Độc đáo phương pháp dùng kiến chữa mụn cóc không để lại vết thẹo
Buổi sáng, đất trời xứ Huế chìm đắm trong những cơn mưa mịt mùng sau ngày bão dữ. Hỏi đường đến nhà ông Lê Văn Chạy, một người dân sau khi nhiệt tình chỉ lối đi, người này lại tò mò hỏi khách: “Mấy cô tìm ông Chạy nhờ chữa mụn cóc à?. Ông ấy chữa hay lắm, lại không lấy tiền bạc gì. Trước giờ ông chỉ chữa giúp cho người ta thôi, không để lại thẹo”.
Men theo con đường làng dọc thượng nguồn sông Hương, hỏi thăm vài ba người nữa, ai nấy đều xác nhận thông tin trên. Ông Chạy nở nụ cười niềm nở phân bua: “Phương thuốc gì chứ, đó chỉ là mẹo chữa bệnh trong dân gian”. Trình bày về phương pháp “mẹo” chữa mụn cóc, ông Chạy vui vẻ cho biết cách thức tiến hành cực kì đơn giản. Theo đó chỉ cần dùng một con kiến thôi. Khi thấy khách mắt tròn mắt dẹt nghi ngờ, ông từ tốn giải thích. Loại kiến dùng để chữa bệnh là loại kiến vàng, chuyên làm tổ trên lá cây. Thân kiến dài, bụng mọng nước trong. Dân gian gọi là kiến Don.
Loài kiến này thích nơi ẩm thấp, thường sống nhiều trên các tán lá của cây nhãn hoặc trong các rừng cây cao su. Ông Chạy cho biết, những người đi làm trong rừng thường dùng loại kiến này để nấu canh. Vì kiến có vị chua nên thường được dùng nấu canh chua: “Kiến này làm tổ trên lá. Khi nấu canh, chỉ cần bắc nồi nước sôi lên, sau đó cành cây có tổ kiến và rung trên nồi canh để kiến rớt hết vào nồi là được”, ông Chạy chỉ thêm cách thức chế biến món ăn từ loài kiến có tác dụng chữa bệnh.
Cách thức sử dụng kiến Don chữa mụn cóc được ông lang vườn chỉ dẫn như sau: Trước tiên cần sát trùng vị trí mụn cóc kĩ lưỡng bằng nước muối hoặc các loại chất dịch sát khuẩn. Tiếp đó dùng cây kim đã sát trùng chích mạnh vào cục mụn cóc cho máu chảy ra. “Khi vết thương đã phơi miệng, ta dùng chất dịch màu trắng chiết từ bụng kiến bôi vào vết thương. Lúc này, máu ở cục mụn cóc sẽ chuyển dần từ màu đỏ sang màu tím rồi chuyển hẳn qua màu đen. Dùng bông lau sạch hết vết máu là được”, ông Chạy hướng dẫn.
Thầy lang vườn cũng lưu ý, khi nhỏ chất dịch màu trắng ở bụng kiến lên mụn cóc sẽ gây cảm giác rát đau nhưng chừng ít phút sẽ hết nhức đau ngay. Vài ngày sau khi làm thuốc, mụn cóc sẽ tự teo khô và rụng. Đặc biệt hoàn toàn không để lại vết thẹo nào.
|
Ông Lê Văn Chạy, người có khả năng chữa bệnh mụn cóc chỉ bằng con kiến Don. |
Rồi bà lại chìa bàn tay ra so sánh: “Ở tay tôi hồi trước có nhiều mụn cóc lắm, càng ngày càng to. May nhờ ông Chạy chữa giúp mới hết, không để lại vết sẹo nào”. Theo ông Chạy, mụn cóc chủ yếu gây mất thẩm mỹ nên đôi khi cũng khiến chủ nhân chủ quan. Tuy nhiên nếu mụn cóc ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khoẻ người bệnh. “Lát nữa trời tạnh mưa tôi dẫn cô đi tìm con kiến Don, bệnh này dùng nó trị là hiệu quả nhất chứ đi bệnh viện phẫu thuật làm gì, vừa mất tiền nhưng đôi khi lại không khỏi vì “cồi” mụn cóc mọc sâu lắm”, ông Chạy chia sẻ.
