Hoàng hôn chập choạng khi chúng tôi đặt chân đến khu mộ địa. Một con đường đá ngoằn nghèo, hai bên là những chiếc lồng đèn hắt ra thứ ánh sáng mờ mờ ảo ảo, như con rắn xuyên qua những hàng cây. Chúng tôi thận trọng đi xuôi xuống và bị “nuốt chửng” bên trong cánh rừng già 1.200 năm tuổi.
Nghĩa địa cổ xưa
Đó là nghĩa địa Okunoin, mốc thếch rêu xanh và ẩm ướt, thuộc loại nghĩa trang lớn nhất nước Nhật, kéo dài cỡ 2 cây số, là nơi an giấc ngàn thu của hơn 20 vạn tăng sĩ – những người được cho là đang chờ đợi sự giáng sinh của Đức Đương Lai Phật tức Di Lặc Phật Tổ.
Được hình thành ít nhất từ năm 816 sau Công nguyên, mỗi tấc đất chứa đầy ắp sự thiêng liêng, nghĩa địa Okunoin nằm ở Koya-San - một ngôi làng cổ thuộc vùng núi tỉnh Wakayama (Nhật Bản). Đây là một trong số nhiều địa danh linh thiêng thuộc quần thể rặng núi Kii, đã được đề tên trong bản danh sách của tổ chức UNESCO như là Di sản văn hóa thế giới với những ngôi đền Shinto và những tuyến đường hành hương có từ thời cổ đại, liên kết với các địa điểm chiêm bái hành hương Phật giáo hiện đại, nơi mà cách đây 1.500 năm, Phật giáo đã tới Nhật Bản.
|
Nghĩa địa Okunoin được hình thành từ năm 816 |
Koya-san là cái nôi của Phật giáo Chân Ngôn (Chân Ngôn Tông), mà ngày nay còn lại một số ít hiện đang hoạt động ở Đông Á. Dòng Phật giáo này rất bí ẩn với khái niệm Mikkyō: Một dạng giáo lý được lưu truyền thông qua hình thức truyền miệng. Chân Ngôn Tông đã được truyền bá đến Nhật Bản vào năm 805 sau Công nguyên bởi nhà thơ kiêm hòa thượng Không Hải (Kūkai, còn có tên gọi khác là Kōbō-Daishi), người đã tu tập cùng với các nhà sư khác tại Tây An dưới thời nhà Đường bên Trung Hoa, cũng là một trong những nhân vật tôn giáo quan trọng nhất ở Nhật Bản.
Chốn thiền định thiêng liêng
Bước chân đến Koya-san, mọi người sẽ tạm thời “quên” đi chứng nghiện rượu, ăn uống thả cửa, mua sắm hay hát karaoke ầm ĩ như vẫn hay thường thấy ở Tokyo. Koya-san là một nơi tĩnh mịch, yên ả. Cũng như nhiều địa danh du lịch tâm linh khác trên đất Nhật, đa phần người ta đến đây bằng tàu tốc hành mất khoảng 5 tiếng đồng hồ từ Tokyo. Chặng cuối cuộc hành trình là một vùng phong cảnh nên thơ ở nhà ga Gokuraku-bashi và du khách bắt đầu leo lên ngọn núi cao 800 m, bỏ lại sau lưng thế giới hiện đại ồn ào.
|
Nghĩa địa Okunoin dài tới 2 cây số thuộc loại lớn nhất Nhật Bản |
Truyền thuyết địa phương nói rằng, 8 đỉnh núi ở Koya-san trông như một đóa hoa sen. Chẳng biết điều đó có thực hay không, nhưng khi đặt chân đến nơi, thật dễ trông thấy đỉnh núi phủ đầy mây mờ, được chọn lựa làm nơi tu hành của các nhà sư ở buổi đầu đặt chân đến đây. Một bầu không khí tĩnh lặng êm đềm trong hơi lạnh mùa xuân se sắt. Hệ thống cáp treo đưa khách đến trạm xe buýt, nơi chúng tôi cưỡi xe buýt đúng 5 phút để đến làng Koya-san ở góc phía Đông.
Dù nhiều Phật tử vẫn nói về sự thanh cao, nhưng tiền bạc mà khách du lịch phải chi trả cho Hiệp hội Shukubo Koya-san (KSA) lại không hề rẻ một chút nào: Ngủ 1 đêm, ăn tối, ăn sáng và thiền định được chốt giá tới 32.000 Yên Nhật (cỡ 8,8 triệu đồng Việt Nam), nhưng đó mới chỉ là khoản tiền mặt được chi trả chính thức.
