Bi kịch của “Tam Mao” ở chợ Long Biên

(PLO) - Tên thật của nó là Nguyễn Văn Linh. Nhưng mọi người gọi nó là Tam Mao và từ lâu nó cũng đã quen với cái tên ấy. Giờ có ai gọi tên Linh nó cũng chẳng giật mình nữa.

Linh "Tam Mao" và hình xăm gương mặt mẹ trên ngực.
Linh "Tam Mao" và hình xăm gương mặt mẹ trên ngực.
Chú bé Tam Mao trong tiểu thuyết và phim truyện của Trung Quốc kể về cuộc đời lưu lạc trên bước đường tìm mẹ của cậu bé có 3 chỏm tóc (tam mao) ở thành phố Thượng Hải những năm 30 thế kỷ XX. Hậu quả của chiến tranh đã khiến Tam Mao trở thành trẻ đường phố không cha không mẹ… Năm Linh   7 tuổi, nó bỏ nhà đi lang thang đến thị trấn Xuân Mai. Thấy nó không cha mẹ, người ta gọi nó là "Tam Mao".
Nó kể mẹ bỏ nhà đi từ năm nó còn bé tí tẹo. Bố thì đi tù. Anh trai hơn nó 7 tuổi được gửi về nhà ngoại nuôi. Còn nó ở với gia đình người bác ruột (anh trai của bố) tại thôn Đồng Chanh, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Bác có 4 người con, nhà lại nghèo. Bác trai thì thương cháu nhưng bác gái vì cuộc sống mưu sinh vất vả nên hay cáu gắt. Cuộc sống không cha mẹ, thiếu thốn tình cảm khiến Linh "Tam Mao" như chú chim nhỏ lạc bầy, bơ vơ và luôn khao khát gia đình, khao khát bàn tay chăm sóc, chở che của cha mẹ.
Năm 2001, bố ra tù đón Linh về nuôi. Tưởng rằng có bố thì cuộc sống sẽ khác nhưng người cha suốt ngày cắm đầu vào chiếu bạc. "Bố đi suốt, vứt cháu ở nhà. Không có gì ăn, đói quá nên cháu mới đi lang thang". Bước đường trở thành trẻ "bụi đời" của Linh "Tam Mao" bắt đầu từ đó.
Không được đi học, cha  lại mải mê trong vòng xoáy đỏ đen nên bước đường kiếm ăn của Linh "Tam Mao" mỗi ngày một dài. Ban đầu chỉ đi loanh quanh trong xóm, đến bữa gặp nhà nào thương được họ cho ăn. Sau biết đi nhờ xe người lớn ra đường cái, rồi theo họ xuống chợ Xuân Mai vừa xin ăn, vừa  xách nước thuê kiếm sống.
"Thấy cháu nhỏ lại không cha mẹ, các cô ở chợ thương lắm. Buổi tối cháu được các cô cho ngủ nhờ trên sạp hàng. Các cô còn dạy chữ cho cháu. Tuy không được đi học nhưng cháu cũng biết đọc, biết viết. Cháu gọi các cô ấy là mẹ" - Linh "Tam Mao" hồn nhiên kể về những "người mẹ xã hội" mà theo nó, 10 người phụ nữ nó gặp thì 9 người nó đều nhận là mẹ nuôi. Thỉnh thoảng, bố nó có đến chợ tìm bắt về nhà nhưng rồi nó lại bỏ đi vì bố lại đi suốt. Nó đói. Nó phải tự đi tìm cái ăn.
Theo lời Linh "Tam Mao" thì năm 2002, nó chính thức trở thành kẻ không nhà, không gia đình. Người cha thua bạc bán nhà rồi theo một người đàn bà khác đi mất dạng. Nó không muốn quay lại nhà bác ruột. Nó xuống chợ Xuân Mai mưu sinh một thời gian rồi dạt dần về hướng trung tâm Hà Nội.
Bến tàu, bến xe nào cũng có mặt nó. Và điểm đến mà những đứa trẻ lang thang, dạt nhà hay tìm đến kiếm sống chính là khu vực chợ Long Biên. Chúng sống bằng đủ thứ công việc. Từ ăn xin, làm thuê, đánh giày… đến trộm cắp vặt, rồi trộm cắp móc túi chuyên nghiệp. Có tiền thì thuê nhà trọ ở. Hết tiền thì vạ vật nơi góc chợ, gầm cầu. Những đứa trẻ đường phố mưu sinh ở khu chợ Long Biên giống như cây cỏ. Chúng buộc phải thích nghi với cuộc sống trên hè phố.
