Huyền thoại kép độc hiếm có của làng cải lương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhờ phong cách ca ngâm và diễn xuất tài tình, NSND Diệp Lang là một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam. Đặc biệt, ông gây ấn tượng với khán giả với những vai kép độc diễn như không diễn mà đến thời điểm hiện tại chưa ai có thể thay thế được.
Vai diễn để đời Hội đồng Thăng diễn cùng NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) trong vở Đời cô Lựu. (Ảnh: Chụp màn hình)
Vai diễn để đời Hội đồng Thăng diễn cùng NSND Bạch Tuyết (cô Lựu) trong vở Đời cô Lựu. (Ảnh: Chụp màn hình)

Người diễn kép độc tuyệt vời

Trên sân khấu có thiện và có ác, tương ứng với đó phải có kép mùi và kép độc. Kép độc là khái niệm để chỉ anh kép đóng vai xấu, đối lập với cụm từ kép mùi để chỉ anh kép đóng vai tốt. Thông thường, kép độc là vai đối đầu với kép mùi, là vai gieo gió, là động lực gây ra xung đột giữa cái ác và cái thiện. Để trở thành kép độc không dễ, ngoài kỹ năng diễn xuất, nghệ sĩ còn phải có đức hy sinh, hết lòng vì nghệ thuật.

Có lẽ cũng vì thế mà ít ai muốn trở thành kép độc, họ chọn vai kép mùi để dễ chiếm cảm tình khán giả. Thế nhưng, những vai kép độc lại mang đến cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo và tạo dựng dấu ấn riêng. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu đã khẳng định tên tuổi của mình qua những vai diễn phản diện đặc sắc đến mức hễ nhắc tên là công chúng nhớ vai. Một trong những huyền thoại kép độc của làng cải lương không thể không nhắc đến chính là NSND Diệp Lang.

Được biết đến là nghệ sĩ cải lương, sân khấu, diễn viên điện ảnh và đạo diễn huyền thoại của sân khấu cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp). Sinh trưởng trong gia đình có cha là thầy đàn Ba Diệp nên ngay từ khi còn nhỏ ông đã được tiếp xúc với nghệ thuật.

Năm lên 8 tuổi, ông được cha dắt theo đoàn cải lương Tam Phụng, vì không muốn con trai nối nghiệp đàn, chỉ đứng sau sân khấu, ông được cha cho học ca. Sau đó, nghệ sĩ Diệp Lang được đóng những vai phụ, khởi đầu tại đoàn Kim Thoa. Trong sự kiện đoàn Kim Thoa bị ném lựu đạn khi diễn vở Lấp Sông Gianh tại rạp Nguyễn Văn Hảo, cha con ông may mắn thoát chết, khi đó ông mới 12 tuổi và tham gia một vai diễn nhỏ.

Sau này, khi cha nghệ sĩ Diệp Lang lâm bệnh nặng và mất ở quê nhà, ông quay lại thành phố, tiếp tục theo nghiệp cầm ca tại đoàn Cải lương Kim Thoa, rồi đến đoàn Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo - Ba Vân… nhưng đều đóng các vai diễn phụ. Chỉ đến năm 17 tuổi khi đầu quân cho đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ do được ông soạn giả kiêm bầu gánh Nguyễn Huỳnh đưa về ông mới được giao vai chính đầu tiên trong sự nghiệp. Đó là vai hoàng tử trong vở Chiếc nhẫn kim cương, ông được chọn thế vai sau khi kép chánh bỏ tuồng. Cũng chính bầu gánh Nguyễn Huỳnh đã đặt nghệ danh Diệp Lang cho ông, với ý nghĩa là con của ông Ba Diệp.

