Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.
Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy tại Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư và Chương trình xét, công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024 diễn ra chiều 10/11, tại Hà Nội.

Điểm nhấn tại diễn đàn là tọa đàm với 2 phiên thảo luận: "Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu", "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."

Diễn đàn góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; là nơi các doanh nghiệp thảo luận, tranh biện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đa văn hóa đến kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.

"Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu" được các đại biểu thảo luận (Ảnh: BTC).

"Môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu" được các đại biểu thảo luận (Ảnh: BTC).

Đây cũng là dịp để Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả trong môi trường đa văn hóa; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động "Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp quan trọng cho mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước; xây dựng mối quan hệ gắn bó tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Các doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ văn hóa quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề cập cách tiếp cận bao quát về văn hóa doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đa văn hóa.

“Cộng đồng doanh nghiệp chưa bao giờ ở một thế giới phẳng như bây giờ, vì vậy, họ cần sẵn sàng tâm thế để cạnh tranh, để hòa nhập và phát triển. Hành trình này cần vai trò của truyền thông, góp phần tìm tiếng nói chung cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh hòa nhập toàn cầu,” ông Lê Quang Minh phát biểu.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trao tặng bằng khen cho 6 doanh nghiệp, 1 Diễn đàn, 19 phóng viên báo chí có đóng góp tích cực trong việc lan tỏa Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước; Vinh danh và trao chứng nhận cho 20 "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét chọn.