Năm 2005, Linh "Tam Mao" bị đi trường giáo dưỡng vì trộm cắp sắt. "Hôm đi trường là ngày 27/7 cô ạ". "Sao cháu có thể nhớ chính xác như vậy:" - tôi hỏi. "Những đứa trẻ không gia đình như cháu, một khi đã bước chân vào xã hội thì buộc phải nhớ những mốc thời gian quan trọng nhất của cuộc đời mình cô ạ" - Linh "Tam Mao" trả lời, giọng buồn thiu.
Nguyễn Văn Linh tại cơ quan điều tra.
Nguyễn Văn Linh tại cơ quan điều tra. 
Năm 2007, sau khi ra trường, Linh trở về quê, ở nhà bác. Nó xách vữa thuê kiếm sống. Nhưng công việc mới dường như quá gò bó so với cuộc sống giang hồ trước kia. Nhà bác lại không phải mái ấm gia đình mà nó mong muốn. Vậy là nó lại dứt áo ra đi.
Lần này, Linh "Tam Mao" xuống Hà Nội với một tấm ảnh của người mẹ. "Cháu chưa một lần được nhìn thấy mẹ. Cháu lấy trộm trong ví của anh ảnh mẹ, chỉ nhỏ bằng ảnh chứng minh nhân dân. Cháu muốn đi tìm mẹ". Nhắc đến mẹ, Linh "Tam Mao" chùng giọng, đôi mắt đỏ hoe. Nó quay mặt nhìn đi nơi khác để kìm nén những cảm xúc dường như đang bóp nghẹt trái tim của một đứa trẻ không gia đình.
Từ lâu rồi, nó luôn nung nấu một câu hỏi: "Mẹ là ai? Mẹ là người như thế nào?". Nó thèm khát cảm giác được mẹ ôm ấp, vỗ về. Thèm khát được ngủ trong vòng tay mẹ như những đứa trẻ nó nhìn thấy. Nó quyết tâm đi tìm mẹ.
Nó bảo không biết mẹ ở đâu. Nhà nội không có thông tin gì về mẹ nó. Nhà ngoại thì nó chưa được đến bao giờ. Nó chỉ nghe anh trai nói, hình như mẹ  đang ở Trung Quốc. Mông lung thế nhưng nó luôn nung nấu ý định tìm mẹ. Hồi ở trường giáo dưỡng, có quen nhiều bạn lắm. Vậy là nó nhờ những đứa quê ở Quảng Ninh, Lạng Sơn dẫn sang Trung Quốc tìm mẹ. Nhưng sang rồi nó mới thấy mông lung quá. Đất thì rộng, người thì đông, ảnh mẹ vừa bé vừa mờ. Nó chỉ nhận được những cái lắc đầu khi chìa tấm ảnh bé xíu ra hỏi thăm.
Lặn lội từ Móng Cái tới Tân Thanh đều không có kết quả, nó đành bỏ cuộc nhưng trong lòng thì luôn đau đáu. Hình ảnh người phụ nữ dang tay chở che, bế nó vào lòng âu yếm cứ đi về trong giấc mơ. Nó thảng thốt gọi "mẹ". Giật mình tỉnh giấc, nó nhận ra đang nằm trên mố cầu Long Biên. Bọn trẻ lang thang vẫn chọn đó là nơi trú ngụ. Mưa không tới. Rét thì co ro ôm nhau cho ấm. Thi thoảng, tiếng tàu hỏa chạy sầm sập trên đầu. Sống nơi gầm cầu đã quen nên tiếng bánh xe xiết trên đường ray chói tai không ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của những đứa trẻ lúc nào cũng mệt nhoài tìm miếng ăn cho no bụng mỗi ngày.
Năm nó 17 tuổi, nỗi nhớ mẹ đã tạm thời nguôi ngoai thì đột nhiên mẹ nó trở về. Anh trai từ quê xuống Hà Nội tìm nó, thông báo mẹ đã về. Anh trai chỉ tìm nó khi có những việc quan trọng. Năm 2009, anh cũng xuống tìm nó về để chịu tang bố. Nó cứ lang thang nay đây mai đó nên khi tìm được thì việc chôn cất cha cũng đã xong. Nó về ra mộ thắp hương rồi lại đi. Nhà không có, bàn thờ bố nó được đặt nhờ ở nhà bác.
