Bí mật ít biết về trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

(PLO) -  Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt trước kia có tên là Trường Lycée Yersin. Ngôi trường có nét kiến trúc Pháp độc đáo và diễm lệ nhất Đông Dương. Thế nhưng mấy ai biết rằng ngôi trường là chứng nhân của một sự kiện lịch sử có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam trong những giờ phút “nghìn cân treo sợi tóc”. Nơi đây vẫn còn in dấu ấn khó quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người con ưu tú của Phái đoàn Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa…

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Lycée Yersin).
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Lycée Yersin).
Đầu năm 1946, thực dân Pháp quay lại Đông Dương gây chiến với tham vọng cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, sau khi ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6/3, hai bên thống nhất tổ chức Hội nghị Đà Lạt để trù bị cho Hội nghị Fontainebleau (Pháp). Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có 13 thành viên do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Phái đoàn Pháp cũng có 13 thành viên do Max André và René Pignon dẫn đầu.
Đàm phán
9h sáng ngày 19/4/1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm phán về vận mệnh đất nước Việt Nam đã khai mạc tại Trường Lycée Yersin, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Sau hai bài diễn văn ngắn của 2 vị Trưởng đoàn, đại biểu Dương Bạch Mai đề nghị: Cần ra một tuyên bố chung về ý nguyện đình chiến để hội nghị được tiến hành trong không khí hoà bình. Max André ngỏ lời dè dặt, nhưng phía Việt Nam (VN) cũng chưa vội đấu tranh. Phó trưởng đoàn  VN – Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ yêu cầu Phái đoàn Pháp chuyển ý nguyện ấy lên Cao ủy D’Argenlieu. Phái đoàn Pháp tìm cách chối khéo, cho rằng họ cũng muốn có đình chiến trong toàn cõi VN, nhưng Phái đoàn Pháp bất lực về việc ấy, song sẽ cố gắng chuyển những ý nguyện của Phái đoàn VN lên Cao ủy D’Argenlieu. 
Sau đó, cuộc họp bàn đến việc thành lập các Ủy ban gồm: Chính trị, Quân sự, Kinh tế, Văn hoá, mỗi Ủy ban có một số đại biểu hoặc cố vấn do hai bên cử ra và một Chủ tịch để lần lượt chủ toạ các buổi họp.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay. 

