Bi kịch cuộc đời sao nhí bị cha mẹ 'lột' sạch tiền

(PLVN) - Bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ nhỏ, tài năng xuất chúng đã giúp Jackie Coogan trở thành triệu phú. Tuy nhiên, theo quy định lúc bấy giờ, ông không thể tự quản lý số tiền này mà phải giao phó tài chính cho cha mẹ, chờ đến năm 21 mới có thể tiếp quản gia tài mà mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” kiếm được. Thế nhưng, sự thực không như trên phim, một kết thúc có hậu đã không diễn ra trên thực tế.
Bi kịch cuộc đời sao nhí bị cha mẹ 'lột' sạch tiền

Tài không đợi tuổi

Jackie Coogan sinh năm 1914 trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật tại Los Angeles (Mỹ). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được cha mẹ - là các diễn viên John và Lillian - dạy diễn xuất, nhảy và hát. Tố chất “con nhà nòi” cộng với những kiến thức được cha mẹ truyền cho đã khiến tài năng diễn xuất của Coogan sớm bộc lộ. Năm 4 tuổi, ông đã tham gia biểu diễn trên nhiều sân khấu thiếu nhi và dần trở nên quen thuộc với khán giả.

Sự kiện quan trọng trong đời Coogan diễn ra vào năm 1919, khi ông mới lên 5. Năm đó, khi xuất hiện trong một vở diễn, ông lọt vào mắt xanh của “Vua hề” Charlie Chaplin. “Thằng bé làm gì cũng duyên dáng”, Chaplin nhận xét về cậu bé Coogan. Bộ phim hài câm Skinner’s Baby của Chaplin là bộ phim đầu tiên của Coogan trong vai trò một diễn viên điện ảnh.

Với tài năng diễn xuất nổi bật, sự nghiệp của Coogan nhanh chóng thăng hoa. Về sau, ông được ký hợp đồng với hãng phim First National Studio. Năm 7 tuổi, Jackie Coogan đóng bộ phim câm thuộc diện kinh điển của Charlie Chaplin mang tên The Kid. Diễn xuất tuyệt vời của Jackie Coogan bên cạnh Vua hề trong tác phẩm kinh điển này đã đưa ông trở thành một trong những sao nhí đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Tỉ lệ thuận với đó là khoản thu nhập mà ông kiếm được. Đến 9 tuổi, Jackie Coogan đã trở thành một trong những diễn viên được trả cát-xê cao nhất ở Hollywood.

Jackie Coogan bên Vua hề Charlie Chaplin.
Jackie Coogan bên Vua hề Charlie Chaplin. 

Thấy vậy, cha mẹ của Coogan đã quyết định thành lập công ty có tên Jackie Coogan Productions để quản lý các hoạt động diễn xuất của ông. Tổng cộng, công ty này đã sản xuất 33 bộ phim. Cùng với đó, Coogan cũng đã sớm trở thành một triệu phú. Chỉ riêng nguồn thu của Jackie Coogan Productions đã mang về cho Coogan khoảng 4 triệu USD (tương đương khoảng 50 triệu USD ngày nay).

Tuy nhiên, số tài sản khổng lồ này cũng đặt ra những rắc rối cho Coogan bởi luật pháp Mỹ lúc bấy giờ không tính đến khả năng đứa trẻ 12 tuổi có thể có số tiền lớn đến như vậy nên chưa có quy định để điều chỉnh. Do đó, toàn bộ số tiền mà Coogan kiếm được được giao cho cha của ông kiểm soát. Ông John Coogan cũng là người quản lý các hợp đồng của con trai.

Coogan được hứa rằng sẽ nhận được tiền khi trở thành người trưởng thành vào năm 21 tuổi. Trong thời gian chờ đến lúc đó, dù kiếm được nhiều tiền nhưng mỗi ngày ông chỉ được cho 6 USD để chi tiêu.

Bi kịch từ những đồng tiền

Thế giới đã chứng kiến nhiều “sao nhí” sớm lụi tàn, càng lớn tuổi thì sự nghiệp của họ càng đi xuống và kiếm được ít tiền hơn. Coogan cũng nkhông phải ngoại lệ. Một vụ hợp tác giữa ông và hãng Metro-Goldwyn-Mayer đã “đứt gánh giữa đường” do cha của ông đã đòi cát-xê quá cao. Việc này không chỉ khiến Coogan mất đi số tiền lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai của ông khi nhiều công ty đối tác khác cũng quyết định dừng hợp tác vì không muốn lâm vào thế buộc phải lựa chọn giữa nam diễn viên với Metro-Goldwyn-Mayer.

Chán nản, Coogan bỏ bê việc diễn xuất. Cùng thời gian này, ông ta còn bị đuổi học vì cư xử không đúng mực ở trường. Đang từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu, Coogan gác lại mọi việc, nảy sinh tâm lý ngồi không chờ đến khi đủ 21 tuổi để có thể tiếp quản khối tài sản của mình và bắt đầu một cuộc sống mới. Có điều, cuộc đời không phải lúc nào cũng kết thúc đẹp như phim.

