Khó ly hôn vì chồng “thoắt ẩn thoắt hiện“

(PLO) - “Đối với tôi, ông ấy mất tích thật rồi, nhưng đối với chính quyền, tòa án, ông ấy vẫn hiện diện. Thử hỏi thế thì bao giờ tôi mới ly hôn được?”. Lời giãi bày trong nước mắt của người phụ nữ nông thôn đã có hơn 5 năm trời đệ đơn xin ly hôn mà không được giải quyết, nghe thật đắng lòng.
Khó ly hôn vì chồng “thoắt ẩn thoắt hiện“
“Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?”
Chị Thung là giáo viên của một trường cấp 2 thuộc huyện ngoại thành Hà Nội. Dạy văn nên tính chị nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, trái ngược hẳn với ông chồng thợ mộc thô lỗ và hung bạo. 
Lấy nhau được vài năm, khi đứa con gái đầu lòng 2 tuổi, chị Thung bắt đầu bị chồng chửi rủa, chê bai là “nhạt nhẽo như nước ốc”. Hóa ra trong một chuyến đi đóng đồ mộc xa quê, chồng chị Thung đã phải lòng một người phụ nữ buôn chuyến. 
Khi con gái chị Thung lên 3, chồng chị đã bỏ nhà đi biệt tích. Được 5 năm như vậy thì chị Thung quyết định đệ đơn xin ly hôn. Cán bộ Tòa án hướng dẫn chị phải làm thủ tục tuyên bố mất tích cho ông chồng mới giải quyết ly hôn được. Nhưng chính quyền địa phương nơi chị Thung sống thì vẫn khăng khăng khẳng định chồng chị Thung còn sống. 
Đến lúc này, chị Thung mới biết, chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con đi sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà mấy ông chính quyền trò chuyện dăm lời, rồi lại đi biệt tích mà không nói cho ai biết là anh ta đang ở đâu. 
Làm như vậy, trong mắt chính quyền anh ta không mất tích, nên người vợ cũng khó có thể ly hôn để lấy người khác được. “Tôi không ngờ lão ta lại có mưu kế hèn hạ đến thế” - chị Thung ngao ngán nói. 
Nghe chuyện của chị Thung, PV chợt nhớ đến chương trình tư vấn pháp luật “Lối thoát ly hôn” do một tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vào giữa năm ngoái để “mở điểm nghẽn” cho bạn đọc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình ly hôn. 
Trong chương trình tư vấn đó, “làm sao để ly hôn với người vắng mặt” là vấn đề nóng nhất. Có những câu chuyện thoạt nghe tưởng khó tin nhưng lại là sự thật. Ví dụ như chuyện của chị P.T.B.P. (ngụ tại P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chồng chị có địa chỉ thường trú ở Q.3 nhưng đã bỏ đi từ năm 1995. 
Sau nhiều năm đơn thân nuôi con, năm 2012 chị đến TAND Q.3 xin ly hôn nhưng Tòa án ra quyết định đình chỉ thụ lý vụ án vì chồng chị không còn ở nơi đăng ký hộ khẩu. “Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?” - chị P.T.B.P khắc khoải hỏi. 
Như chị P.T.B.P, chị B.T.T.K. đã phải chịu cảnh có chồng mà như không 4 năm nay. Chồng chị đã bỏ mẹ con chị về Quảng Nam sống. Chị gọi điện về quê đề nghị ly hôn, anh ta dứt khoát không đồng ý. Chị nộp đơn, Tòa án Bình Dương không nhận, đề nghị chị ra Quảng Nam. Chị ra tận Quảng Nam, Tòa ở đây cũng không cho chị đơn phương ly hôn vì anh chồng còn có mặt ở địa phương này.
Tỉnh táo để tự cứu mình
Có thể thấy, về vấn đề thủ tục ly hôn nói chung và ly hôn với người vắng mặt nói riêng, Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định rất rõ ràng, đơn giản.
Nhưng trong thực tế, những vấn đề mà những người phụ nữ, đàn ông đang vướng mắc khi ly hôn với người vắng mặt lại vô cùng đa dạng. Được biết, Nghị quyết số 03 (ban hành ngày 3/12/2012) của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn phần “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực thi hành trong năm 2013 đã và đang là “lối thoát” cho những người vướng thủ tục ly hôn với người vắng mặt, mất tích. Căn cứ vào đó, rất nhiều trường hợp sẽ được tháo gỡ.
Tuy nhiên, theo các luật sư, luật có quy định nhưng trong nhiều trường hợp, chính người trong cuộc do nôn nóng, thiếu hiểu biết các thủ tục đã vô tình làm cho việc ly hôn lẽ ra đơn giản của mình ở tòa bị kéo dài, để rồi bản thân họ phải gánh chịu. 
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: khi chuẩn bị ly hôn, tuyệt đối không được suy đoán thủ tục, bởi đây là một vấn đề phức tạp, không thể tự suy đoán. Mỗi người phải tự tìm hiểu trình tự những quy định pháp luật có liên quan đến hoàn cảnh của mình. 
Bên cạnh đó, khi đến tòa phải hỏi thật kỹ trường hợp của mình có những vướng mắc, khó khăn gì. Khi đã hỏi Tòa mà vẫn chưa hiểu, nên xin tư vấn từ người có chuyên môn như luật gia, luật sư. “Sở dĩ nói vậy vì khi có vướng mắc về thủ tục pháp lý, nếu không có người hướng dẫn, các đương sự sẽ rất khó dứt khoát được với cuộc hôn nhân” – Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh. 

Đọc thêm