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu khám phá 117 ngôi đền và chùa chiền của Koya-san. Mất 5 phút leo bộ, chúng tôi đến ngôi đền Kiyotaka Shinto, nằm cheo leo trên một ngọn đồi phủ dầy bóng cây gỗ cạnh đó, được đánh dấu bằng một hàng các Torii màu đỏ chót (những lối đi là biểu tượng cho đền Shinto ở khắp nơi trên đất Nhật), rồi cuốc bộ thêm 15 phút để đến các ngôi chùa Phật tại Danjo Garan, nơi tu tập chính của các nhà sư và là một nơi nổi tiếng ở chốn này.
Khu phức hợp này gồm ngôi chùa 2 tầng sơn màu châu sa có từ thế kỷ thứ 9 mang tên là Konpon Daito, được tô điểm với hàng tượng của 16 vị Bồ Tát, bao gồm 8 vị sư tổ của Phật giáo Chân Ngôn. Không giống như phần lớn các ngôi chùa Phật giáo khác ở Nhật, ở đây mô tả vẻ hoang dã của các vị Phật cùng những sắc màu sặc sỡ của các Mandala của Tây Tạng, Bhutan và Ấn Độ. Chúng tôi cũng chiêm bái Kondo – Sảnh Vàng - nơi mà Guru Bhaishajya – Dược Sư Phật – được tôn thờ và lắng nghe âm thanh trầm bổng của tiếng chuông đồng Daito - quả chuông lớn thứ 4 ở Nhật Bản.
Thế giới bất tử
Chúng tôi tiếp tục xuôi đến lăng gia tộc Tokugawa có từ thế kỷ 17, được xây dựng làm nơi an giấc ngàn thu cho vị tướng quân tài ba cùng những người con trai kiêu dũng của ngài. Buổi chiều, chúng tôi quay lại nghĩa địa Okunoin để khám phá các con đường mà đêm trước đã không nhìn thấy chúng.
Vào ban ngày, nghĩa trang Okunoin là một nơi không hoàn toàn tối tăm, ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua các tán rừng cây rậm dầy, hắt thứ ánh sáng lung linh lên các thân cây, rêu và nóc những tòa mộ tháp phủ lên trên các hàng bia mộ. Có cảm giác như đây lạc về một thế giới bất tử. Những khuôn mặt mà đêm trước chúng tôi thấy lờ mờ chính là những pho tượng đá của Bồ Tát (Jizo Bosatsu, tức Địa Tạng Vương Bồ Tát), được tạc trong nhiều hình dạng: cao và ốm, thấp và mập, ngay cả những pho tượng nhỏ xíu như những cái trứng Phục Sinh nằm giấu mình trong các hốc cây cổ thụ.
|
Jizo Bosatsu (Địa Tạng Vương Bồ Tát) với nụ cười và đôi má hồng |
Jizo Bosatsu thường được mô tả với nụ cười viên mãn, và đôi khi người ta còn đánh một vết hồng lên má vị Bồ tát khiến ngài có một hình dáng vui nhộn. Không ít du khách bị thất lạc con cái đã đặt những cái yếm trẻ con màu đỏ lên chân tượng Bồ tát với ngụ ý Ngài sẽ coi sóc con cái họ, cầu mong sức khỏe và tìm lại con cái đã mất tích về cho họ. Có hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn chiếc tạp dề như thế bay phần phật trong gió vây quanh chúng tôi.
Đây là nơi để xoa dịu mọi nỗi đau đớn, thống khổ, một chốn để tống tiễn lo âu, buồn khổ, trả lại sự thanh tĩnh, hòa ái. Góc cuối con đường trong nghĩa trang Koya-san là Torondo, hay Sảnh Lồng Đèn - được dùng làm lối đi cho bảo tàng Không Hải thiền sư, có treo 1 vạn chiếc lồng đèn được cúng dường. Hai trong số 1 vạn chiếc lồng đèn này đã được thắp sáng liên tục kể từ năm 1088, một chiếc là của một vị vua Nhật Bản, còn cái kia của một phụ nữ nông dân, người đã bán tóc mình để mua lồng đèn nhằm cầu siêu cho cha mẹ của mình.
Lần đến nghĩa trang Koya-san này, chúng tôi không còn cảm giác u ám, ma quái nữa. Bất giác tôi nhớ lại những lời sau cùng của đức Phật trước khi bước vào cõi Niết Bàn: “Hãy là ánh sáng cho đời mình!”. Chúng tôi trở về lại Shukubo, và cuối cùng ánh sáng đã soi rọi tâm hồn…/.