Bí mật về 'Phòng hỏa trường thành' – dự án bảo vệ mạng của Trung Quốc

(PLVN) - Phòng hỏa trường thành là một nỗ lực chung của các cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc và các công ty viễn thông nhằm thực thi các quy định trong lĩnh vực không gian mạng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiến dịch “Phòng Hỏa Trường Thành” 

Năm 1994, internet bắt đầu được đưa vào Trung Quốc. Tuy nhiên, khi internet ngày càng phát triển, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng bắt đầu nhận thấy những hạn chế, bất cập tiềm ẩn. Điều này được thể hiện qua câu nói của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Khi anh mở cửa để đón nhận không khí trong lành thì những con ruồi cũng bay vào theo”. 

Vì vậy, năm 1998, Dự án Lá chắn vàng, hay còn được biết đến với tên Dự án thông tin công tác an ninh công cộng được khởi xướng nhằm tăng cường an ninh mạng của Trung Quốc, bảo vệ người dân của nước nước này khỏi những vụ tấn công và các hành vi phạm pháp trên không gian mạng.

Một số công ty nước ngoài như Nortel Networks và Cisco Systems đã được thuê để giám sát việc phát triển các dự án nhỏ trong khuôn khổ Dự án Lá chắn vàng. Cụ thể, các công ty này cung cấp những phần cứng và phần mềm cần thiết để xây dựng hệ thống mạng lưới an ninh mạng lớn nhất thế giới hiện nay.

Trong khuôn khổ Dự án Lá chắn vàng, một số dự án nhỏ khác cũng đã được thành lập, trong đó có dự án hệ thống thông tin quản lý an ninh, hệ thống quản lý thông tin tội phạm và một dự án rất được chú ý là Phòng hỏa trường thành - The Great Firewall. 

Thuật ngữ này do ông Geremie R. Barmé - một nhà tội phạm học, nhà làm phim người Australia về Trung Quốc hiện đại và truyền thống – đặt ra, lấy cảm hứng từ Vạn Lý Trường Thành (The Great Wall) của Trung Quốc. 

Các nhà phân tích cho biết, Phòng hỏa trường thành hoạt động bằng cách dựa trên sự kết hợp giữa tự động và thủ công. Theo đó, dự án này trưng dụng những công nghệ tiên tiến của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, các kỹ thuật phân loại máy tính tiêu chuẩn và cả lực lượng nhân lực lao động thủ công để thực thi việc kiểm duyệt, cấm các trang web không được hoạt động tại Trung Quốc đồng thời buộc các trang web tìm kiếm phải lọc bỏ các nội dung xấu, độc.

Điều quan trọng là dù về cơ bản cấp phép cho tất cả các phương tiện truyền thông nhưng giới chức Trung Quốc yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm với các nội dung trên trang web của họ, bao gồm cả các nội dung do người sử dụng các trang đó đăng tải như một hình thức khuyến khích tự kiểm duyệt. Cùng với đó, các công ty nước ngoài muốn hoạt động ở Trung Quốc cũng buộc phải thực thi các quy định của nước này. 

Với hơn 1 nửa trong số 1,4 tỉ dân của nước này đang sử dụng internet, Trung Quốc cho rằng những hạn chế về sử dụng mạng ở nước này là cần thiết nhằm bảo vệ trật tự xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia. Những người ủng hộ việc này dẫn những lo ngại về các luồng tin xấu, độc trên các trang mạng như Google và Facebook là lý do để nhà nước cần đóng vai trò tích cực trong việc kiểm duyệt mạng. 

Theo một số thông tin, hàng nghìn trang web đồi trụy đã bị khóa sau khi Phòng hỏa trường thành của Trung Quốc được triển khai. Nhiều trang web khác như YouTube, Flickr hay Wikipedia cũng bị kiểm soát mạnh. Facebook bị chặn tại Trung Quốc từ năm 2009 và gần như tất cả các dịch vụ của Google đã không thể truy cập được từ 2014.

Theo một số ý kiến, việc Trung Quốc đóng cửa Internet với thế giới không tránh khỏi những hạn chế nhất định, nhưng không phải là không có mặt tốt. Việc này khiến người dân Trung Quốc không bị lệ thuộc vào các dịch vụ Internet của thế giới.

Trong trường hợp bị mất toàn bộ kết nối với mạng Internet toàn cầu, hệ thống mạng Internet trong phạm vi Trung Quốc vẫn hoạt động độc lập và người dùng vẫn có thể sử dụng các dịch vụ đặt máy chủ tại Trung Quốc để làm việc và liên lạc với nhau bình thường.

