BV Tâm thần TP HCM có 3 cơ sở: 766 Võ Văn Kiệt ở Quận5, Lê Minh Xuân ở huyện Bình Chánh và Khoa tâm lý tâm thần trẻ em ở quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, các cơ sở vật chất ở cả 3 nơi đều chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, cũng như khó có thể triển khai được các kỹ thuật can thiệp mới và hiệu quả.
Đặc biệt, ở cơ sở Võ Văn Kiệt, là nơi đón tiếp chính lượng bệnh nhân thành phố, nhưng mặt bằng khoa ngoại và cả nội trú rất hạn chế, gây phiền hà, tâm lý ngán ngại đi khám cho người bệnh. Đã có rất nhiều bệnh nhân và thân nhân từ chối nhập viện do không muốn lưu trú.
Hiện nay tỉ lệ giường nội trú tâm thần tại Việt Nam là 0,2/1.000 dân, riêng tại TP HCM chỉ là 0,07/1.000 dân, thấp hơn so với chỉ tiêu Tổ chức Y tế thế giới đưa ra là 0,5/1.000 dân. Áp lực giường bệnh khiến BV phải giải quyết xuất viện sớm đối với cả các trường hợp cần thêm thời gian nằm viện, có nguy cơ tái diễn, kích động, tự sát, gây hại.
Bên cạnh đó, về nguồn lực, hiện BV Tâm thần TP HCM cũng chỉ có 61 bác sĩ, đạt tỉ lệ 1 bác sĩ/12,2 giường bệnh, trong khi đó quy định chung phải là 1 bác sĩ/5 giường bệnh. Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, tâm thần là 1 trong 5 nhóm bệnh là gánh nặng toàn cầu và con số người bệnh tăng lên hàng năm.
Thành phố cần có chiến lược xây dựng các bệnh viện tâm thần ban ngày ở tại cộng đồng, kiểu như nhà trẻ, là nơi hỗ trợ các gia đình có người bệnh tâm thần để gia đình được giải phóng sức lao động, tiếp tục lo trang trải cuộc sống, còn bệnh viện sẽ là nơi giải tỏa căng thẳng cho bệnh nhân. Về vấn đề này, bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP HCM cho rằng, đây là một mô hình tốt nhưng hiện nay không có quỹ đất để thực hiện.