Bi hài bố mẹ “nhào nặn” thần đồng!

(PLVN) - Thực tế cho thấy, không ít em từ nhỏ được phong là “thần đồng” khi lớn lên cũng không khá hơn những người cùng độ tuổi. Chính “danh hiệu” đó đã khiến nhiều em do phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp.
Ảnh chụp Sufiah Yusof lúc 13 tuổi khi còn học tại Trường Oxford và lúc trở thành gái bán hoa vào năm 23 tuổi (Ảnh: Daily Mail)

Từ “xin giống” lẫn mổ đẻ “nặn” thần đồng!

Với mong muốn con của mình sau này sẽ là một người có trí thông minh ưu việt, là một thần đồng tương lai, ngay từ khi còn trẻ, chị Lam Khanh 25 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) đã “hạ quyết tâm” sẽ đi tìm người đàn ông có “giống tốt”.

Đó là người đàn ông tài giỏi, thông minh. Lợi thế xinh đẹp lại khéo léo, chị Lam Khanh dễ dàng “đánh gục” một Tiến sĩ khoa học làm trong một Viện nghiên cứu. Mặc dù, vị Tiến sĩ này đã có vợ con nhưng chị không nản và thẳng thắn đề đạt “xin con” và không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Ngày có thai, chị Khanh rất mãn nguyện và lên kế hoạch “bồi bổ kiến thức” cho thai nhi.

Nghe mọi người nói, thai nhi nếu được nghe nhạc hàn lâm, nghe đọc truyện hàng ngày sẽ… “thông minh từ trong trứng” chị liền học theo. Gia đình bố mẹ có điều kiện kinh tế nên chị Khanh xin nghỉ làm trong suốt thai kỳ.  Ngày cũng như đêm, chị bật nhạc hàn lâm 24/24 giờ. Không thích ăn cá nhưng chị Khanh vẫn cố nuốt để hy vọng con thông minh.

Chị ăn nhiều tới nỗi lần nôn ra mật xanh mật vàng. Không những thế, khi nghe nói trứng ngỗng tốt cho não bộ thai nhi, 1 tuần chị cố ăn 2 quả, ngoài ra còn thường xuyên ăn cháo cá chép, uống nước dừa, ăn yến sào, uống sữa thay nước.

Chưa yên tâm, chị còn nhờ thầy bói bấm ngày giờ đẻ để đúng ngày “thần đồng”. Dù thai chỉ 8 tháng, nhưng thầy bói bảo mổ ngay thì mới đúng ngày “thần đồng”, chị Khanh nghe theo, hẹn ngày giờ để bác sĩ mổ mặc cho bác sĩ hết lời khuyên can vì thai vẫn đang non.

Chẳng biết sau này, con trai chị Khanh có trở thành “thần đồng” hay không. Chỉ biết rằng, cu cậu sinh non, thiếu tháng nên 1 tuổi tháng đã phải nằm viện vì viêm phổi, vàng da. Đến năm 2 tuổi mà bé chưa biết đi, khả năng nghe kém.

Theo bác sỹ Trần Thu Hà, Bệnh viện Bạch Mai: “Khi còn trong bụng mẹ, thai ngủ nhiều. Nếu bật nhạc cho bé nghe quá nhiều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bé. Ngoài ra, nước ối có khả năng khuếch đại rất tốt những âm thanh trầm và tiếng nói của người mẹ. Tiếng nhạc quá to trong một thời gian dài có thể khiến thính giác non nớt của bé bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, khi mang thai, việc người mẹ tẩm bổ quá mức sẽ khiến thai quá to, làm tăng nguy cơ tiểu đường.  Không những thế, những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ còn dễ bị hạ đường huyết, suy hô hấp, tử vong lúc sinh và tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch khi trưởng thành.

