Bí ẩn vụ chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của Israel bị bắn hạ sau 36 năm

(PLO) - Ngày 10/2 vừa qua, để trả thù việc 1 máy bay không người lái (UAV) của Iran xuất phát từ Syria xâm nhập vùng trời Israel và bị bắn hạ, quân đội Israel đã huy động 4 chiếc F-16I tấn công các mục tiêu ở gần sân bay Asta-T4 để phá hủy hệ thống điều khiển, vô hiệu hóa hoạt động của các UAV của Iran ở khu vực này.
Xác chiếc F-16I bị bắn rơi
Xác chiếc F-16I bị bắn rơi

Phía Israel có chút chủ quan bởi 14 năm qua kể từ khi nhận từ Mỹ, các máy bay F-16I vẫn là loại phi cơ chủ lực của họ, chưa hề bị đối phương bắn hạ qua các trận không chiến cũng như xâm nhập đánh đòn phủ đầu sâu trong đất đối phương. 

Bất ngờ thất bại vì chủ quan khinh địch?

Tuy nhiên lần này họ đã không gặp may: Báo chí nói “không quân Israel đã gặp trận Waterlo”, 1 chiếc F-16I bị thương rồi rơi xuống cao nguyên Golan, 2 phi công nhảy dù được nhưng một người trọng thương. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của Israel bị đối phương bắn rơi sau 36 năm và cũng là chiếc F-16I đầu tiên bị hạ trong chiến đấu.

Theo tiết lộ của Israel, phía Syria đã phóng ít nhất 8 quả tên lửa phòng không, trong khi 3 chiếc F-16I khác đều nhào xuống tránh được thì 1 chiếc đang điều khiển tên lửa dẫn đường đánh mục tiêu mặt đất nên đã bị bắn trúng, cố lết được về đất Israel. Trên đường tháo chạy, các F-16I của họ còn bị Syria phóng tiếp 3 quả tên lửa truy kích, trong đó 1 quả lại bắn trúng chiếc máy bay bị thương khiến nó bốc cháy trước khi rơi.

Tên lửa S-200 của Syria
Tên lửa S-200 của Syria

2 phi công kịp bấm nút phóng dù và phần còn lại của tên lửa cũng rơi xuống ngay gần xác chiếc máy bay bị hạ. Tuy các máy bay F-16I đều sử dụng mồi bẫy do Israel sản xuất, nhưng do các quả tên lửa S-200/SA-5 nổ ở khoảng cách gần nên vẫn gây nên sức phá hoại nghiêm trọng đối với chiếc máy bay.

Sức mạnh chiến đấu của không quân Israel hoàn hảo là điều được cả thế giới công nhận. Từ sau khi thành lập, nó chưa hề nếm trải thất bại, chiếc máy bay bị bắn rơi gần nhất là trong cuộc Chiến trang Li băng 1982, hồi đó các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel đã bắn rơi khoảng 80 máy bay của Syria.

Phía Syria nói các tiêm kích Mig-23MF của họ đã bắn rơi từ 3 đến 6 chiếc F-16 của Israel nhưng không có chứng cứ xác thực và không được Israel thừa nhận. Trong cuộc Chiến tranh Li băng lần 2 tháng 7/2006, Israel bị thiệt hại 1 chiếc F-16D, nhưng là rơi do sự cố sau khi cất cánh chứ không phải do hỏa lực đối phương bắn hạ. 

Trong vụ việc ngày 10/2/2018, không quân Israel cho rằng, những chiếc F-16I đã hoàn thành tốt nhiệm vụ không kích, 3 chiếc tránh được những quả tên lửa của Syria bắn tới, chỉ có 1 chiếc bị rơi do không sử dụng biện pháp phòng vệ; nguyên nhân do kíp bay khi bị tên lửa mặt đất bắn tới đã lựa chọn cách hoàn thành nhiệm vụ chứ không tập trung bảo vệ mình.

Bị bắn hạ bằng những tên lửa “cổ lỗ sĩ”

Căn cứ những hình ảnh được lan truyền trên mạng, tại khu vực giao chiến có nhiều mảnh vỡ tên lửa đất đối không rơi xuống. Có nguồn nói phía Syria đã phóng ít nhất 24 quả tên lửa phòng không S-125 (SA-3) và S-200V; chiếc F-16I bị bắn hạ thì không mang tên lửa đánh chặn, xác nó khá nguyên vẹn cho thấy không bị nổ tung trước khi rơi mà là bị mất điều khiển rồi đâm xuống. Điều này khá phù hợp với những tuyên bố của phía Israel.

Tên lửa S-125 (Sa-3)
Tên lửa S-125 (Sa-3)

Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora, người Mỹ gọi là SA-3 là loại tên lửa phòng không thế hệ 2 của Liên Xô cũ, cũng là loại tên lửa phòng không đầu tiên sử dụng thuốc phóng rắn, thời gian phản ứng nhanh hơn nhiều loại tên lửa sử dụng thuốc phóng dạng lỏng. S-125 được quân đội Liên Xô đưa vào biên chế lần đầu năm 1961, năm 1970 được khảo nghiệm trên chiến trường Ai cập, năm 1973 thể hiện rõ tác dụng trong cuộc Chiến tranh Trung Đông lần thứ 4; trong Chiến tranh Kosovo năm 1999 nó nổi tiếng khi bắn hạ được 1 chiếc F-117 của Mỹ.

Quân đội Syria được trang bị nhiều hệ thống S-125, rất có thể chúng đã được nâng cấp, hiện đại hóa nhờ sự giúp đỡ của Nga. Ngày 17/3/2015, bộ đội phòng không Syria đã sử dụng tên lửa S-125 bắn rơi 1 chiếc UAV kiểu MQ-1 Pretador của Mỹ.