Bi kịch của Coogan xuất hiện vào năm 1935, khi người cha John Coogan và 3 người khác đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông mà Coogan là người duy nhất sống sót. Ít lâu sau đó, mẹ của ông ta tái hôn với một người tên Arthur Bernstein. Arthur tiếp quản công ty của Coogan và sinh lòng tham. Những tuyên bố về việc không trả lại tiền cho Coogan khi đó cũng bắt đầu xuất hiện.

Về sau, cặp vợ chồng thậm chí cắt luôn cả khoản tiền 6 USD/ngày cấp cho nam diễn viên, trong khi bản thân họ dùng tiền mà con trai đã vất vả kiếm được để sống một cuộc sống xa hoa. “Miệng ăn núi lở”, đến khi mọi việc bị phát giác, cặp vợ chồng đã tiêu sạch số tiền 4 triệu USD của Coogan vì nghĩ rằng ông sẽ còn kiếm được thêm nhiều tiền nữa. Tức giận trước việc này, năm 1938, ở tuổi 24, Coogan đã kiện mẹ và cha dượng ra tòa vì đã không giữ lời hứa hoàn trả số tiền mà ông kiếm được, không quản lý hiệu quả số tiền của ông. Theo kết quả điều tra, đến thời điểm này, công ty được thành lập để quản lý tiền của Coogan chỉ còn lại 250.000 USD.

Dù lỗi sai được xác định là do của cha mẹ nhưng sau một thời gian dài kiện tụng đầy tai tiếng, Coogan chỉ nhận được khoản tiền ít ỏi là 126.000 USD, một ngôi nhà cũ ở Los Angeles và bản quyền một số bộ phim đã không còn mang lại thu nhập của ông ta. Số tiền được Coogan chi trả cho các luật sư và trang trải nợ nần, phần còn lại được đầu tư vào một doanh nghiệp sửa chữa ô tô nhưng không thành.

Luật Coogan

Dù Coogan đã không còn sức hút về mặt diễn xuất nhưng vụ kiện vẫn đã thu hút sự chú ý của công chúng, cho thấy những lỗ hổng rõ ràng của luật pháp Mỹ trong việc bảo vệ khoản vốn của một đứa trẻ. Một số thông tin sau đó cho hay nhiều ngôi sao điện ảnh trẻ cũng đã phải chịu kết cục tương tự, tức không nhận được gì sau nhiều năm nỗ lực lao động từ khi còn nhỏ, dấy lên những kêu gọi cần phải có luật để bảo vệ tiền tiết kiệm của những đứa trẻ nổi tiếng.

Sau vụ việc này, năm 1939, một bộ luật mang tên “Luật Coogan” đã ra đời ở Mỹ, tạo cơ sở pháp lý trong việc bảo hộ các khoản thu nhập của những ngôi sao nhí tài năng sớm nở rộ.

Theo luật này, người sử dụng lao động chỉ có thể ký hợp đồng lao động với một đứa trẻ nếu một tỷ lệ phần trăm phí nhất định được chuyển vào tài khoản tiết kiệm của đứa trẻ (được gọi là Tài khoản ủy thác Coogan). Đứa trẻ sẽ được phép sử dụng số tiền kiếm được khi chúng trở thành người lớn. Đây là một trong những luật quan trọng nhất ở Mỹ hiện nay. Kể từ năm 2000, số tiền được dành riêng trong tài khoản của trẻ theo quy định không dưới 15% khoản thanh toán giá trị hợp đồng ban đầu.

Trở lại với Coogan, năm 1941, ông gia nhập quân đội để kiếm sống, phục vụ ở đó được 5 năm nhưng chưa bao giờ từ bỏ suy nghĩ trở lại với màn ảnh dù biết rõ việc trở lại với công việc này dường như là bất khả thi. “Tôi biết tất cả mọi người ở Hollywood và mọi người đều biết tôi. Tất nhiên, tôi có thể tiếp cận các nhà sản xuất nhưng họ sẽ nói với tôi rằng: “Chúng tôi sẽ làm gì được với ông?”, Coogan từng kể về tình cảnh của mình.

Trong suốt một thời gian dài, ông ta đã chật vật xoay sở nhiều công việc khác nhau đề kiếm sống. Cuối cùng, đến năm 1947, ông cũng đã được phân 1 vai nhỏ trong một bộ phim. Sau đó, ông bắt đầu liên tục xuất hiện trong các vai phụ và về sau cũng thu hút được sự chú ý nhưng không nhiều như khi còn nhỏ.

Jackie Coogan qua đời vào ngày 1/3/1984 vì bệnh suy tim. Sự nghiệp của ông không thành công khi lớn lên nhưng nhờ có ông mà những đứa trẻ tài năng ngày nay có thể yên tâm hơn với số tiền họ kiếm được thuở chưa trưởng thành.

Đọc thêm