“Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội”

(PLO) - Góp ý cho Dự thảo Luật Hình sự, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) ngại ngần với những đổi mới ở mức “vượt mức”. Theo quan đểm của ông, chúng ta nhân đạo quá đối với tội phạm như vậy là vô nhận đạo với xã hội. 
“Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội”
Nắm bắt được tinh thần của Dự thảo lần này là giảm án tử hình và giảm khung hình phạt, tăng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phi hình sự hóa một số loại tội phạm và hình sự hóa một số quan hệ xã hội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đồng tình với sự đổi mới, nhưng ông cho rằng không nên đổi mới quá mức như vậy: “Bởi vì tội phạm hình phạt gây cho chúng ta biết bao nhiêu đau thương, tang tóc, nếu chúng ta quá nhân đạo với họ thì cũng có nghĩa là chúng ta lại vô nhân đạo với xã hội, cho nên cần phải cân nhắc hết sức kỹ để sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này.” 
Đi vào những vấn đề cụ thể, ĐB đưa quan điểm: Chúng ta nói đến vấn đề giảm hình phạt tử hình, tôi đồng tình. Tuy nhiên cần có sự cân nhắc. Ví dụ, chúng ta đề nghị bỏ án tử hình với người trên 70 tuổi, cơ sở nào là trên 70 tuổi không phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? 
Ví dụ, ông trên 70 tuổi phạm tội tổ chức buôn bán ma túy, cầm đầu một băng đảng khét tiếng gây cho xã hội biết bao đau thương, tang tóc. Vậy chúng ta có tử hình họ không hay tha? 
Nếu tha họ, chúng ta vô nhân đạo với xã hội, cơ sở nào chúng ta đề xuất vấn đề này, chúng tôi cho rằng chưa rõ. Cần phải cân nhắc hết sức kỹ, bởi vì tuổi bây giờ rất khác. 60 tuổi ngày xưa rất già, nhưng bây giờ người ta nói "60 mới tuổi dậy thì, 70 chập chững bước đi vào đời". “
Liên quan đến những đổi mới của phần tội danh, ĐB nêu ý kiến: “Bây giờ chúng ta tự do kinh doanh thì còn tội kinh doanh trái phép nữa không? Tôi đề nghị phải phi hình sự hóa loại tội này.” 
Bên cạnh quan điểm phi hình sự hoá một số hành vi phạm tội. ĐB cũng đồng quan điểm với một số vị ĐB phát biểu trước đố kiến nghị cần phải thảo luận kỹ bởi có rất nhiều vấn đề cần phải bàn thật sâu, thật kỹ mới giải quyết được. Phải có hội nghị đại biểu chuyên trách để nghiên cứu, phân tích từng điều một, để giải quyết hết những  điều mâu thuẫn, rất khó giải quyết còn đang tồn tại trong Dự thảo Bộ luật hình sự lần này.
“Tôi đọc các tội về công nghệ thông tin, tội liên quan đến chứng khoán, kinh tế, hoặc một số loại tội khác chúng ta hình sự hóa và có 41 loại tội phạm, tôi thấy nếu chúng ta đưa ra đó là tội phạm thì chưa đủ sức thuyết phục.
Như ĐB Đỗ Văn Đương có nêu ra tội lãng phí quá nhiều, chúng ta có thể hình sự hóa được không? Như thế nào gọi là lãng phí và chúng ta có thể quy định tội phạm hình phạt trong đây được không? Hoặc bây giờ chúng ta thấy phá rừng rất nghiêm trọng, những khung hình phạt trong tội về rừng, bảo vệ thú rừng đã đảm bảo đủ sức răn đe chưa? Nếu chưa đủ sức răn đe thì chúng ta phải cụ thể hóa trong Bộ luật hình sự này, nếu chúng ta không làm được việc này, khi thông qua Bộ luật hình sự này vẫn như cũ mà thôi.” ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói. 

Đọc thêm