BHXH "đủ tiền "chi" cho lao động nữ nghỉ sinh 6 tháng

Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì Quỹ BHXH có thể cân đối được.

Sáng nay, tại phiên làm việc của kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi.

Quyền lợi của nữ lao động được Quốc hội quan tâm đặc biệt
Quyền lợi của nữ lao động được Quốc hội quan tâm đặc biệt

Có 7 vấn đề lớn, và một số vấn đề khác đã được đề cập đến trong bản báo cáo.

Về chính sách đối với lao động nữ và lao động đặc thù khác (từ Điều 155 đến Điều 187). Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết có hai loại ý kiến về vấn đề này. Ý kiến thức nhất tán thành như Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai cho rằng quy định này vừa bảo đảm quyền lợi của lao động nữ, vừa bảo đảm quyền lợi của trẻ em, bảo đảm công bằng giữa các nhóm lao động nữ có điều kiện làm việc, điều kiện sức khỏe khác nhau.

Ý kiến còn lại (chiến phần đa số) đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản và quyền được hưởng chính sách thai sản cho tất cả các nhóm lao động nữ lên 6 tháng nhưng cho phép người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội. Quy định này đảm bảo công bằng cho tất cả các đối tượng phụ nữ và tạo sự linh hoạt cho người lao động và người sử dụng lao động.

Tại dự thảo lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn trình hai phương án quy định về thời gian nghỉ thai sản. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi.

Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được. Bên cạnh đó, phương án này bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, đề cao quyền lựa chọn của lao động nữ để phù hợp với công việc, cuộc sống của mình và bảo đảm được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.

Về tuổi nghỉ hưu nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55.  Có ý kiến đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và lao động nữ đều là 60 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đảm bảo an toàn lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội và thích ứng với xu hướng già hóa dân số .

Có ý kiến đề nghị đối với nhóm đối tượng người lao động có thể được kéo dài tuổi để hưởng lương hưu thì cần phải quy định cụ thể thời gian kéo dài không quá 5 năm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật cơ bản giữ như hiện hành nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai.

Trong phiên họp chiều nay,  Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi. sau đó là phần thảo luận tại hội trường. Tiếp đó, trong phiên làm việc riêng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Nhật Thanh
 

Đọc thêm