Bí mật về cuộc sống của “thiên thần quảng cáo” số 1 phim Việt

Vừa là cha, vừa là quản lý của “thiên thần quảng cáo”Thanh Mỹ, anh Hóa tuy thương con hết mực nhưng cũng rất nghiêm khắc vì sợ con hư.
Bí mật về cuộc sống của “thiên thần quảng cáo” số 1 phim Việt
Bỏ túi 20 bộ phim lớn nhỏ và hàng chục quảng cáo khi chỉ mới 10 tuổi. Mặc dù thành công về mặt nghệ thuật nhưng gia đình của Lâm Thanh Mỹ luôn đề cao việc học tập và giáo dục cẩn thận cho con, để có nền tảng vững khi lớn lên. Cha của Thanh Mỹ - anh Lâm Văn Hóa, đã có những chia sẻ về công việc của mình phía sau thành công của cô con gái nhỏ.
- Là một người cha, anh nhận định tính cách con gái như thế nào?
Với tôi bé Mỹ ngoan và hiền lắm. Ở trường, cô giáo chủ nhiệm có nói với tôi bé rất ngoan. Cha mẹ của các bạn của Thanh Mỹ cũng rất thích bé. Tôi ấn tượng một chị kia khó tính lắm, không muốn con đi chơi với bạn bè khác nhưng lại yên tâm để con đi chơi với bé Mỹ nhà tôi. Tôi quan tâm lắm vấn đề này lắm, nhiều khi sợ vì nổi tiếng mà bạn bè ruồng bỏ bé thì tội con mình.   
- Vừa là cha, vừa là quản lý của bé Thanh Mỹ. Anh sắp xếp thời gian như thế nào để bé cân bằng thời gian cho học hành, công việc và cả vui chơi nữa?
Tất nhiên, tôi cũng có những nguyên tắc riêng. Ví dụ, khi vừa nhận phim xong thì không bao giờ tôi nhận tiếp phim thứ hai và đóng 2 phim cùng lúc. Hoặc vừa đóng xong phim này, tôi không nhận thêm một phim nào khác ngay lập tức mà để thời gian cho con học hành, vui chơi. 
Việc sắp xếp thực ra cũng đơn giản. Ví dụ như khi nhận đóng một bộ phim điện ảnh, bé xuất hiện chừng 20 phân đoạn. Tôi ước tính quay mất 5 – 7 tuần rồi xin họ quay vào thứ 7, Chủ nhật, phía tôi cũng hỗ trợ họ thêm một ngày vào thứ 2 hoặc thứ 6. Nếu quen biết càng dễ làm việc hơn. Về phía nhà trường thì tôi thông báo cho cô giáo chủ nhiệm rồi xin cô ôn bù để bé không bị mất kiến thức.
Hai cha con bé Thanh Mỹ trong một chương trình truyền hình.
Hai cha con bé Thanh Mỹ trong một chương trình truyền hình. 
- Giai đoạn chuyển giao từ “sao nhí” sang trưởng thành là thời điểm khá nhạy cảm. Anh chuẩn bị gì cho giai đoạn này?
Khoảng 2 năm trước, lúc bé Mỹ đóng phim Đoạt Hồn và bắt đầu có tên tuổi thì cũng là lúc tôi nói với bé rất nhiều. Tôi thường lưu những bài viết về các nhân vật trong showbiz, những sự vụ không hay và đưa cho bé xem. Tôi chỉ vào đó để bé biết đó là những thứ không hay, đồng thời nhắc nhở con không được học theo. Đặc biệt tôi luôn nhắc bé dù nổi tiếng cũng không được kiêu căng, tỏ ra ta đây và nếu bé có biểu hiện như thế tôi sẽ cho bé ngừng đóng phim ngay. Đó là điều chắc chắn.
Thứ hai, dù tôi hoàn toàn ủng hộ niềm đam mê của con nhưng nếu vì đóng phim mà bé sa sút học hành thì tôi cũng sẽ tạm gác lại công việc đóng phim để tập trung cho việc học.
Đến nay tôi cũng mừng vì bé vẫn học giỏi. Lúc đóng phim, bé Mỹ dường như do bản năng nên học thoại rất nhanh nên khi đi học, bé thường học thuộc bài một cách dễ dàng. Nhờ thường đọc kịch bản mà bé làm văn cũng tốt, thường được cô khen.      
- Nhiều sao nhí đã từ bỏ sự nghiệp trong quá khứ sau khi trưởng thành vì nhiều lý do: đánh mất thần thần thái tự nhiên, không thoát khỏi cái bóng của quá khứ, chán nản, nguội lạnh lửa nghề, không muốn tiếp tục sự nghiệp...
Gia đình, dòng họ tôi đó giờ chưa có ai đi theo ngành giải trí trong showbiz hết. Tôi với người bạn quản lý bé Mỹ cũng thường hay bàn về chuyện tương lai của bé. Chúng tôi có thống nhất quan điểm sau này bé không cần phải tham gia quá nhiều phim, lâu lâu xuất hiện cũng được và dành thời gian cho bé học tập nhiều thứ như học múa, hát, học võ, đi catwalk… để hỗ trợ cho niềm đam mê chính là đóng phim. 
Tôi không rành truyền thông nên chuyện này để bạn quản lý lo. Nói chung, chúng tôi định hướng bé theo hình tượng sạch chứ không phải lâu lâu tạo scandal cho nổi lên. Ngay cả khi bé không đi theo phim ảnh, người ta vẫn biết đến Thanh Mỹ như một cái tên sạch.
