“Đơn vị điều trị COVID-19” tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có quy mô 550 giường với 66 giường hồi sức theo kế hoạch 2.000 giường điều trị COVID-19 của Sở Y tế.
Sau khi thực hiện chuyển đổi công năng, một nửa bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (bên tay phải theo chiều dọc, đi từ cổng chính vào) vẫn là các phòng khám và các khoa lâm sàng, cận lâm sàng phục vụ cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh mắc bệnh lao và bệnh phổi không do lao.
Nửa bên tay trái (theo chiều dọc, đi từ cổng chính vào) là “Đơn vị điều trị Covid-19” sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Một nửa bệnh viện (tính theo chiều dọc) đã được tách biệt hẳn với một nửa còn lại, có cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hoà trung tâm,…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán COVID-19.
Khu vực xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh. (Nguồn ảnh: Sở Y tế TP HCM) |
Với đội ngũ các thầy thuốc chuyên khoa sâu về bệnh lý đường hô hấp và hồi sức hô hấp, chuyên khoa sâu về bệnh lý nhiễm trùng (cả lâm sàng và cận lâm sàng), do đó, “Đơn vị điều trị COVID-19” tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch được Sở Y tế giao nhiệm vụ sẽ tiếp nhận điều trị các trường hợp COVID-19 (+) cả các trường hợp nhẹ và nặng.
Điều này chắc chắn sẽ làm giảm bớt áp lực cho bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới – bệnh viện đầu ngành được giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối chuyên điều trị các ca nặng, vừa tư vấn chuyên môn cho các bệnh viện khác, vừa phải hỗ trợ làm xét nghiệm chẩn đoán cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Như vậy, tính đến nay TP HCM đã có 3 bệnh viện được sở Y tế TP HCM yêu cầu chuyển đổi công năng thành nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 là Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện huyện Củ Chi và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.