Bí kíp giúp nhận biết thực phẩm giả khi đi chợ

(PLO) - Liên tiếp những vụ thực phẩm giả được phanh phui gần đây đang khiến người tiêu dùng hoang mang trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều kẻ chỉ vì chút lợi ích trước mắt mà không tiếc thủ đoạn làm giả thực phẩm để đánh lừa người tiêu dùng. 
Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô
Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô

Trước khi có chế tài đủ nghiêm minh để xử lý những kẻ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, người tiêu dùng cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình.

Dưới đây là một số kinh nghiệm khi đi chợ để giúp bạn không bị mắc bẫy của những kẻ buôn bán thực phẩm giả:

Ruốc làm từ bã sắn dây

Công thức làm ruốc giả thường là bã sắn dây cùng bột ngọt, hương liệu, chất tạo màu... Việc ăn bã sắn dây sẽ làm cản trở hấp thu dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa gây ngộ độc. Trẻ em khi ăn phải chất này sẽ giảm hấp thu canxi, kẽm... dẫn tới suy dinh dưỡng.

Ruốc giả làm từ bã sắn dây thường có màu vàng rất giả tạo, khi cho vào nước sẽ nhanh chóng mềm nhũn, chuyển dần từ vàng ươm về trắng bợt giống bã sắn dây; sợi ruốc giả to, tròn, không bông, tơi xốp như ruốc thật. Khi ăn, ruốc giả có vị chát hoặc ngọt lạ, càng nhai càng thấy dai nhờ hương liệu, bột ngọt, foocmon ngâm tẩm chứ không có vị ngọt thơm của thịt.

Gạo làm từ nhựa

Theo truyền thông Singapore, gạo giả được làm từ hỗn hợp khoai lang, khoai tây được bổ sung thêm polimer làm tăng độ cứng sau đó được mang “đúc” giống hệt hạt gạo thật. Do có thành phần polimer nên loại gạo này khi vào ruột sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của con người. Việc bạn ăn một bát cơm bằng gạo giả sẽ tương đương việc ăn hết một túi ni-long.

Nhìn bằng mắt thường, ta sẽ thấy hạt gạo giả thường dài hơn gạo thật, các hạt bóng bảy và giống hệt nhau. Khi ngâm gạo vào nước một thời gian, gạo thật sẽ chìm và nở ra nhưng gạo giả thì sẽ nổi lên trên. Hoặc nếu cho gạo lên chảo rang, gạo giả sẽ chảy ra, bốc mùi khét lẹt.

Mực làm từ cao su

Mực gia công được làm vô cùng tinh vi với hình dáng, màu sắc, độ dai và mùi vị giống y như thật. Tuy nhiên, để ý kỹ bạn sẽ thấy mực giả thường có kích thước nhỏ hơn, đuôi mực dễ dàng bóc ra do được dính bằng keo dán.

Mực giả sẽ cho cảm giác đàn hồi, khi kéo ra thấy co dãn. Khi ngâm mực giả vào nước sẽ thấy hiện tượng lớp phấn trắng bên trên trôi tuột, sờ vào thân thấy nhớp. Ngoài ra, khi đốt, bạn sẽ thấy mực giả xoắn vào, bốc mùi khét khó chịu.

Thịt lợn giả thịt bò

Nguyên liệu làm giả thịt bò thường là thịt lợn sề, thịt trâu chết lâu ngày ngâm tẩm hóa chất. Thịt bò thật thường có màu hồng đậm hoặc đỏ au, trong khi đó thịt bò giả nhạt màu hơn. Thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt, thịt lợn sề có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục.

Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô, phần mỡ có màu trắng. Khi ấn nhẹ vào miếng thịt. Thịt bò thật sẽ dẻo, khô, ít tính đàn hồi, dính tay. Còn thịt bò giả, ấn tay vào thấy mềm, bở, không có cảm giác thịt dính vào tay.

Khi miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay; thái miếng, phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra. Ngoài ra, thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.

Cà phê

Cà phê giả thường được chế biến từ hạt me xay và bột rễ rau diếp. Uống phải cà phê giả dễ dẫn đến tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt. Để nhận biệt cà phê giả, bạn hãy rắc một lượng nhỏ bột cà phê lên mặt nước. Nếu là cà phê thật bột sẽ nổi, còn cà phê giả sẽ chìm xuống đáy và để lại một vệt màu.

Sữa

Công thức tạo nên sữa giả là nước lã và bột, thậm chí là bột phấn hay bột xà phòng, oxy già, urê. Uống nhầm sữa giả sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nôn mửa, ung thư và ảnh hưởng đến tim mạch. Trước khi uống sữa, bạn hãy nhỏ một giọt sữa lên mặt phẳng nghiêng. Nếu giọt sữa để lại vệt màu trắng thì là sữa nguyên chất còn không thì là sữa pha trộn. Khi đun nóng, nếu sữa chuyển sang màu vàng, vị đắng và vị xà phòng thì chắc chắn đã có hóa chất được trộn vào.

Trà

Một số người bán hàng tận dụng bã trà đã phơi khô và nhuộm màu thành chè mới để bán cho người tiêu dụng. Việc uống loại trà tái chế này khiến người dùng bị ngộ độc gan. Bạn hãy rắc một lượng nhỏ trà lên tờ giấy thấm nước. Nếu giấy chuyển màu vàng, cam hoặc đỏ, chắc chắn có sự xuất hiện của chất tạo màu trong trà.

Ớt bột

Thời gian gần đây có một số cơ sở sản xuất ớt bột sử dụng bột gạch và mạt cưa để làm ớt giả. Để nhận biết loại ớt bột giả này, bạn hãy đổ một thìa ớt bột vào cốc nước đầy. Ớt bột thật màu đỏ nhưng không hòa tan trong nước, còn bột ớt giả cho vào nước thì ngay lập tức nước sẽ biến thành một loại dung dịch màu đỏ do phẩm màu loang ra.

Hy vọng với một số mẹo nhỏ phân biệt thực phẩm giả trên sẽ giúp các bạn phần nào yên tâm hơn khi ăn uống. 

Đọc thêm