Nghệ sĩ Diệp Lang. (Ảnh: Jimmy)

Nghệ sĩ Diệp Lang. (Ảnh: Jimmy)

Đến năm 1962, nghệ sĩ Diệp Lang gia nhập đoàn Kim Chưởng và được soạn giả Thu An giao vai người cha trong vở Người anh khác mẹ. Đây là vai diễn giúp ông giành Giải thưởng Thanh Tâm dành cho diễn viên triển vọng năm 1963, cũng là một trong những giải thưởng đầu tiên, đánh dấu điểm khởi đầu trên con đường sự nghiệp rực rỡ của ông sau này.

Những năm sau đứng trên sàn diễn, nghệ sĩ Diệp Lang có cơ hội hoá thân vào nhiều dạng vai diễn khác nhau với đầy đủ các thể loại tuồng như: kiếm hiệp, hương xa, tâm lý xã hội,… Điểm mặt gọi tên có thể kể đến một số vai diễn thành công như Lê Quý (trong Tâm sự Ngọc Hân), Hội đồng Thăng (trong Đời cô Lựu), Trung sĩ Tám (trong Tìm lại cuộc đời), Lê Xuân Giác (trong Tiếng sóng Rạch Gầm), Ông nội (trong Cây lẻ bạn), Ông Hai (trong Đàn ca tri kỷ), Hội đồng Dư (trong Tiếng hò sông Hậu),…

Với lối diễn linh hoạt và giọng hát chuẩn mực nhưng khắc khoải, sầu bi, những vai diễn của nghệ sĩ Diệp Lang được khán giả vô cùng yêu mến. Thế nhưng, dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của ông phải kể đến những vai kép độc, trong đó hai vai diễn kinh điển trong lòng công chúng là Hội đồng Thăng (trong Đời cô Lựu) và Hội đồng Dư (trong Tiếng hò sông Hậu) đã góp phần đưa tên tuổi nghệ sĩ Diệp Lang vào hàng các kép độc hay nhất của sân khấu cải lương.

Nếu như ở Hội đồng Thăng, nghệ sĩ tài tình khắc họa tính cách gian xảo, khắt khe lẫn sự bất lực của một người đàn ông thất bại trong mối quan hệ gia đình thông qua khả năng ca, diễn được kết hợp nhuần nhuyễn. Thì qua vai Hội đồng Dư, ông thể hiện rõ nét tính cách ác độc một cách thẳng thừng, không sợ dư luận bằng những câu thoại khiến khán giả rợn cả tóc gáy. Đặc biệt, để mỗi vai diễn trở nên sống động và chân thật, nghệ sĩ Diệp Lang thường đưa vào những chi tiết rất nhỏ do ông ngẫu hứng sáng tạo, tuy nhỏ nhưng khi đặt vào vở diễn lại trở nên độc đáo và đắt giá.

Dấu ấn huyền thoại trong lòng mọi người

Sau khoảng thời gian “tung hoành” trên sân khấu cải lương trong thập niên 1990, sang đến thập niên 2000 nghệ sĩ Diệp Lang bắt đầu ít xuất hiện do bệnh tật. Năm 2005, ông chính thức ngừng hát vì sức khoẻ yếu sau nhiều cuộc phẫu thuật sinh tử. Năm 2010, ông được các con đưa sang Mỹ định cư để tiện cho việc điều trị. Vào những năm cuối đời, sức khỏe của ông không tốt, lúc nhớ, lúc quên, thế nhưng nỗi nhớ nhà và nghề hát vẫn luôn thường trực trong lòng người nghệ sĩ già. Và nỗi niềm đau đáu ấy theo nghệ sĩ Diệp Lang đến tận khi ông qua đời vào ngày 11/3/2023 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tim, vôi hoá mạch máu và chứng Parkinson.

