Bi kịch con cái ỷ lại tài sản của cha mẹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tâm lý ỷ lại cộng thêm một số quan niệm sai lầm đã khiến một số người con “mặc định” về quyền sở hữu của mình đối với tài sản của cha mẹ. Nhiều bi kịch cũng từ đó mà sinh ra.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những bi kịch rúng động

Vụ án ba cô con gái về nhà mẹ đẻ đổ xăng châm lửa đốt khiến người mẹ nguy kịch mới đây đã gây rúng động xã hội. Nguyên nhân sự việc lại xuất phát từ việc tranh chấp thừa kế tài sản gia đình. Từ nhiều năm nay, các cô con gái đã yêu cầu mẹ chia tài sản là đất đai cho các con, trong đó có phần của người cha đã mất để lại. Người mẹ già bày tỏ quan điểm sẽ để lại phần đất ngoài mặt đường cho con trai, lô đất bên trong chia cho con gái. Tuy nhiên, các cô con gái phản ứng quyết liệt, muốn được nhận phần đất phía ngoài. Nhiều lần không thỏa thuận được, mâu thuẫn đẩy lên cao và sự việc đau lòng trên xảy ra. Xác định có dấu hiệu của tội giết người, mới đây, cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra.

Không đến mức gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng cha mẹ, nhưng cũng nhiều vụ việc con cái lập mưu đẩy cha mẹ ra đường, tranh chấp, khởi kiện, phũ bỏ công ơn nuôi dưỡng chỉ vì tranh chấp tài sản với chính đấng sinh thành của mình.

Như một sự việc xảy ra không lâu tại Bến Tre, một cụ bà bị các con hắt hủi, đồng lòng kiện mẹ ra toà đòi chia tài sản vì cho rằng mẹ đang “biển thủ” tài sản người cha để lại. Một vụ việc khác cũng từng khiến cộng đồng xót xa: người con gái lấy chồng làm ăn thua lỗ về ở nhờ nhà mẹ đẻ ở TP HCM, sau đó lợi dụng mẹ mù chữ, lừa gạt kí vào hợp đồng tặng cho nhà. Sau khi sang tên căn nhà, trong một lần gây gổ, con gái đuổi mẹ già, khiến bà sống lang thang, vất vưởng ngoài đường.

Đã có nhiều vụ việc tương tự như thế xảy ra trong xã hội. Có những vụ việc ở mức độ tranh chấp nhẹ trong nội bộ gia đình, nhưng có những vụ việc biến thành bi kịch với sự đấu tố lẫn nhau. Trong những “trận chiến” ấy, tình nghĩa người nhà, chữ hiếu, lương tâm có lẽ đều bị những người con vứt bỏ, chỉ còn lại lợi ích vật chất mà họ mong muốn nhận được.

“Việc trong nhà” cũng cần tuân thủ luật

Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; nghĩa vụ tham gia sản xuất, tạo thu nhập, đóng góp nhằm đảm bảo đời sống chung của gia đình theo khả năng của mình; nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật… Một khi không làm đúng bổn phận, nghĩa vụ của người con, thậm chỉ còn tổn hại đến tinh thần, sức khoẻ, tính mạng của bố mẹ thì càng đáng bị lên án trước toà án lương tâm, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có thể thấy nhiều bi kịch phần nào xuất phát từ sai lầm trong cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ. Có những phụ huynh, vì yêu chiều con, vì quan niệm cá nhân là “cố gắng làm cho đời con hưởng” hoặc “để hết tài sản cho con cái” nên vô hình trung, trong quá trình nuôi dạy đã khiến con cái có suy nghĩ ỷ lại, mặc định tài sản của cha mẹ chính là của con, sớm muộn con cũng được quyền thụ hưởng. Từ đó con cái dễ nảy sinh tâm lý chây lười, không muốn lao động, trông chờ vào của cải của cha mẹ, hoặc tệ hơn là nổi giận, giành lấy quyền sở hữu tài sản về phía mình khi không được đáp ứng.

Một số bậc cha mẹ lại thiên lệch khi đối xử với con cái trong quá trình nuôi dạy, kể cả chuyện phân chia tài sản. Từ đó có thể hình thành thói ích kỉ của người con bị nuông chiều và sự bất mãn, ức chế của người con bị đối xử bất công. Cả hai điều này đều dễ dàng gây ra những phản ứng tiêu cực, tổn hại đến hòa khí gia đình, thậm chí tệ hơn là gây ra “nồi da xáo thịt”, tạo nên những bất hạnh cho gia đình.

Trao đổi với báo chí, TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ: Có không ít án mạng do tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình. Để giảm thiểu những vụ án từ nguyên nhân trên thì phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần phải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Đặc biệt, cần phải đề cao yếu tố giáo dục đạo đức để những chuẩn mực đạo đức chi phối mối quan hệ trong gia đình, để con cái tôn trọng cha mẹ, anh em quý mến lẫn nhau. Khi những mâu thuẫn tranh chấp phát sinh thì cần phải được giải quyết có tình, có lý, đúng pháp luật.

Đọc thêm