Các công ty trong nước phát triển mạnh

Ngoài ra, việc kiểm soát internet ở Trung Quốc cũng khiến các sản phẩm và dịch vụ Internet nội địa của nước này có cơ hội phát triển lớn mạnh. Người Trung Quốc nhắn tin bằng WeChat và Laiwang, dùng ứng dụng kết bạn riêng với tên gọi Momo thay thế cho Snapchat. 

Thay thế Facebook, họ có Weibo, Renren và nhiều mạng nhỏ lẻ khác cho từng nhóm người dùng. Nhiều trang chia sẻ video như Youku, PPTV, Sohu Video hay iQiyi của Trung Quốc cũng đã phát triển mạnh trong thời gian qua. 

Thay thế cho các dịch vụ Google, người dùng tại Trung Quốc có công cụ tìm kiếm nội địa là Baidu còn QQ được đưa vào sử dụng nhằm khỏa lấp chỗ trống của Google Mail. Gần như mọi dịch vụ quốc tế hiện nay đều có một phiên bản Trung Quốc do chính các công ty của nước này tạo ra. “Việc chặn các trang nước ngoài khiến người dùng Trung Quốc phải chuyển qua các dịch vụ trong nước”, một nhà phân tích cho hay. 

Trên thực tế, ngay cả khi các đạo luật ở Trung Quốc được nới lỏng, thị trường ở nước này cũng không dễ dàng cho các công ty nước ngoài. Một số công ty đã không cạnh tranh được với trang QQ, vốn đã quá phổ biến ở Trung Quốc. Bí mật danh tính cũng là điều quan trọng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Thống kê từ Statista năm 2016 cho thấy vẫn còn 61% người dùng Trung Quốc ẩn danh trên mạng, trái với chính sách của Facebook. WhatsApp, ứng dụng do Facebook mua lại với giá 19 tỷ USD đang là dịch vụ được “mở cửa” tại Trung Quốc, nhưng cũng không cạnh tranh nổi với ứng dụng mạng xã hội đa năng WeChat. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc cũng đang trở thành những “ông lớn” trên thị trường toàn cầu. Alibaba đang được dự báo sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Amazon về quy mô chỉ trong vài năm tới.

Alibaba, Tencent và các công ty khác được cho là sẽ có lợi thế trong việc nâng cao vị trí trên thị trường quốc tế bằng chính kinh nghiệm trong việc kiểm duyệt nội dung tại Trung Quốc để cạnh tranh. Các hoạt động kiểm duyệt cũng có thể giúp các công ty này sớm đạt được mục tiêu trở thành những doanh nghiệp đi đầu về trí tuệ nhân tạo.

Tuy vậy, thị trường hơn 1,4 tỉ dân với khoảng nửa chưa tham gia Internet vẫn quá lớn, không dễ để bỏ qua. Do vậy, Facebook, Google, Apple và nhiều công ty công nghệ khác vẫn đang cố gắng thâm nhập thị trường sau nhiều năm bỏ lửng. Các công ty phương Tây đang có nhiều động thái cả “cứng” lẫn “mềm” để thâm nhập thị trường Trung Quốc. 

Tháng 3/2016, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã chạy bộ tại quảng trường Thiên An Môn để vận động hành lang cho phép mở cửa trở lại Facebook tại Trung Quốc sau khi bị cấm vào năm 2009.

Zuckerberg cũng đã có nhiều cuộc gặp với nhà chức trách Trung Quốc nhằm tìm giải pháp để thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi Facebook được phép mở công ty con ở Trung Quốc vào cuối tháng 7/2018, chính phủ Trung Quốc đã lại rút giấy phép kinh doanh đối với mạng xã hội này.

LinkedIn - trang cộng đồng tìm việc lớn nhất thế giới – cũng đã có nhiều động thái nhằm lấy lòng tin từ chính quyền Trung Quốc bằng cách xóa những nội dung được cho là “nhạy cảm”.

Hãng Apple trong khi bác yêu cầu của Chính phủ Mỹ về việc lập các cửa hậu tiếp cận các sản phẩm được bảo vệ bằng mật khẩu ở Mỹ đã xóa các ứng dụng và xây dựng các trung tâm cơ sở dữ liệu tại Trung Quốc theo yêu cầu của Chính phủ nước này. 

Có thể, trong thời gian tới, những tên tuổi nước ngoài sẽ tiến dần vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc nhưng ở thời điểm hiện tại, sân chơi đó vẫn chỉ dành cho các tên tuổi nội địa. Trung Quốc dù đang là một “ốc đảo” của thế giới công nghệ nhưng vẫn đang đủ sức tự lực cánh sinh. 

Đọc thêm