Ngày nghệ sĩ Diệp Lang mất, người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, luyến tiếc khi phải vĩnh biệt với “đệ nhất kép lão” của sân khấu Việt Nam. Đối với người hâm mộ cải lương, cứ một huyền thoại ngã xuống là lòng họ lại nhói lên những cơn đau. Cơn đau này không chỉ vì quy luật sinh ly tử biệt mà còn vì sân khấu cải lương lại mất đi một nghệ sĩ vĩ đại, một biểu tượng gắn liền với những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Diệp Lang với Giải thưởng Thanh Tâm dành cho diễn viên triển vọng năm 1963. (Ảnh: Tư liệu)

Dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ Diệp Lang với Giải thưởng Thanh Tâm dành cho diễn viên triển vọng năm 1963. (Ảnh: Tư liệu)

Trong suốt những năm làm nghề, nghệ sĩ Diệp Lang từng chỉ dạy, hướng dẫn cho nhiều đàn em, vậy nên khi hay tin ông mất, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự xót xa và buồn bã cho người thầy lớn trong nghề. Đối với NSND Bạch Tuyết, dù đã quen dần với việc chứng kiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp lần lượt ra đi nhưng khi nghe tin buồn của người bạn diễn thân thương cô vẫn cứ day dứt và đau lòng khó tả. Trong lòng cô, nghệ sĩ Diệp Lang không chỉ là người anh, người thầy lớn mà còn là một huyền thoại của sân khấu Việt Nam.

Còn với NSND Hồng Vân, cùng với sự tiếc nuối, cô gửi lời cảm ơn đến nghệ sĩ Diệp Lang vì đã đồng hành cùng sân khấu kịch Phú Nhuận từ những ngày đầu thành lập. Được biết, con trai của nghệ sĩ Diệp Lang - đạo diễn Diệp Tiến được ông gửi gắm cho nghệ sĩ Hồng Vân khi quyết định sang Mỹ định cư với mong muốn cậu con trai nối nghiệp sân khấu.

Là một người từng được nghệ sĩ Diệp Lang chỉ dạy, trên trang cá nhân, nghệ sĩ Hữu Quốc trải lòng: “Con lặng người khi đọc những tin nhắn lúc rạng sáng hôm nay về sự ra đi của chú. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là lẽ thường của nhân thế, nhưng sao con lại ngẩn người thương tiếc. Con cũng là lứa nghệ sĩ trẻ may mắn được diễn cùng chú trong những vở cải lương và bên sân khấu kịch của chị Hồng Vân, con được chú dạy khuyên chuyện nghề, chuyện đời nhiều lắm. Con mãi nhớ ơn chú, người nghệ sĩ lớn của nền sân khấu nước nhà, tấm gương sáng soi về cách làm nghề và đạo đức, khiêm tốn với đồng nghiệp và khán giả. Con xin cúi đầu tạm biệt cây đại thụ của sân khấu Việt”.

Ngoài sự yêu mến của công chúng và đồng nghiệp, hơn 50 năm hoạt động trên sân khấu và điện ảnh, thành quả nghệ thuật mà nghệ sĩ Diệp Lang đạt được còn là những giải thưởng cao quý như: Huy chương Vàng triển vọng Giải Thanh Tâm (1963), Bằng Danh dự Giải Thanh Tâm (1964), Nghệ sĩ Ưu tú (1993), Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu (2000), Giải Mai vàng (2001) và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (2003). Ngoài ra, ông còn được Nhà nước Việt Nam chọn tham gia đoàn nghệ sĩ biểu diễn giao lưu ở nước ngoài cụ thể: một số nước Tây Âu (1984), Campuchia (1986), Pháp (1997), Úc (1998)…

Có thể thấy, dù đã lìa xa cõi đời nhưng những vai diễn của NSND Diệp Lang vẫn còn sống mãi với thời gian, làm lay động trái tim không chỉ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mà còn của biết bao thế hệ khán giả. Và dù sân khấu có thay đổi, có bao nhiêu nghệ sĩ mới xuất hiện, nhưng những khoảnh khắc đầy cảm xúc ông để lại vẫn mãi là huyền thoại trong lịch sử phát triển của sân khấu cải lương Việt Nam.