Chiều 19/4, Uỷ ban Kinh tế - Tài chính nhóm họp. Tối hôm ấy Ủy ban Văn hoá cũng đã ngồi lại với nhau. Còn Ủy ban quan trọng nhất  là Ủy ban Chính trị thì họp phiên đầu tiên vào ngày 20/4,  do Messmer - đại biểu Phái đoàn Pháp làm chủ toạ ngồi cạnh Max André. Bên VN thì có GS Hoàng Xuân Hãn ngồi cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Riêng Trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam không tham dự, vì Phái đoàn VN đã bàn định: Trưởng đoàn chỉ tham dự các phiên họp toàn thể mà thôi.  
Gay cấn
Trong “Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt”, GS Hoàng Xuân Hãn kể lại như sau: “Mở đầu buổi họp, phía VN đã đề nghị 3 vấn đề lớn: 1/ Hợp nhất 3 “Kỳ”, kể cả khi đang có vấn đề xảy ra ở Nam bộ nhằm tạo một hoàn khí (climat) thuận lợi cho việc đàm phán. 2/ Liên lạc ngoại giao giữa VN và các nước ngoài. 3/ Quan hệ ngoại giao giữa VN và Liên hiệp Pháp. Chúng tôi đã cố ý gác vấn đề liên bang ra ngoài để tỏ rõ ý VN chỉ nhận một liên bang kinh tế mà thôi, do vậy nó không đáng để đem ra bàn  ở Uỷ ban Chính trị. 
Phái đoàn Pháp không chịu và đề nghị những vấn đề sau: 1/ Sự đại biểu ngoại giao của VN tại các nước ngoài (ý muốn nói VN có đại diện ở nước ngoài nhưng không có ngoại giao tự do). 2/ Điều lệ tương lai của Đông Dương. 3/  Tổ chức trưng cầu dân ý và vấn đề Liên hiệp Pháp.
Hai bên thảo luận rất găng để giữ đề nghị của mình: Vấn đề và thứ tự nêu ra. Phái đoàn VN  tranh thủ để được bàn về việc Nam bộ đầu tiên. Pháp nhất định không nghe và không nhận đem bàn vấn đề đình chiến mà cố nài để hai vấn đề Trưng cầu dân ý và Liên hiệp Pháp về cuối. Lý do là ở Pháp chưa có Hiến pháp để định đoạt thể thức Liên hiệp, vả lại Cao uỷ và thực dân pháp ở Nam bộ đang vận động mạnh để thành lập nước Nam Kỳ tự trị”.
Sau này cụ Phạm Khắc Hoè  - Tổng Thư ký Phái đoàn VN kể thêm: “Mở đầu buổi họp ta đòi hỏi ngay phải ghi vào chương trình nghị sự vấn đề đình chiến Nam bộ và vấn đề thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho việc đàm phán. Phía Pháp trả lời rằng những vấn đề ấy vượt quá thẩm quyền của hai Phái đoàn vì Hội nghị trù bị không phải là một Uỷ ban đình chiến. Sau một giờ tranh cãi, phía Pháp thấy đuối lý, xin nghỉ giải lao để họ bàn bạc nội bộ thêm với nhau. Trở lại  phòng họp, Pignon nói  phía Pháp đồng ý ghi vào chương trình nghị sự  với nội dung: “Thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho cuộc đàm phán, nhưng không đủ quyền xét vấn đề đình chiến ở Nam bộ”. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền đứng dậy đọc thật to điểm 3 của Hiệp định ngày 6 tháng 3 và nhấn mạnh từng chữ: “Hai bên phải có những biện pháp cần thiết để đình chỉ ngay lập tức những hành động thù địch”. Đồng thời, ông dõng dạc nói tiếp: “Như vậy là chúng ta không những có quyền  mà còn có nhiệm vụ tìm ra những biện pháp cụ thể đề nghị lên Chính phủ của hai bên để thực hiện đình chiến ngay lập tức”.
Lý lẽ sắc bén ấy đẩy phía Pháp vào thế lúng túng, nhưng họ vẫn có những luận điệu quanh co và cuối buổi họp họ đề nghị gác vấn đề lại”.
Phái đoàn VNDCCH và Phái đoàn Pháp tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946 ở Trường LycéeYersin.
Phái đoàn VNDCCH và Phái đoàn Pháp tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946 ở Trường LycéeYersin.  
9 giờ  sáng ngày 22/4,  Uỷ  ban  Chính  trị  họp phiên thứ hai. Messmer đại diện cho phía Pháp làm chủ toạ. Không khí có vẻ căng thẳng. Ngay từ đầu buổi họp, Phái đoàn VN lại một lần nữa đưa vấn đề đình chiến ra tiếp tục thảo luận, nhưng phía Pháp lại gạt phăng: “Chúng tôi không có quyền bàn vấn đề ấy” và nói thêm: “Vả lại, ở Nam kỳ  hiện không có chiến sự mà chỉ có những hoạt động cảnh sát mà thôi!”.
Đại biểu Phái đoàn Pháp vừa dứt lời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền đứng lên phát biểu: “ Nói không có chiến sự ở Nam kỳ là phủ nhận sự thật một cách trắng trợn! Các ông gọi đó là những hoạt động cảnh sát (opérations de police) tức là những hoạt động trừng trị bọn lưu manh, côn đồ để bảo vệ trật tự, thế là bộ đội chúng tôi bị coi như là lưu manh, côn đồ chỉ vì họ là những người chiến sĩ du kích, tinh thần bất khuất và có khi đôi chân không giày. Nói theo cách đó thì hoá ra hàng vạn du kích Pháp chống bọn xâm lược phát xít Đức cũng là lưu manh, côn đồ hay sao? Chúng tôi muốn hoà bình, nhưng là hoà bình trong tự do, công bằng và danh dự, chứ không phải hoà bình trong sỉ nhục và nô lệ. Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 nói rõ ràng là hai bên phải đình chiến. Cho nên “chúng tôi vẫn giữ yêu cầu hội nghị bàn ngay những biện pháp đình chiến, để đề nghị lên hai Chính phủ xét”.
Trước những lời phân tích có  lý, có tình  đó, một số đại biểu của Phái đoàn Pháp đã tỏ ra đồng tình và cảm kích với đề nghị của phía VN. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình khá căng, phía VN xin được dừng cuộc họp 1 tiếng đồng hồ. 
Trở lại phòng họp, Nguyễn Mạnh Tường đứng lên phân tích rõ rằng: Những lời đề nghị của Phái đoàn VN  là theo lời Hiệp định sơ bộ, rằng phía VN không yêu cầu hai Phái đoàn thi hành đình chiến, mà chỉ yêu cầu xét những phương sách đình chiến để đề nghị lên hai Chính phủ. Những ngày tiếp theo, không khí các cuộc họp diễn ra như thế nào, mời các bạn theo dõi kỳ tiếp theo…
Còn nữa...