Nghĩa địa chật chội ở thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới

(PLO) - Nhiều gia đình phải chờ tới sáu năm để chính quyền cấp cho một hốc đặt bình tro. 
Nghĩa địa chật chội ở thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới
5 vạn người chết mỗi năm chôn ở đâu?
Câu chuyện bắt đầu với ông Chui Yuen Sing, một vị giáo sư Hồng Kông đã nghỉ hưu. Sau khi mẹ ông qua đời và được hỏa táng vào tháng 04/2015, ông Chui đang cất tạm bình tro của mẹ trong lúc chờ tìm được một nơi an nghỉ cuối cùng cho bà. Ông sẵn sàng chờ tới 18 tháng để có được một hốc nhỏ trong khu nhà tưởng niệm.
Ông cũng cân nhắc mang bình tro của mẹ vào lục địa, nơi bình tro cha của ông đã được cất giữ, trong trường hợp không tìm được chỗ. Nếu không, vị giáo sư đại học cũng phải tính tới việc “rải tro của bà ở công viên. Nhưng nếu làm như vậy, tôi sẽ không được yên lòng. Người Trung Quốc quan niệm rằng chỉ có thể tìm được bình an khi được chôn cất trong lòng đất”.
Những lựa chọn của ông Chui phản ánh “cuộc chiến” lâu dài để có thể dung hòa được chỗ ở cho người chết và người sống tại Hồng Kông. Thành phố với hơn 7,2 triệu dân này đang vấp phải sự xung đột giữa một bên là các khu vực bị cấm xây dựng cùng với giá bất động sản “cao ngất ngưởng” và một bên là truyền thống tảo mộ, thắp hương vong hồn gia tiên vào những dịp lễ tết.
Tình trạng lão hóa trong xã hội Hồng Kông kéo theo nhức nhối về vấn đề đất an táng. Theo dự tính của chính quyền, số người cao tuổi sẽ tăng từ 15% dân số vào năm 2014 lên gần 25% vào năm 2024. Số người chết cũng tăng hàng năm, từ 42.700 người vào năm 2010 lên tới 50.300 vào khoảng cuối thập kỷ này.
Ngay thập niên 1960, chính quyền thuộc địa Anh đã bắt đầu khuyến khích hỏa táng để giảm bớt tình trạng thiếu chỗ chôn cất tại các nghĩa trang. Hiện nay, tỷ lệ hỏa táng đã chiếm khoảng 90%. Để có chỗ quàn bình tro người chết, chính quyền đã xây dựng rất nhiều khu nhà, giống như “chuồng bồ câu”, với hàng chục nghìn hốc chứa, cùng với các lò đốt tiền giấy hay các dịch vụ khác.
Nghĩa địa cao tầng
 Nghĩa địa cao tầng
Thế nhưng, hiện Hồng Kông đang bị quá tải về lượng “cầu”. Ông Lam Wai Lung, Chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp tang lễ, cho biết: “Chính quyền thành phố cố gắng khuyến khích các địa phương xây dựng thêm một số công trình như vậy, song vấp phải sự phản đối. Khi chính quyền thăm dò ý kiến công luận, người dân ở các quận đều phản đối việc xây dựng các công trình như vậy tại khu vực họ sống”. Một lý do khác là với những nhà tưởng niệm như vậy sẽ có rất nhiều người tới thăm viếng vào các dịp lễ tết, gây cản trở giao thông và ô nhiễm không khí do hoá vàng mã.
Nghĩa địa thời hiện đại
Nhiều gia đình phải chờ tới sáu năm để chính quyền cấp cho một hốc đặt bình tro. Do không chờ lâu được như vậy, một số người chuyển sang sử dụng dịch vụ của một số nhà cung cấp tư nhân, hiện có khoảng 120 nhà, song lại bị coi là bất hợp pháp. Hơn nữa, các cơ sở tư nhân thường đưa giá quá đắt, như tại một ngôi đền, giá có thể dao động từ 73.000 - 890.000 đô la HK (200 triệu đến 2,4 tỉ VNĐ).
