Bị can, bị cáo sẽ được nghiên cứu hồ sơ của chính mình

(PLO) - Bị can, bị cáo sẽ được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án. Đây là một quy định rất tiến bộ thể hiện tinh thần nhân đạo, quyết tâm chống oan sai của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Tố tụng hình sự. Trong phiên thảo luận góp ý xây dựng cho Dự thảo, các ĐBQH đã thể hiện sự đồng tình cao độ.
Bị can, bị cáo sẽ được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (hình chỉ mang tính minh họa)
Bị can, bị cáo sẽ được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án (hình chỉ mang tính minh họa)
Theo Điều 42, Điều 43 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) có quy định Quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án quy định bị can, bị cáo đọc có quyền ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, quyền tự bảo vệ đó thực chất là một phần quan trọng của quyền bào chữa, đây là một phương thức tự bảo vệ đơn sơ nhất, nhưng khả thi nhất cho người dân khi đối diện với điều tra viên được đào tạo bài bản về thủ pháp điều tra, dày dạn nghiệp vụ thẩm vấn. Thực hiện quyền này còn giúp giảm tối đa oan sai. 
“Tôi đồng tình cho những người tự bào chữa được đọc hồ sơ. Nhưng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo là cho đọc toàn bộ hồ sơ vì đối với người bào chữa là cần phải tiếp cận chứng cứ gỡ tội là điều quan trọng. Trong dự thảo mới nói là chỉ được đọc phần chứng cứ liên quan đến buộc tội, nếu như vậy thì lấy gì để bào chữa, lấy gì để tranh tụng. Vì vậy, tôi đề nghị cho người tự bào chữa được tiếp cận toàn bộ hồ sơ trong đó có cả chứng cứ gỡ tội và buộc tội.” bà góp ý.
ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng đồng tình với quy định này,  khi không có người bào chữa hoặc tự mình bào chữa thì bị can phải được quyền đọc, ghi chép và sao, chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra, để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ.
Hơn nữa, để bào chữa cho mình, ngoài những thông tin liên quan trực tiếp đến mình, bị can có thể phải tìm hiểu những thông tin do những người tham gia tố tụng khác cung cấp. “Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về cơ chế và những thủ tục chặt chẽ để bị can, bị cáo thực hiện quyền này hiệu quả và đảm bảo an toàn hồ sơ vụ án, không tạo ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng”, ĐB góp ý.
Nhận định đây là một quyền rất mới, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị nếu thực hiện quyền này, có 3 điều kiện đi kèm:. Một là bị can, bị cáo không có người bào chữa. Hai là chỉ thực hiện sau khi đã kết thúc điều tra. Ba là chỉ ghi chép và đọc những tài liệu cần thiết liên quan đến việc buộc tội chính bị can, bị cáo. Không phải là sao chép toàn bộ hồ sơ vụ án hoặc sao chép cả những tài liệu không liên quan đến mình, liên quan đến người khác. 
Cuối cùng để bảo vệ sự an toàn tài liệu, hồ sơ thì tài liệu đó phải được photo đã số hóa và quản lý theo một trình tự nhất định để tránh quá trình đọc, nghiên cứu hoặc tiêu hủy. Tránh việc kéo dài, lợi dụng chế định này, để kéo dài thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu của bị can, bị cáo có khi tới vài ba tháng không hết những tài liệu liên quan đến họ, thậm chí có những bị can, bị cáo không biết chữ nữa thì cũng cần phải có quy định ngặt nghèo về vấn đề này", ông nói
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) bày tỏ:  Một trong những lo ngại của nhiều đại biểu là an toàn của hồ sơ khi áp dụng chế định này, nhất là đối với những trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam. “Tố tụng hình sự nước ta thuộc mô hình thẩm vấn, do vậy hồ sơ vụ án có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình chứng minh tội phạm, đòi hỏi hồ sơ phải được bảo quản hết sức nghiêm ngặt, quá trình soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự Ban soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa và có những giải pháp để khắc phục những lo ngại này của đại biểu?”, bà nói.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy đề nghị cần đảm bảo sự liên thông giữa Luật Tố tụng hình sự và Luật  tạm giam, tạm giữa. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định quyền được đọc hồ sơ, Luật tạm giữ, tạm giam phải quy định cụ thể thời gian, địa điểm đọc và trách nhiệm của các cơ quan giam giữ trong việc bảo đảm quyền này của bị can. 
Cho rằng việc bổ sung cho bị can, bị cáo quyền này cơ quan tố tụng sẽ mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn, nhưng ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) khẳng định đây là quyền chính đáng của người bị buộc tội đã được Hiến pháp ghi nhận nên không thể lấy lý do vất vả, tốn kém để không bảo đảm. Theo ông, các điều kiện đọc hồ sơ vụ án như dự thảo quy định là rất phù hợp, vừa bảo đảm quyền bào chữa vừa không cản trở cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, cụ thể dự thảo quy định điều kiện đọc khi bị can, bị cáo không có luật sư và có yêu cầu đọc tài liệu, thời điểm đọc sau khi kết thúc điều tra vụ án, phạm vi đọc là những tài liệu liên quan đến việc buộc tội của họ. 
Trên tinh thần ủng hộ cao độ, ĐB Dân Khiết (An Giang) đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét thêm cho trường hợp bị can, bị cáo không biết chữ hoặc đọc được, viết không được hoặc bị can, bị cáo phải nhờ phiên dịch thì nên có chế định để được người khác giúp, có thể đó là cán bộ quản giáo hoặc người bị giam cùng phòng. Với sự đồng ý của cơ quan điều tra và giám thị ở trại giam và để việc cất giữ đảm bảo an toàn cần có một quy định trật tự theo nội quy của trại tạm giam.

Đọc thêm