Theo giải thích của Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Sở Giao thông Vận tải, việc lắp đặt đồng loạt các barie trên vỉa hè của một số tuyến đường nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều xe máy cố tình lao lên vỉa hè để đi (khi đường tắc, nghẽn), gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Nếu nhìn vào ý định của người đề ra và thực hiện chính sách thì rõ ràng đó là việc làm hướng tới một mục đích tốt. Nhưng có lẽ, họ cũng đã không tính hết đến các yếu tố khác.
Có lẽ là điều mà cơ quan triển khai ý tưởng đã không dự tính được khi chuẩn bị thực thi mà không chú ý đến những dự báo, phản biện. Người ta mới chỉ nghĩ đến cái thuận lợi nhất thời cho cơ quan quản lý mà chưa tính đầy đủ đến tác động của giải pháp đến việc đi lại bình thường của người dân.
Có thể nói, tình trạng khá đông xe gắn máy lao lên vỉa hè, có nguy cơ (và thực tế đã xảy ra) gây thương tích cho người đi bộ là khá phổ biến không chỉ ở TP HCM mà cả nhiều thành phố lớn khác, nhất là Hà Nội, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tắc, nghẽn giao thông. Nhưng việc áp dụng giải pháp trên, như thực tế đã triển khai cho thấy, đây là giải pháp rất không phù hợp và có thể coi như một hậu quả của sự thất bại về quy hoạch giao thông đô thị.
Nói thêm về Hà Nội, thành phố đã từng thí điểm rất nhiều phương thức. Để tránh ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, từ năm 2011, Hà Nội chi gần 24 tỷ để thí điểm phân làn trên nhiều tuyến phố. Sau đó là thất bại, hàng chục tỷ đồng thành mây khói.
Sở Giao thông Hà Nội đang thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng ở làn xe buýt nhanh, nhằm chống tình trạng các phương tiện khác cố tình lấn làn. Dải phân cách sẽ cao khoảng 60 cm, là loại hàng rào nhẹ, di động, dự kiến được đặt từ bến chờ đến các điểm giao cắt. Việc thí điểm dải phân cách cứng mới thực hiện ở 4 khu vực nhà chờ: Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy và Giảng Võ.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc lắp dải phân cách cứng không phù hợp ở thời điểm hiện nay. Hà Nội cần tính toán hợp lý hơn để hạn chế lãng phí. Hạ tầng, áp lực giao thông quá lớn có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc khi phân làn cưỡng bức.
Chính sách muốn đi vào cuộc sống phải “thí điểm”, nhưng một số thứ chưa “thí điểm” đã biết ngay thất bại. Có lẽ trước khi “thí điểm” chính sách, phải “thí điểm” người ban hành chính sách?