Thúc đẩy sản xuất thuốc ARV trong nước
Trước thực tế của việc mở rộng số người nhiễm HIV được điều trị (ĐT) ARV (thông thường những người có tế bào CD4 dưới 500 thì được ĐT ARV; nay kể cả những đối tượng như những người đồng nhiễm lao, nghiện chích ma túy, phụ nữ mang thai, trẻ em… không cần CD4 bao nhiêu cũng sẽ được ĐT), trong khi các nguồn tài trợ quốc tế sẽ chính thức cắt giảm hết vào năm 2017, TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia Chính phủ về HIV cho hay, cách giải quyết hiện nay là phải bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động này.
Cụ thể, ngoài nguồn hỗ trợ chính từ ngân sách trung ương, địa phương; huy động hỗ trợ từ các doanh nghiệp, việc sản xuất thuốc ARV trong nước là việc phải tính đến. Bởi lẽ, việc sản xuất thuốc ARV giá rẻ ở Việt Nam để cung ứng cho các bệnh nhân (BN) AIDS là vô cùng quan trọng. Muốn vậy, theo ông Huấn, chúng ta phải tiến hành đàm phán để nhà sản xuất nhượng quyền sản xuất thuốc ARV giá rẻ.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cũng cho hay, trước nhu cầu bức thiết của việc cung cấp ARV cho BN AIDS, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020 để có nguồn kinh phí cho việc mua thuốc ARV. Chính phủ rất ủng hộ việc phân bổ tài chính mua thuốc ARV.
Hiện, ông Long cho hay, 29 địa phương đã phê chuẩn phương án tài chính cho hoạt động phòng chống AIDS, trong đó có phần kinh phí mua thuốc ARV. Năm 2015, Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đấu thầu mua thuốc. Theo đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ mua thuốc ARV tập trung để có nguồn thuốc giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ thúc đẩy việc nhập khẩu, phân phối và sản xuất thuốc trong nước, đặc biệt là những thuốc có phác đồ ĐT cao.
Thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm – không lo “vỡ” quỹ!
Đó là khẳng định của đại diện BHXH Việt Nam- ông Nguyễn Lương Sơn. Cụ thể, theo ông Sơn, khi nguồn tài trợ cắt giảm, BHXH Việt Nam sẽ cùng chung tay với các bộ, ngành liên quan để duy trì nguồn thuốc cung cấp cho BN. Cũng theo ông Sơn, hiện có tới 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nên Quỹ BHYT vẫn còn có những khó khăn. Mặt khác, các cơ sở ĐT HIV cũng chưa đảm bảo điều kiện cho việc khám chữa bệnh cũng là một trong những “rào cản” người nhiễm tiếp cận thuốc ARV.
Do đó, để ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm, các cơ sở y tế cần phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn cũng như điều kiện hành nghề. Trạm y tế xã, phường cũng cần có những đổi mới để quản lý BN… Ông Sơn cho rằng sẽ không có sự phân biệt BN AIDS với các BN khác. Cụ thể, họ được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như nhau, thanh toán BHYT không khác biệt.
Trước mối lo “vỡ” Quỹ BHYT khi triển khai BHYT cho người nhiễm, TS. Trịnh Quân Huấn cho hay, đa số BN AIDS là người nghèo, cận nghèo nên họ đã được hưởng sự hỗ trợ BHYT. Bên cạnh đó, khi tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng lên thì khả năng “vỡ” Quỹ khó có thể xảy ra.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng Long cũng cho biết, thực tế Bộ Y tế cũng đã có sự tính toán kinh phí BHYT. Với tỷ lệ tham gia BHYT như hiện nay, thậm chí tăng lên 120 – 150 tỷ/năm, BHYT vẫn có thể cân đối được khi chi trả BHYT cho người nhiễm. Còn đại diện BHXH Việt Nam cũng trấn an: “Không phải vì lo “vỡ” Quỹ mà không thực hiện trách nhiệm của mình!”.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Quỹ BHYT hiện không chỉ chi thêm cho đối tượng người nhiễm HIV mà còn thực hiện nhiều mục tiêu khác như chăm sóc BN lao và các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng Quỹ vẫn có thể lo được.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đã và đang vận động nhân dân tham gia BHYT, đồng thời có nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy tham gia BHYT theo hộ gia đình; huy động sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cho phép các địa phương kết dư Quỹ sử dụng phần kết dư để đầu tư ngược lại cho hoạt động phát triển và mở rộng BHYT…
Sở dĩ tỉ lệ tham gia BHYT người nhiễm còn thấp, theo ông Sơn là do việc ĐT ARV hiện nay là miễn phí nên họ không quan tâm đến việc mua thẻ; ngoài ra họ cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia BHYT; nhiều người thì sợ bị lộ danh tính nên cũng không mặn mà tham gia… Trong thời gian tới, muốn phát triển BHYT, TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng phải tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, đặc biệt tập trung những người đang ĐT ARV.
Hiện Bộ Y tế đang tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ người nhiễm tham gia BHYT. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ ĐT và dự phòng HIV. Tuy nhiên, theo ông Long, bản thân người nhiễm cũng phải tự vượt qua chính mình để khắc phục mọi khó khăn, tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, điều trị và dự phòng HIV, vươn lên trong cuộc sống…
Hiện, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có tổng số 227.000 người nhiễm HIV được báo cáo, nhưng chỉ có 100.000 người được ĐT ARV. Dự tính, mỗi năm Nhà nước phải chi phí khoảng 420 tỷ đồng cho việc ĐT này, hơn 90% nguồn kinh phí từ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 90% số người nhiễm được ĐT ARV. Nếu chúng ta không đáp ứng nhu cầu này sẽ rất khó khăn (BN tử vong; nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao); BN bị kháng thuốc do thiếu thuốc ĐT cũng tăng lên, và họ phải chuyển sang ĐT bằng phác đồ ĐT bậc hai chi phí sẽ cao hơn rất nhiều…