Mối tình ngang trái
Nguyên đơn trong vụ án ly hôn này là anh Bùi Văn Bằng hiện công tác ở một phòng chuyên môn của Công an tỉnh Hòa Bình. Còn bị đơn là chị Hà Thị Nương chỉ là một cô công nhân nghèo, đến từ một xã vùng sâu của huyện miền núi Mai Châu.
Hai năm trước, khi vừa tốt nghiệp Đại học an ninh ra trường, Bằng được phân công công tác tại huyện Mai Châu, bỏ lại sau lưng thành phố và mối tình đầu sâu đậm với cô người yêu ở gần nhà, từng gắn bó với anh suốt thời niên thiếu và cả quãng đời sinh viên hoa mộng.
Trong hoàn cảnh xa gia đình, xa người yêu như vậy, anh chàng Bằng cảm thấy rất cô đơn, thiếu thốn tình cảm. Bên cạnh đó, những lần về nắm địa bàn, được gặp gỡ tiếp xúc với những cô gái dân tộc Thái trắng nõn, vừa ngây thơ, vừa từng trải khiến trái tim chàng trai trẻ loạn nhịp.
Trong số những cô gái đó, sơn nữ Hà Thị Nương không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn hút hồn người khác giới bởi nội tâm sâu sắc, thông minh. Ngay từ lần đầu gặp nhau, Bằng cũng thấy cảm mến Nương. Sơn nữ cũng bị “say nắng” bởi cái anh sỹ quan công an đẹp trai, vừa mạnh mẽ quyết đoán lại vừa có tâm hồn sâu lắng ngọt ngào, thư sinh nho nhã của một trí thức thị thành.
Quá trình quen nhau, Bằng cũng tâm sự với Nương việc đã có người yêu ở thành phố và hai người đã dự định đám cưới vào sang năm. Nghe tin đó, trái tim Nương thổn thức tưởng như vỡ òa vì tủi phận, hờn ghen.
Nương ý thức rất rõ nếu mình cố yêu Bằng thì sẽ trở thành người thứ ba trong cuộc tình ngang trái. Biết là đau khổ nhưng con tim Nương vẫn ấp ủ giấc mơ dưới mái nhà người khác, không sao dứt ra được.
Khi gia đình Nương biết chuyện đã khuyên con gái “không nên đâm quàng vào bụi rậm”. Nương trẻ đẹp có biết bao người theo đuổi, đừng dại dột mua dây tự trói cuộc đời mình vào cảnh trớ trêu. Nhưng lòng Nương đã quyết phải lấy Bằng bằng được, Nương nghĩ rằng có thể trước mắt anh ấy chưa thực sự yêu mình nhưng khi đã lấy nhau và có con rồi, tình yêu sẽ nảy sinh cùng trách nhiệm.
Thế là Nương chủ động xây dựng một kế hoạch hoàn hảo để đưa Bằng “vào tròng”. Nương chú ý chăm chút đến ngoại hình, cô ăn mặc gợi cảm hơn, cư xử ngọt ngào tinh tế hơn, tự tay cô chế biến những món ăn ngon của người dân tộc Thái để mời anh.
Còn Bằng cũng như những người đàn ông tham lam hảo ngọt khác thì nghĩ đơn giản rằng cô ấy là con gái còn tự nguyện “cho không biếu không”, mình là đàn ông có mất gì mà phải sợ, họa có đần dở thì “mỡ để miệng mèo” mới không xơi. Thế rồi rượu ngọt, xôi ngon, lời nói dịu dàng, dần dần Bằng “nghiện” đến nhà Nương lúc nào không biết.
Về phía cô gái si tình lại nghĩ khác, cô cho rằng nếu anh ấy không yêu, không thích mình thì không thể đến ăn cơm, uống rượu đều đặn mỗi tuần như người yêu, người rể tương lai của gia đình. Nương đã chờ đợi nhưng chẳng có lời yêu nào thốt ra, kể cả khi uống rượu mềm môi, anh đã ngã vào vòng tay cô trong nồng nàn tình ái.
Sau lần đó và những lần tiếp theo, Nương vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện, còn Bằng những khi tỉnh rượu thì tâm trạng có ân hận và lo sợ trách nhiệm nhưng lâu lâu không thấy cô “bắt đền, bắt vạ” gì nên anh cũng yên tâm.
