Trước đó, Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã bắt quả tang ba người phụ nữ bán dâm và một người đàn ông mua dâm. Cảnh sát sau đó dùng loa đọc công khai tên, tuổi, quê quán những người này ngay trên vỉa hè, trước chứng kiến của đám đông. Địa điểm công bố là trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông.
Vào sáng 30-1, đoạn clip dài hơn 4 phút đượccông khai trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.
Trong clip, một người mặc sắc phục công an cầm micro đứng đọc tờ trình nêu rõ hành vi chứa mại dâm của chủ một quán cà phê, 2 người nữ bán dâm và một người nam mua dâm. Sau khi đọc xong, người mặc sắc phục công an gọi tên từng người bước lên phía trước để "giới thiệu" tên, tuổi, quê quán, con cái, hoàn cảnh gia đình. Một trong 2 người nữ bị cho là có hành vi bán dâm đã che mặt khóc vì xấu hổ.
Trong khi đó, người nam bị cho là mua dâm được người mặc sắc phục công an công bố: "Đây là anh P.V.T, tạm trú tại khu phố 10, nghề nghiệp làm thợ hồ. Anh T. là người đến trực tiếp mua dâm. Do không có vợ nên anh T. thường hay tìm đến những nơi có các hoạt động trá hình để thỏa mãn nhu cầu tình dục của một người đàn ông trong việc ăn chơi".
Thiếu tá Dương Thiết Tâm, Phó trưởng Công an thị trấn Dương Đông, đã xác nhận sự việc diễn ra trước đó một ngày và đó là buổi công bố quyết định xử phạt các đối tượng có hành vi mua bán dâm để họ đi nộp phạt.
|
Công an đọc công khai danh tính người mua, bán dâm. |
Phát biểu trên VNE, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, hành vi mua bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 22, 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Bởi vậy, việc công khai danh tính người mua, bán dâm trước đám đông của Công an thị trấn Dương Đông là trái pháp luật. “Việc làm này ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người bị xử lý hành chính, cho dù họ là người mua, bán dâm”, luật sư Cường nói.
Viện dẫn Hiến pháp 2013, ông Cường cho biết điều 20 đã quy định "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm…". Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng xác định "danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
|
Từ ngày 1/7/2013, người bán dâm không còn bị đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm hoặc các trại giáo dưỡng, các cơ sở chữa bệnh bắt buộc như trước.Ảnh minh hoạ: Quốc Thắng |
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng người mua, bán dâm có quyền được pháp luật bảo vệ về danh tính, nhân phẩm. Việc làm trên của công an là vượt quá thẩm quyền và “có dấu hiệu làm nhục người khác”.
Theo luật sư Hùng, những người bị bắt quả tang mua, bán dâm này hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu công khai xin lỗi và bồi thường tổn thất về tinh thần, danh dự theo quy định của pháp luật.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo báo NLĐ, Luật sư (LS) Trần Thị Ánh, Trưởng Văn phòng LS Nguyễn Thanh Lương (Đoàn LS TP HCM), cho rằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ (theo khoản 1, điều 34, Bộ Luật Dân sự năm 2015). "Việc Công an thị trấn Dương Đông hành xử như trên, đã vi phạm pháp luật vì xúc phạm danh dư, nhân phẩm người khác, vi phạm điều 20 - Hiến pháp năm 2013. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra mà Công an thị trấn Dương Đông phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật hiện hành".
LS Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, phân tích thêm rằng theo Pháp lệnh Về phòng, chống mại dâm 2003 thì tùy tính chất, mức độ vi phạm, người mua dâm, người bán dâm sẽ bị xử lý hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong trường hợp người mua dâm, người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Cũng theo LS Nguyễn Thành Công, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán dâm, với mức phạt tiền cao nhất là 10 triệu đồng. Việc công an đọc tên, nêu hành vi của người mua bán dâm là sai. Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Như vậy, Công an thị trấn Dương Đông đã không dựa trên căn cứ pháp luật khi xử lý vụ này, thẳng thắn mà nói là làm trái luật, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và nhân phẩm là các quyền hiến định của những người bị xử lý, cho dù người đó là người mua dâm hay bán dâm.
ThS-LS Huỳnh Công Thư, Đoàn LS tỉnh Long An, cũng khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính "lưu động" như Công an thị trấn Dương Đông đã làm là không đúng quy định pháp luật và xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật quy định và bảo vệ. Danh dự, nhân phẩm là quyền con người được Hiến pháp và luật quy định và bảo vệ. Mặt khác, một trong những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN là cơ quan công quyền chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Cho nên, việc tổ chức bêu riếu công khai danh tính người có hành vi vi phạm hành chính là hành vi không được văn bản pháp luật nào cho phép thực hiện. "Hành vi này xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân với tình tiết tăng nặng là có tổ chức và lợi dụng chức vụ quyền hạn, có thể dẫn đến hậu quả là nạn nhân cảm thấy xấu hổ, bỏ xứ ra đi, mất việc làm, mất hạnh phúc, thậm chí tự tử" - LS Thư nhấn mạnh.
Theo LS Thư, về dân sự, hành vi này có thể sẽ phải dẫn đến việc xin lỗi công khai và bồi thường danh dự, nhân phẩm cho nạn nhân (gồm các chi phí thuốc men, nằm viện do bị xúc phạm gây ra, bồi thường tổn thất tinh thần không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định). Về hình sự, các cá nhân tham gia bêu riếu có thể bị truy tố tội "Làm nhục người khác" theo Bộ Luật Hình sự.