Lần này, được anh báo tin mẹ về, trái tim nó như bị ai bóp chặt, thổn thức. Nó liền theo anh về quê gặp mẹ. Tội nghiệp cho nó. Người mẹ cũng chỉ nhớ mặt cậu con trai lớn nên chỉ ôm anh nó. Còn nó đứng bên cạnh, trân trân nhìn. Lát sau mẹ nó mới quay sang hỏi "ai đây?". Biết là nó, mẹ không ôm mà chỉ khóc.
Sau này, nó bảo cái cảm giác gặp mẹ sau 17 năm trời thật kỳ lạ. Trong lòng nó xáo trộn bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Nhìn mẹ nó đang tiều tụy vì căn bệnh ung thư tử cung, nó thương mẹ vô hạn. Nó bàn với anh đưa mẹ xuống Hà Nội chữa trị. Mẹ nó nhập viện không một đồng xu dính túi. Mọi chi tiêu trông chờ vào nó. Nó bảo anh trai yên tâm, cứ ở viện trông mẹ. Nó có trách nhiệm đi lo tiền chữa bệnh cho mẹ.
Nhưng một đứa lang thang không nghề như nó biết làm gì ra tiền? Trong khi hàng ngày mở mắt ra là mẹ nó phải nộp mấy trăm nghìn tiền thuốc. Trộm cắp, móc túi ở chợ Long Biên thôi cũng không được nhiều. Nó liều mạng mua ma túy về chia nhỏ đi bán. Cuối ngày, nó mang tiền vào viện cho anh trai. Anh hỏi tiền đâu mà nhiều thế? Nó đáp đi vay của bạn bè.
Buôn bán ma túy được 10 ngày thì nó bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt. Nó bị xử 5 năm tù giam rồi đi thụ án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh). Nó bảo từ khi bị bắt đến khi vào trại, nó không có tin tức gì về mẹ.
Cuối năm 2014, nó ra trại, anh trai nói vì nó bị bắt, mẹ không có tiền chữa bệnh nên đã quay về Trung Quốc. Nghe nói ở bên đó mẹ nó có chồng và 3 đứa con. Từ đó đến nay, nó không có tin gì về mẹ. Nó không biết mẹ còn sống hay đã chết. Không tìm mẹ nữa, nhưng nó xăm hình gương mặt một người phụ nữ trên ngực phải để lúc nào cũng có mẹ bên mình.
22 tuổi, người ta vẫn gọi nó là "Tam Mao". Không gia đình, không mái ấm để trú ngụ, nó lại quay về khu chợ Long Biên mưu sinh. Nó chơi và ở cùng nhóm cướp tài sản vừa bị Công an quận Bắc Từ Liêm bắt giữ. Tuy nó không tham gia những vụ cướp cùng 6 đối tượng bị bắt, nhưng nó ở cùng nhóm trong chiếc lều tạm ngoài bãi sông Hồng nên phải tới Cơ quan Công an làm việc phục vụ công tác điều tra. Chốc lát, nó lại xin một điếu thuốc rít liên tục. Nó bảo thi thoảng có tiền, nó và bọn bạn vẫn chơi "đá" nên giờ thấy người nao nao, phải hút điếu thuốc cho đỡ nhớ.
Chưa ai biết được liệu sau những lần va vấp, nó có quay trở lại con đường cũ? Bản thân "Tam Mao" cũng buồn bã nói rằng, một đứa không nhà, không cha mẹ, không nơi nương tựa như nó thì biết làm gì bây giờ? Nhóm trẻ bụi đời ở cùng nó bị bắt. Có thể nó lại nhập bọn với một nhóm khác. Lại những đứa trẻ có số phận "Tam Mao" như nó. Chúng sẽ làm gì  khi chính "Tam Mao" giải thích rằng, chúng "đói thì cướp thôi"? "Tam Mao" đưa tay lên ôm ngực, nơi có hình xăm gương mặt phụ nữ rồi thở dài.
Người mẹ của "Tam Mao" đang ở nơi nào? Liệu  bà có hiểu lòng của một đứa trẻ luôn đau đáu giấc mơ tìm mẹ, giấc mơ về một mái ấm gia đình?./

Đọc thêm