xây dựng thêm khu xã hội hóa trong BV công. BV Đa khoa Phú Thọ sau đó tự chủ về mọi mặt và trả dần vốn cho tỉnh. Mô hình này được đánh giá là dễ quản lý, minh bạch về tài chính, và quyền lợi của BV được đảm bảo. 
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Y tế cũng khuyến khích một mô hình phối hợp giữa hai khu vực công - tư nhưng vẫn đảm bảo sự tự chủ của BV công lập: nhà đầu tư tự xây nhà, tự lắp trang thiết bị theo yêu cầu của BV trên đất của BV công. Sau đó BV công thuê lại của nhà đầu tư. Hai bên thỏa thuận tính toán ra tổng mức đầu tư và ký hợp đồng bao nhiêu năm để trả lại vốn và phần tích lũy cho nhà đầu tư. Khi hết hiệu lực thực hiện hợp đồng thì đất đai, nhà, trang thiết bị của nhà đầu tư xây dựng chuyển giao cho BV công.

Đọc thêm