Bi hài phiên xử bốn kẻ chặt đuôi “ông Tượng”

Hai chủ voi là ông Long và ông Y Per đều không đồng tình với cách tính thiệt hại của Hội đồng định giá tài sản của TAND huyện Lăk về trị giá đoạn lông đuôi bị chặt và cả những thiệt hại tổng thể của con voi khi bị chặt đuôi.

Sáng 12/1/2011, TAND huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk) xét xử sơ thẩm vụ “Trộm cắp tài sản” hy hữu là trộm lông đuôi voi đối với các bị cáo Phạm Văn Huy, Đàm Văn Nội, Lê Viết Dũng và Y Bia Hwing. Tuy vậy, sau đó Hội đồng xét xử đã phải hoãn phiên tòa để giám định lại tài sản, vì từ trước đến nay chưa có tiền lệ về việc định giá lông đuôi voi.

“Lông đuôi voi tặc”

Cáo trạng của VKSND huyện Lăk thể hiện: Biết được lông đuôi voi có thể đem bán làm đồ trang sức mỹ nghệ với giá cao nên ngày 1/3/2010, Phạm Văn Huy (31 tuổi, ở ấp 5, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và Đàm Văn Nội (24 tuổi ở thôn 7, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) rủ nhau xuống thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk để nhổ trộm lông đuôi voi. 

jyhtr
Đuôi voi trụi sạch lông.

Để có công cụ, phương tiện phạm tội, Huy và Nội mua một con dao chặt xương, một chiếc đèn pin thủ sẵn trong người. Khoảng 21h cùng ngày, cả hai đến khu vực đồi thông nơi gia đình ông Đặng Vân Long (ở thôn 1, thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk) xích con voi H’Túk để chặt trộm đuôi voi. Huy cầm đèn pin soi, Nội dùng dao chặt đứt đuôi voi. Bọn chúng mang đoạn đuôi voi trộm được về TP.Buôn Ma Thuột, bán được 20 triệu đồng, chia nhau tiêu xài hết.

Thấy “ngon ăn”, ngày 8/7/2010, Huy rủ Y Bia H’Wing (20 tuổi, ở buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) và Lê Viết Dũng (34 tuổi, ở ấp 8, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng xuống huyện Lăk chặt trộm đuôi voi bán lấy tiền. Xẩm tối, cả ba gã lần vào rừng, nơi con voi của ông Y Per Êung (nhà ở buôn Lê) cột ở một gốc cây to.

Trong nhóm có Y Bia vốn quen nghề thuần dưỡng voi (gia đình Bia từng có hai con voi) nên Y Bia trèo lên đầu voi khống chế. Voi sợ, đứng yên cho Huy nhổ lông đuôi. Trong lúc đó, Dũng đứng ngoài cảnh giới. Cả bọn trộm được 200 chiếc lông đuôi voi, đem về Buôn Ma Thuột bán lấy 6 triệu đồng cho một tiệm vàng.

Giá bao nhiêu là chuẩn?

Tại phiên tòa ngày 12/1, các bị cáo chưa thực sự thành khẩn, nội dung cuộc thẩm vấn chưa làm sáng tỏ ai là kẻ chủ mưu. Hai chủ voi là ông Long và ông Y Per đều không đồng tình với cách tính thiệt hại của Hội đồng định giá tài sản của TAND huyện Lăk về trị giá đoạn lông đuôi bị chặt và cả những thiệt hại tổng thể của con voi khi bị chặt đuôi.

Cụ thể, theo biên bản, chiếc đuôi voi Huy và Nội chặt của ông Long có khoảng 350 sợi lông, mỗi sợi dài 7-20cm, được định giá 35 triệu đồng. Còn 200 sợi lông voi mà Huy, Y Bia và Dũng đã nhổ của voi ông Y Per trị giá 7 triệu đồng.

Ông Long cho rằng, chiếc đuôi voi của ông có khoảng 630 sợi, trị giá hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Long còn kể đến tiền thuốc men, công chăm sóc, tuổi thọ của voi suy giảm vì đau đớn, mất máu nghiêm trọng sau khi bị chặt đuôi, vẫn chưa được tính đến. Chưa kể đến đoạn chót đuôi voi với chùm lông dài óng mượt tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh cho “Ông Tượng”. Ông Long cho rằng, mất chót đuôi, giá trị của voi giảm hẳn, trước kia được định giá 300 triệu đồng, giờ giá trị chỉ còn phân nửa.

Do đây là trộm hy hữu, chưa từng có tiền lệ, lại xuất hiện các tình tiết mới trong khâu định giá tài sản, người bị hại không chấp nhận cách tính mức độ thiệt hại của Hội đồng định giá nên TAND huyện Lăk đã hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Phòng vệ bằng cách cắt trụi lủi lông đuôi voi?

Vụ trộm này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn “lông đuôi voi tặc” đang có nguy cơ đe dọa hoành hành với đàn voi ở Tây Nguyên. Theo những chủ voi cho biết, hiện chưa có cách nào bảo vệ hữu hiệu voi, nên hiện đàn voi huyện Lăk chỉ còn 23 con, ngoài ba con đã bị trộm chặt đuôi trong vụ án này, thì 20 con voi còn lại đều bị các chủ voi cắt trụi lủi chùm lông đuôi, chấp nhận thà xấu xí còn hơn bị trộm chặt đuôi!

Dư luận mong một bản án nghiêm minh đối với những kẻ trộm, bởi vì đối với người Tây Nguyên, voi không chỉ có giá trị vật chất, mà còn mang ý nghĩa về mặt tâm linh. Hơn nữa, dù lông đuôi voi nói riêng, con voi nói chung rất có giá trị nhưng do tập quán của voi là phải cột trong rừng, không thể làm chuồng trại kiên cố bảo vệ nên rất dễ bị trộm cắp làm hại.

Trần Nguyên

Đọc thêm