Hiện nay, ở thành phố, một số gia đình tạo “trào lưu” biến con thành thần đồng. Ngoài việc “xin giống”, “bổ sung dinh dưỡng IQ thai nhi”, một số bố, mẹ đã lên kế hoạch “nhồi nhét” kiến thức cho con ngay từ khi con tập tọe học nói. Anh Nguyễn Hoàng đã lên lịch “tăng cường IQ” cho con chi tiết từng tuổi.

Theo đó, con 2 tuổi, anh Hoàng dạy song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh cho con. 3 tuổi con biết đọc biết viết. 4 tuổi con học xong chương trình lớp 1. 7 tuổi học xong chương trình Tiểu học đi kèm với nói thông thạo tiếng Anh. 9 tuổi học xong chương trình cấp 2… Anh sẽ là người trực tiếp dạy con mà không học theo trường lớp.

Con học xong cấp 2, anh đưa ra nước ngoài tìm trường đào tạo thiên tài.  Lên lịch “nhào nặn” thần đồng là vậy nhưng anh Hoàng lo lắng không biết mình có “cán đích” hay không. Bởi con gái anh năm nay 3 tuổi, dù biết đọc, biết viết nhưng cứ tới đêm là con gái anh lại khóc, la hét và có khi chỉ chợp mắt 1 -2 tiếng trong một đêm. Anh Hoàng lo lắng sức khỏe tâm thần của con như vậy sẽ “níu” ước mơ có con là thần đồng của mình.

Thần đồng 14 tuổi Đàm Giao quyết định tìm đến cái chết khi không chịu nổi áp lực học tập  (Ảnh: Thanh Niên Trung Quốc) 

Theo Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn, làm cha mẹ, ai cũng mong con mình giỏi giang, vượt trội, xuất chúng. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có tố chất là thiên tài. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn “nhào nặn” con thành người đặc biệt trong tương lai đang ngày càng tăng.

Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như biết nói, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức “bồi dưỡng” kiến thức cho con. Từ chỗ nhanh nhẹn, linh hoạt sau một thời gian bị “nhồi” những đứa trẻ này đã trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số… là tỏ ra sợ sệt, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt hay bị mất ngủ… Đây là điều vô cùng nghiêm trọng, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này…

Những bị kịch của các “thần đồng”

Thực tế cho thấy, không ít em từ nhỏ được phong là “thần đồng” khi lớn lên cũng không khá hơn những người cùng độ tuổi. Chính “danh hiệu” đó đã khiến nhiều em do phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ Phó Đức Bình An (sinh năm 1999), từng được xưng tụng là “thần đồng toán học”. Khi An mới 4 tuổi nhưng có trí nhớ đặc biệt, khả năng giải toán cực giỏi, biết đọc trước khi đi học… Với biệt tài ấy, Phó Đức Bình An được gọi là “thần đồng toán học”, được đài truyền hình mời “trình diễn” trong chương trình tôn vinh những kỷ lục Việt Nam. Ít ai ngờ rằng danh hiệu “thần đồng” đã làm khổ em từ đó đến những năm sau này.

Giỏi toán bao nhiêu thì Bình An lại nhút nhát bấy nhiêu. An thường thu mình lại, nhiều khi bị bạn bè bắt nạt, thậm chí bị đánh cũng không phản ứng. Bố mẹ Bình An giờ đây không muốn ai gọi con mình là “thần đồng” mà chỉ mong con như các bạn bè bình thường, đừng thu mình và nhút nhát là họ thấy hạnh phúc.

Trên thế giới, có không ít bi kịch rơi vào những đứa trẻ từng được con là “thần đồng”. Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983, sống tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) được mẹ dạy dỗ từ nhỏ, cậu nhanh chóng trở thành “thần đồng”. Vĩnh Khang sở hữu hàng loạt thành tích đáng nể: thành thạo 1.000 ký tự tiếng Trung khi mới 2 tuổi, học xong cấp hai khi mới lên 4.