Vị “thầy thuốc bất đắc dĩ” thật thà thú nhận mình không thể giải thích tại sao chất dịch trong bụng kiến Don lại có thể chữa lành mụn cóc. Ông suy luận nhiều khả năng chất độc chứa trong bụng kiến Don “khắc chế” được độc tố gây mụn cóc nên bệnh mới khỏi. Ông mộc mạc nói rằng bản thân được người khác bày vẽ rồi cứ thế làm theo, thấy hiệu quả nên bày vẽ tiếp cho những người khác. Cũng vì do trên mà ở thôn La Khê Trẹm, ngoài ông Chạy có rất nhiều người dân khác biết rõ phương pháp “mẹo” chữa mụn cóc. “Ông Chạy chính là người đã dạy chúng tôi cách chữa. Nhờ ông mà cả thôn biết thêm cách chữa bệnh độc đáo, lạ lùng nhưng công hiệu cao”, một người dân hồ hởi nói.
Tình cờ học được bài thuốc hay từ người lạ
Chia sẻ về nguồn gốc “mẹo” chữa bệnh mụn cóc, ông lang vườn Lê Văn Chạy kể lại, hồi thanh niên, ông từng bôn ba vào Nam làm ăn. Trong một chuyến về quê tình cờ gặp vị khách đi cùng xe ngồi cạnh bên. “Hồi ấy chân cẳng tui không biết sao lại nổi rất nhiều mụn cóc, chữa cách gì cũng không khỏi. Chủ yếu chữa bằng các phương pháp dân gian thôi chứ làm gì có tiểu phẫu hay đốt điện như bây giờ. Người khách đó nhìn thấy liền bảo tôi sao không chữa trị mà để lại nhìn ghê lắm. Tui thú thực nếu chữa được thì đã chữa rồi, chứ ai giữ lại làm chi”, ông Chạy kể lại cơ duyên học được mẹo chữa bệnh lạ kì.
Cũng trên chặng đường đó, vị khách đồng hành chỉ dẫn ông Chạy cách thức chữa trị mụn cóc mà ông đang lưu giữ tới hiện tại. Đến khi về tới nhà, ông Chạy hồi hộp thử nghiệm, không ngờ lành thật. Tiếp đó để “thí nghiệm” phương thuốc hay đến mức nào, hễ trong xóm ai có mụn cóc, ông Chạy đều chữa giúp miễn phí.
Càng về sau tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh thành khác cũng tìm đến nhờ “ông thầy lang bất đắc dĩ” ra tay cứu chữa. “Toàn là người quen trong làng trong xã cả, giúp nhau là chính chứ có phải làm nghề đâu mà lấy tiền. Người ta đến đây tôi chỉ bày cho cách chữa rồi về nhà tự làm lấy”, ông Chạy trải lòng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, mụn cóc là những khối u nhỏ lành tính, bề mặt sần sùi, gây ra bởi vi rút có tên HPV (Human Papilloma Virus). Vi rút HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Mụn cóc có thể mọc ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Nếu để lâu, mụn cóc sẽ to thêm hoặc lây lan sang các vị trí khác. Ngoài việc gây mất thẩm mỹ, mụn cóc còn gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày khi mọc ở những vị trí như gót chân, đầu ngón chân cái tạo cảm giác vướng cộm rất khó chịu khi đi lại. Mụn cóc mọc quanh móng chân có thể làm nứt nẻ và đau. Từ lâu trong dân gian cũng có rất nhiều phương pháp chữa mụn cóc. Tuy nhiên vẫn chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hoàn toàn bởi nhiều người áp dụng nhưng không mang kết quả. Các bác sĩ da liễu khuyên người bệnh có thể đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ khám và tư vấn cách điều trị hợp lý.