Tháng 12/2015, cơ quan chức năng thông báo là Hồng Kông còn phải đối mặt với trình trạng “thiếu hụt” nhà chứa bình tro trong ba năm tới vì dự án bị trì hoãn. Chính quyền cũng đang lên kế hoạch phối hợp với các nhà cung cấp tư nhân bằng một đạo luật mới, dự kiến có hiệu lực vào năm 2016, với mục đích quản lý tốt hơn lĩnh vực tư nhân, thường bị đánh giá là vi phạm luật sử dụng đất đai hay các quy tắc về an toàn.
Một số doanh nghiệp lớn đã nhanh chóng phát hiện ra cơ hội để hiện đại hoá thị trường vẫn đang bị các nhà khai thác nhỏ và lỗi thời chi phối. Ông Francis Neoton Cheung, một cựu cán bộ quy hoạch đô thị hiện là Chủ tịch Tập đoàn Văn hóa Đời sống (Life Culture Group), thông báo “sẽ có một thế hệ nhà quàn bình tro cao cấp ra đời”, do tập đoàn của ông tham gia đầu tư. Công ty Kerry Logistics, một doanh nghiệp đối tác với ông Cheung, đưa ra đề xuất biến 15 kho cảng thành những “nhà bồ câu” hiện đại.
Nghĩa địa bình tro
Nghĩa địa bình tro 
Dự án 2 tỉ đô la Hồng Kông với khoảng 82.000 ô chứa sẽ được mở bằng thẻ thông minh và màn hình video chiếu hình ảnh và phim về người quá cố. Ngoài ra còn có hệ thống lọc khí công nghệ cao để giảm ô nhiễm do đốt vàng mã. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa chắc chắn sẽ thực hiện được dự án này vì bị người dân địa phương phản đối.
Ông Chui nằm trong danh sách 9.480 người chờ chỗ, trong khi đó chỉ có 3.256 hốc do Ban Quản lý Nghĩa trang Trung Quốc (Board of Management of Chinese Permanent Cemeteries), một công ty tư nhân, cung cấp vào tháng 10 vừa qua. Cuối cùng, ông đã gặp may khi nhận được một hốc gia đình. Ông dự định mang bình tro của người cha từ đại lục về yên nghỉ bên cạnh mẹ ông. Cuối cùng họ lại được ở bên nhau trọn đời suốt kiếp.
Cấy hài cốt vào ngọc bích 
Ngay từ năm 2007, trước thực trạng thiếu nhà quàn bình tro, chính quyền Hồng Kông chuyển sang phát động chiến dịch an táng “xanh” bằng cách rải tro trên biển hay tại 11 khu vườn tưởng niệm. Thế nhưng, phương pháp này lại mâu thuẫn với truyền thống Trung Quốc cho rằng người chết phải được chôn cất ở một nơi tốt lành trên một sườn núi hay gần biển để phù hộ cho gia đình.
Chính phủ Hồng Kông đã nỗ lực để thay đổi tập tục này bằng các video mang tính giáo dục và các buổi nói chuyện tại nhà dưỡng lão. Họ cũng lập một website tưởng niệm mà các gia đình có thể đăng ảnh hay video về người quá cố và gửi đồ phúng viếng ảo, như mận ảo hay thịt heo quay ảo. Thế nhưng, kết quả của nghi lễ an táng “xanh” vẫn còn rất hạn chế: năm 2005 chỉ có khoảng vài chục lễ, còn năm 2014 có 3.553 lễ.
Ngoài giải pháp “xanh”, một số công ty tại Hồng Kông còn đưa ra nhiều giải pháp “có một không hai” trong vài năm trở lại đây. Như công ty Sage Funeral Services, từ ba năm nay, kết hợp với một phòng thí nghiệm Hàn Quốc cấy tro vào ngọc bích bằng nhiệt độ siêu cao.
Cô Betsy Ma, Giám đốc thương mại của công ty, thổ lộ: “Năm đầu tiên mọi người đều cho là tôi bị điên”. Bản thân cô cũng cho cấy tro của cha mẹ mình vào ngọc trên đồ trang sức hoa tai và vòng cổ. Cô kể rằng rất nhiều người Trung Quốc tin là đeo đồ trang sức chứa tro cốt sẽ thu hút ma quỷ về nhà. Thế nhưng, vào năm ngoái, cách thức đã trở nên khá phổ biến.