Năm 8 tuổi, cậu đỗ vào trường cấp ba danh tiếng của tỉnh. Năm 13 tuổi, Vĩnh Khang được nhận vào Khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với điểm số rất cao. Sau đó, cậu lại thi vào Trung tâm Nghiên cứu Vật lý cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ở nhà Ngụy Vĩnh Khang, trên các bức tường đều ghi chi chít các công thức toán học, tiếng Anh... để cậu có thể dễ dàng ghi nhớ và học hỏi mọi lúc.

Chính nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt này mà cậu liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn, trở thành hình mẫu mà hàng triệu phụ huynh muốn noi theo. Muốn cho tập trung học tập 24/24, mẹ Vĩnh Khang không cho phép con trai mình có thời gian chơi với bạn và không cho con trai mình động tay vào việc gì trong nhà. Thậm chí dù cao lớn nhưng mẹ Khang vẫn đút cơm, bê nước rửa mặt, kem đánh răng vào tận giường có bàn học để con vệ sinh cá nhân.

Vì đã quá quen ỷ lại các công việc mẹ “hầu tận răng” nên khi vào đại học, Vĩnh Khang cực kỳ vất vả với cuộc sống một mình tự lập và Khang không thể tiếp tục học nâng cao. Đi xin việc khắp nơi cũng không ai nhận. Khang tủi hổ khi thấy danh “thần đồng” của đáng một xu.

Cũng may, có công ty thương cho hoàn cảnh của Khang nên nhận vào làm việc như một nhân viên bình thường khác với mức lương hạn hẹp. Bà mẹ của Vĩnh Khang cực kỳ hối hận với sự giáo dục lệch lạc của mình.

Năm 2008, nước Anh từng bị sốc khi báo Daily Mail đưa tin “thần đồng toán học của Đại học Oxford năm xưa” - Sufiah Yusof tuyên bố: “Tôi yêu nghề gái gọi” và sống bằng nghề gái bán hoa với giá 130 bảng mỗi giờ. Khi còn là một đứa trẻ, dưới áp lực của cha, Sufiah đã phải học tập căng thẳng suốt cả ngày, thậm chí cô còn bị ép phải thực hành các bài tập thở trong phòng lạnh để giúp đầu óc tập trung.

“Tôi đã nếm quá đủ 15 năm bị hành hạ về thể xác và tình cảm rồi - Sufiah bức xúc.Từ lúc 11 tuổi, lúc nào tôi cũng học, học, học. Tôi không hề có bạn bè”. Sufiah cho biết cô bỏ trốn khỏi nhà vì đó là một “địa ngục trần gian”, và bản thân “không hề hối tiếc” khi làm gái bán hoa ở tuổi 23!

Thần đồng người Malaysia gốc Hoa Trương Thế Minh trúng tuyển khoa kỹ thuật của Đại học Massachusetts (Mỹ) khi mới 12 tuổi, đã mắc chứng trầm cảm và nhiều lần tự tử do áp lực quá lớn sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học New York Cornell (Mỹ) năm 1997. Trương Thế Minh đã qua đời vào năm 2002, sau năm năm sống với căn bệnh tâm thần.

Cô bé Đàm Giao (Trung Quốc) do không chịu nổi áp lực của một thần đồng khi theo học tại một trường trung học phổ thông bậc nhất ở Trung Quốc lúc tuổi 14, nên đã lao mình xuống một hồ sâu 3m trong trường để tự tử vào năm 2008. Báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết trong bức thư tuyệt mệnh để lại trước khi chết, Đàm Giao đã viết: “Lúc nào con cũng cảm thấy áp lực rất lớn”, “Con rất mệt mỏi và muốn an nghỉ”!

Tiến sĩ Peter Congdon, giáo sư Đại học Queen Mary (London, Anh), nhận định: “Ép trẻ trở thành “thần đồng” là hủy diệt tuổi thơ của các em, đồng thời tạo ra một cá thể thiếu quân bình và lạc lõng. Sự thiếu quân bình không chỉ tạo áp lực tâm lý nặng nề, mà nghiêm trọng hơn còn gây nên những tác động tiêu cực trong suy nghĩ và hành động của trẻ.  

Đọc thêm