Ba tháng sau cái đêm đáng nhớ đó, Nương phát hiện mình có thai nhưng cô im lặng, quyết bí mật đến phút chót để “trói” anh. Cô biết Bằng là công an, nếu “chạy làng” chắc chắn sẽ mất tất cả sự nghiệp.
Về phía Bằng với quyết tâm dứt tình, thời gian này anh và gia đình cậy cục để xin chuyển công tác lên công an tỉnh, Bằng yên tâm mình đã “hạ cánh an toàn” sau cuộc tình vụng trộm với Nương. Khi đã ổn định công tác trên tỉnh, chuẩn bị làm đám cưới với cô người yêu thì bỗng dưng Hà Thị Nương lù lù đến gặp với cái bụng bầu đã lùm lùm và cho biết đó là kết quả của tình yêu.
Bằng bàng hoàng và suy sụp, nhưng anh đủ bản lĩnh để thuyết phục người yêu gác lại đám cưới, chờ đến khi Bằng giải quyết ổn thỏa “việc riêng” .
Trắng tay sau canh bạc tình yêu
Cô gái Nương sau đó xin làm công nhân của một doanh nghiệp ở thành phố Hòa Bình cho gần nơi làm việc của Bằng. Cô gặp Bằng nhiều lần yêu cầu làm đám cưới nếu không cô sẽ kiện, đồng nghĩa với Bằng sẽ bị kỷ luật ra khỏi ngành.
Không đành lòng mất cả công danh sự nghiệp, Bằng đành ngậm đắng nuốt cay chấp nhận làm đám cưới và đăng ký kết hôn với Nương. Tuy vậy, anh chàng vẫn thuyết phục người yêu: “Em hãy gắng chờ đợi, đợi khi đứa trẻ ra đời và cứng cáp anh sẽ ly hôn cô gái quê mùa đó để quay về với em”.
Chính vì vậy, dù có đám cưới và đăng ký kết hôn nhưng Bằng vẫn không về ở với Nương. Cô gái trẻ đành âm thầm nuốt nước mắt vượt cạn một mình, nuôi đứa con trai kháu khỉnh, có khuôn mặt và dáng vẻ giống Bằng như tạc, thế mà cha nó thì chẳng có tình cảm thiết tha với nó.
Thực tế, thỉnh thoảng Bằng có về thăm con, gửi tiền cấp dưỡng đầy đủ, khi con trai được ba tháng, anh quyết định viết đơn gửi đến tòa nhưng bị trả đơn vì con trai anh chưa đủ 12 tháng tuổi. Sau đó một năm, Bằng tiếp tục xin ly hôn, tòa thụ lý và triệu tập Nương nhiều lần để lấy lời khai nhưng Nương đều vắng mặt, mãi sau đó mọi người khuyên cô mới miễn cưỡng địu con trai đến tòa, những mong đứa trẻ thơ ngây vô tội sẽ níu kéo tình yêu cho mẹ nó.
Tuy nhiên, sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa đã xử cho cả hai ly hôn. Cả nguyên đơn và bị đơn khuôn mặt đều trẻ măng, họ ngồi lặng lẽ bên nhau, không một lời nào thốt ra mà chỉ toàn là nước mắt, giữa họ là cậu con trai đang chập chững biết đi, bi bô những tiếng nói đầu tiên: “ba, ba”.
Tòa quyết định giao con cho Nương nuôi dưỡng, Bằng có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đến khi cháu bé đủ 18 tuổi.
Bằng cầm “tấm vé tự do” trong tay, cô người yêu của anh đi xe máy đến chờ sẵn ở sân tòa, tưởng như niềm khát khao đã thành sự thật mà sao Bằng không muốn bước về phía trước. Bằng bần thần đọc bài thơ “Hai chị em” được in cỡ lớn dán trên tấm bảng ngay sảnh phòng xử án ly hôn, bước chân anh như khuỵu xuống. Trước mặt anh, Nương cúi mặt địu con lững thững bước, đứa con trai cố ngoái về phía sau gọi với: “Ba, ba”…