Mang “Tết âm” về với bệnh nhân phong Chí Linh
Mang trên vai “hàng trang” là những món quà và tình cảm ấm áp đến với người bệnh phong, ngày 26/1, chúng tôi có dịp được cùng đoàn công tác BV Da liễu Trung ương đến thăm hỏi và tặng quà cho những người bệnh tại Khu điều trị phong Chí Linh, Hải Dương. Theo các bác sĩ ở đây, Khu điều trị hiện có gần 110 bệnh nhân, phần lớn đều là những bệnh nhân đã cao tuổi, tàn phế và họ cũng đã ở đây tới vài chục năm.
Phá tan không khí trong lành, yên tĩnh thường ngày, tại Hội trường ngày hôm lại nhộn nhịp hơn hẳn khi những tiếng vỗ tay, câu thăm hỏi và những lời chúc Tết của các bác sĩ trong buổi trao quà. Bác sĩ Nguyễn Quang Cương, Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh cũng không giấu được cảm xúc: “Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đời sống của bệnh nhân ở Khu điều trị đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ được chăm lo về sức khỏe, chăm lo về mặt vật chất, tinh thần và nhờ sự quan tâm ấy còn giúp người bệnh tự tin, không còn mặc cảm về căn bệnh của mình và có thêm niềm vui trong cuộc sống”.
Bác sĩ Nguyễn Quang Cương, Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh chia sẻ tại buổi tặng quà |
Là lần thứ 3 về thăm và trao quà chúc Tết các bệnh nhân phong tại đây, GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương chia sẻ, những người mắc bệnh phong là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Bởi căn bệnh phong không chỉ mang đến những vết lở loét, viêm nhiễm làm họ mất dần các ngón tay, thậm chí cả bàn tay, bàn chân mà khiến họ có mặc cảm, tự ti với chính bản thân mình.
GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương phát biểu tại lễ trao quà |
Ông Sáu cũng cho biết, đây là chương trình của Bệnh viện Da liễu Trung ương theo Kế hoạch Hoạt động phòng chống bệnh phòng Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2021 và cũng là truyền thống của Bệnh viện Da liễu Trung ương. Hàng năm mỗi khi Tết đến Xuân về, Bệnh viện thường xuyên tổ chức các đoàn công tác thăm hỏi và trao quà cho bệnh nhân. Đây chính là nguồn động viên rất lớn giúp bệnh nhân phong vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập lại với cộng đồng. Những món quà tuy nhỏ nhưng với sự tận tình, chu đáo của các bác sĩ ngày cuối năm dường như ấm áp, cảm động và ý nghĩa hơn, đặc biệt với những người bệnh phong tại Khu điều trị phong nơi đây.
“Mong xã hội không kỳ thị”
Là một bệnh nhân chung sống với căn bệnh phong hơn 30 năm nay, ông Thiều Quang Tụng, Hưng Yên, chia sẻ: “Tôi vào đây điều trị từ cuối năm 80 do di truyền từ cha mẹ. Ban đầu mắc bệnh, tôi rất buồn bởi vì chân tay cứ thế teo đi, hoạt động thường ngày cũng khó khăn. Nhưng sau quá trình điều trị, tôi rất biết ơn Khu điều trị cũng như Bệnh viện Da liễu Trung ương đã luôn quan tâm, chia sẻ giúp đỡ những người bệnh như chúng tôi. Họ rất tận tình, chu đáo, giúp chúng tôi vượt qua sự mặc cảm về bệnh tật, những điều ngay đến khi người thân của mình cũng không làm được”.
GS.TS Nguyễn Hữu Sáu thăm hỏi, chúc Tết bệnh nhân phong tại Khu điều trị |
Bế trên tay đứa con trai 16 tháng tuổi, bệnh nhân Tần Thị Sa, đến từ huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu mặc dù mới 21 tuổi nhưng đã mắc bệnh phong được 3 năm. Do chưa hiểu rõ về căn bệnh này nên khi thấy trong người mệt mỏi, nhiều vùng da trên mặt và người có thay đổi, chị Sa mới tới thăm khám tại Bệnh viện Tỉnh Lai Châu, sau đó được chuyển xuống điều trị ở Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bệnh nhân phong Tần Thị Sa cùng con trai 16 tháng tuổi đang điều trị tại Khu điều trị Phong Chí Linh |
Khi tình hình sức khỏe ổn định hơn, chị Sa được chuyển về Khu điều trị phong Chí Linh gần 1 tháng nay. Chia sẻ với chúng tôi, chị Sa nghẹn lời:” Dù tuổi còn trẻ nhưng tôi đã có 2 con. Ngay từ khi biết tôi bị bệnh, cả chồng và gia đình nhà chồng đều xa lánh, bỏ mặc tôi chống chọi với bệnh tật. May mắn là đến đây, được các bác sĩ tại Khu điều trị và Bệnh viện Da liễu hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng ngày, hai mẹ con đều được các bác sĩ và điều dưỡng quan tâm, chăm sóc lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ, nhắc nhở uống thuốc đúng giờ. Đôi khi, tôi thấy chạnh lòng về bệnh tình của mình, nhưng khi được các bác sĩ giải thích về bệnh phong, tôi cũng phần nào yên tâm hơn".
"Suốt thời gian điều trị tại đây, tôi cảm thấy trên đời đâu đó vẫn còn ấm áp tình người, có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu và chăm sóc các con. Chứng kiến mỗi ngày bệnh nhân tại Khu điều trị được các y sĩ nhỏ thuốc, tập nhắm mắt cho người bị liệt mắt; bôi dầu nóng, mát xa cho những người cụt tay chân. Với những trường hợp tổn thương loét lỗ đáo ở lòng bàn chân, y bác sĩ giúp đỡ nạo vét lỗ đáo, băng bó cho họ. Tôi vô cùng cảm động và hi vọng thời gian tới mình sẽ chữa trị bệnh thật tốt, khỏi bệnh sớm để xã hội, gia đình, không còn xa lánh, kỳ thị. Mong rằng những ai có người thân mắc bệnh phong, hãy hiểu đúng về bệnh và đừng bỏ rơi gia đình của mình". chị Sa nói.
GS.TS Nguyễn Hữu Sáu mong muốn rằng sẽ không còn ai kì thị, xa lánh những bệnh nhân phong nữa |
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, hiện nay, bệnh phong không còn là vấn đề của xã hội nữa, sự kỳ thị đối với bệnh nhân phong đã giảm rất nhiều so với trước đây, nhưng đâu đó nhiều người vẫn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với họ. Chia sẻ về điều này, GS. Sáu khẳng định, bệnh phong tuy là bệnh truyền nhiễm nhưng rất khó lây, và nếu như bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị kịp thời hoàn toàn có thể khỏi bệnh và không để lại dấu vết gì. Tất cả sự tàn tật ở người bệnh mà chúng ta nhìn thấy là hậu quả của tổn thương thần kinh do bệnh trực khuẩn gây nên, và những tàn tật này hoàn toàn không lây nhiễm.
“Tôi hi vọng những người mắc căn bệnh phong này thông còn những tháng ngày đớn đau buồn tủi, bị xa lánh, kỳ thị nữa. Thay vào đó, bằng tất cả tình yêu, cảm thông giữa người với người sẽ mở ra cho họ những trang mới đầy hy vọng, yên vui”, Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương chia sẻ.