S-200, Mỹ gọi là SA-5 là loai tên lửa phòng không tầm cao thời kỳ đầu điển hình, kích thước rất lớn, trọng lượng phóng lên tới 10 tấn, chỉ đầu chiến đấu nặng 218kg, thậm chí có thể mang đầu đạn hạt nhân. Để đảm bảo cho tầm bắn tới 318km, nó được thiết kế những chiếc cánh lớn, sải cánh tới 3,65m nên tính cơ động rất hạn chế.

So với S-125 thì lịch sử thành tích của S-200 ảm đạm hơn nhiều: ngày 4/10/2001, 1 tên lửa S-200 của Ukraina khi bắn tập đã không bám được mục tiêu, bắn nhầm vào chiếc máy bay chở khách TU-154 của Nga từ Tel Avip bay về Siberia gây nên tấn thảm kịch làm chết 74 người; năm 2008 trong cuộc chiến Nam Osetia 1 chiếc Su-22M của Nga bị tên lửa S-200 của Gruzia bắn rơi. Đó là 2 “chiến lệ” S-200 bắn rơi máy bay.

Qua đây cho thấy S-200 chỉ thích hợp để bắn những mục tiêu bay cao, tốc độ thấp, đem dùng đánh những mục tiêu cơ động kém thì có phần miễn cưỡng…Nhưng do nó mang đầu nổ lớn và :không áp dụng phòng vệ” nên cũng không loại trừ S-200 là “hung thủ” vít cổ chiếc F-16I.

F-16I của Israel chuẩn bị xuất kích
F-16I của Israel chuẩn bị xuất kích

Không quân Nga thì cho rằng, lần oanh kích này của Iseael chuẩn bị không đầy đủ, vội vã tiến hành trong tình hình không có chế áp điện tử. Quân chính phủ Syria được quân đội Nga đóng ở nước này giúp sức đã nắm chắc tình hình trên không, lại thêm phi công Israen chủ quan và mắc sai lầm về chiến thuật nên đã bất ngờ giành được thắng lợi, chôn vùi danh tiếng “bất khả chiến bại” trong mấy chục năm qua của không quân nước này.

F-16I – niềm kiêu hãnh của không quân Israel

F-16I “Soufa” (Bão táp) là loại chiến đấu cơ đa năng được thiết kế riêng cho Israel, cải tiến khắc phục tất cả các khiếm khuyết của những phiên bản F-16 đời đầu, được nâng cao toàn diện về cả tầm hoạt động lẫn tính năng tác chiến; cho đến nay vẫn là loại tiên tiến nhất trong tất cả các phiên bản F-16, thậm chí vượt cả loại F-16D mà Mỹ đang sử dụng, Nó được hãng Lockheed Martin nghiên cứu chế tạo riêng theo đặt hàng của Israel.

So với F-16, nó được gắn thêm thùng dầu phụ để tăng tầm bay, cải tiến động cơ, tăng trọng lượng cất cánh và hệ thống điện cùng thiết kế khoang hoàn toàn mới. Chiếc F-16I đầu tiên được giao cho Israel vào tháng 11/2003, chiếc cuối cùng được giao ngày 25/1/2009, tổng cộng Israel có 362 chiếc F-16I, giá thành đơn lẻ mỗi chiếc là 84 triệu USD, sau do đặt hàng số lượng lớn nên giá mỗi chiếc giảm xuống còn 43 triệu USD.

Máy bay F-16I
Máy bay F-16I

Để tấn công mặt đất, ban đầu, F-16I được trang bị hệ thống vũ khí của Mỹ, nhưng từ năm 2005, nó bắt đầu được trang bị hệ thống vũ khí riêng của chính Israel gồm hệ thống dẫn đường quang điện tự chủ Spice dùng để biến các vũ khí thông thường thành vũ khí thông minh. Dần dần, F-16I được lắp các tên lửa Have Lite, phiên bản cải tiến của loại Have Nap.

Trong không chiến cự ly gần, lúc đầu F-16 được lắp các tên lửa không – không Python IV của hãng Rafael, gần giống loại AIM-9 của Mỹ, nhưng từ 2005 nó được lắp loại Python V hiện đại có tầm bắn xa hơn, khả năng chống nhiễu và khóa mục tiêu vượt trội.

Trong không chiến tầm xa, F-16I ngoài tên lửa AIM-120 của Mỹ, còn được trang bị tên lửa không – không tầm trung “Derby” của hãng Rafael có thể diệt mục tiêu ở cả cự ly gần lẫn xa nhờ hệ thống radar cực nhạy cùng hệ thống nhận biết địch-ta có hiệu lực từ khoảng cách xa. Về khả năng phòng vệ, F-16 được trang bị hệ thống phòng vệ tiên tiến ASPS cả chủ động lẫn thụ động có thể thu nhận nhiều loại tín hiệu, tự động xác định những mục tiêu là mối đe dọa đối với máy bay.

Thời kỳ đầu được đưa ra chiến trường, các máy bay F-16I đều hoàn thành khá tốt nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất. Từ 2012 đến 2017, các máy bay F-16I đã nhiều lần vượt qua biên giới vào đánh các mục tiêu ở trong lãnh thổ Syria ngay trước mũi hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga mà không hề hấn gì. Chính vì vậy, việc F-16I bị bắn hạ bằng những loại tên lửa phòng không “cổ lỗ sĩ” của Syria là quả đắng mà người Israel không ngờ tới và cũng rất khó chấp nhận.

Đọc thêm