- Theo anh, để bé tiếp xúc với công nghệ khi mới 10 tuổi liệu có phải quá sớm? Anh không sợ việc cho bé tiếp cận thông tin mạng sẽ gây tác dụng ngược à?
Không đâu, bé Mỹ dù hay lên mạng nhưng hiếm khi kiếm thông tin coi lắm. Thường tôi phải lưu về những bài viết điều hay lẽ phải cho bé đọc. Thực ra bé chỉ mới dùng máy vi tính năm nay thôi, chủ yếu mở xem hài và gameshow. Từ hè tới giờ, tôi không nhận phim, thay vào đó tôi nhận các gameshow cho bé Mỹ được vui chơi, học tập.
Anh Hóa và bé Thanh Mỹ tại LHP Việt Nam lần thứ 19
Anh Hóa và bé Thanh Mỹ tại LHP Việt Nam lần thứ 19 
- Anh chọn phim, quảng cáo cho bé tham gia theo tiêu chí gì? Có bao nhiêu bộ phim/hợp đồng quảng cáo đã bị anh từ chối do vi phạm tiêu chí trên?
Thông thường, tôi không nhắm theo tiêu chí nhất định nào cả. Tôi chỉ xem nếu phim hoặc quảng cáo không phản cảm với bé thì tôi đồng ý. Còn thế nào là phản cảm? Ví dụ như vai yêu đương, đồng tính… sẽ rất kỳ vì bé Mỹ vẫn còn nhỏ. Thường thì lời mời đóng phim đến từ người trong giới toàn quen biết cả nên tôi không dám từ chối. Tôi sợ mình kén chọn sẽ mang tiếng chảnh cũng khó cho tôi. 
Khi nhận lời mời, dù là vai khách mời, tôi cũng chọn vai sao cho bé Mỹ có cái gì đó nổi bật, có thể là lời thoại hoặc vai trò gì đó liên kết với nhân vật chính. Còn với hợp đồng quảng cáo, những việc giá cả, PR, đăng Facebook… tôi hoàn toàn không can thiệp mà để cho anh bạn quản lý làm, còn tôi lo sắp xếp thời gian cho bé.
- Anh từng nói với bé rằng: “Nếu con không đạt học sinh giỏi thì con sẽ không được tham gia bất kỳ một bộ phim nào nữa”. Liệu đây có phải là yêu cầu quá khắt khe không khi danh hiệu “học sinh giỏi” không phải là thước đo duy nhất đánh giá năng lực học tập?
Theo tôi việc đạt học sinh giỏi ở cấp 1 rất dễ nên nếu con không đạt được tức là bé đã học xuống dốc. Bạn cũng thấy ở cấp tiểu học, một lớp có 40 học sinh thì chắc hết 38, 39 em đạt giỏi, còn lại là khá và hầu như không có em nào học lực trung bình. 
Chương trình học khi lên cấp 2 khó hơn nhiều. Nên tôi nghĩ nếu con có học hành sa sút, chểnh mảng thì chỉ có lý do là đi đóng phim, nghỉ học nên không theo kịp chương trình. Thế thì, tôi buộc tôi phải ngưng việc kiếm tiền để bé tập trung học cho giỏi lại. Tôi muốn bé Mỹ lên cấp 2 sẽ theo học trường chuyên, có điều chưa biết trường nào thôi.
- Làm cha đã khó, làm cha của diễn viên nhí lại càng khó hơn. Anh chủ trương dạy con như thế nào? 
Tôi chưa từng tham khảo qua cách dạy con ở đâu cả, chỉ dạy con theo cách mà ngày xưa tôi dạy các em do bà nội bé Mỹ truyền lại thôi. Vì hồi xưa gia đình tôi là người Hoa, tôi lại là con trai trưởng nên được cha mẹ giao cho nhiệm vụ giáo huấn các em. Có những điều mẹ hay nói với tôi là dạy em, dạy con phải hết sức hạn chế việc đánh hoặc chửi, mà có đánh đòn hoặc rầy la cũng phải nói rõ lý do. 
Ở nhà, bé Mỹ sợ mẹ nhất. Mẹ nó không cần đánh đòn đâu, chỉ cầm roi gõ nhẹ lên cầu thang là hai bé ngoan ngoãn vâng lời ngay. Còn tôi phải giận lắm mới đánh con thôi chứ bình thường tôi chọn cách nói, khuyên con hoặc áp dụng biện pháp xử phạt khi con không nghe lời. Từ nhỏ tới giờ, tôi đánh đòn bé Mỹ nhiều nhất là 2 lần nhưng chuyện qua lâu rồi nên tôi cũng không nhớ rõ.
- Một vài kế hoạch công việc trong tương lai gần của bé Thanh Mỹ?
Thời gian sắp tới, bé Mỹ sẽ đi quay một quảng cáo. Từ hè đến giờ, tôi chỉ nhận đóng quảng cáo, gameshow cho con, mặc dù có lời mời đóng phim nhưng tôi không nhận vì không sắp xếp được lịch học cho bé. Mới đây, tôi cũng vừa từ chối một lời mời đóng MV vì phải ra tận Đà Lạt để quay trong mấy ngày liên tục. Qua Tết, bé Mỹ có tham gia một dự án phim điện ảnh, đến nay thông tin vẫn được giữ bí mật.

Đọc thêm