Gương sáng Pháp luật

Bí quyết trong cuốn nhật ký của nữ hoà giải viên 10 năm chưa từng thất bại

(PLVN) -Hơn 10 năm trên cương vị Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 2 Mê Linh, phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, bà Đồng Thị Thanh Hòa (SN 1955) đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải thành công 100% vụ việc, không phải hòa giải lại. Bà Hòa vinh dự được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở.
Bà Đồng Thị Thanh Hòa, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 2 Mê Linh, phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Bà Đồng Thị Thanh Hòa, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 2 Mê Linh, phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Lập nhật ký giải quyết vụ việc trong cộng đồng

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo viên, bà Đồng Thị Thanh Hòa nghỉ hưu năm 2011. Ban đầu bà Hòa về tham gia phong trào của khu dân cư với vai trò Chi hội trưởng chi hội phụ nữ. Năm 2013, bà Hòa được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố kiêm tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 2 Mê Linh. Đến nay gắn bó với công tác hòa giải đã hơn 10 năm nhưng khi được hỏi về những vụ hòa giải thành công bà Hòa chỉ cười và cho rằng mình không làm được việc gì to tát.

“Từ khi làm công tác hòa giải, tôi có cuốn nhật ký giải quyết vụ việc trong cộng đồng, phát động phong trào địa chỉ tin cậy để người dân khi gặp bất kỳ khó khăn, bất cập gì có thể gọi điện cho hoà giải viên cơ sở. Hàng ngày khi tiếp nhận những phản ánh của người dân, tôi đều ghi lại, những việc nào quan trọng ưu tiên làm trước như những mâu thuẫn gia đình, hàng xóm bởi nếu giải quyết không nhanh sẽ dễ gây hệ quả không tốt. Có những ngày tôi tiếp nhận và giải quyết 5 đến 6 sự việc. Tuy vất vả nhưng tôi lại thấy vui vì được người dân tin tưởng”, bà Hòa chia sẻ.

Vụ hòa giải đầu tiên bà Hoà giải quyết là mâu thuẫn giữa hai gia đình hàng xóm về lối đi chung, có một hộ dân thường mang hạt cà phê ra phơi dẫn đến lời qua tiếng lại. Bà Hòa đã đến gặp từng thành viên của hai gia đình, giảng giải như những người thân trong gia đình. “Tôi gặp từng bên làm công tác tư tưởng. Tôi nói nhà không có sân, họ thu hoạch cà phê về mà không phơi thì hỏng hết, mọi người đều ở nơi xa đến vùng đất mới mưu sinh, có duyên gặp nhau mới làm hàng xóm, mỗi người nhường nhịn, giúp nhau một chút. Kiên trì 3 tháng vận động, hòa giải hai gia đình mới hết mâu thuẫn”, bà Hòa kể lại.

Cuốn nhật ký ghi lại tiến trình hòa giải các vụ việc trong cộng đồng của bà Đồng Thị Thanh Hòa

Cuốn nhật ký ghi lại tiến trình hòa giải các vụ việc trong cộng đồng của bà Đồng Thị Thanh Hòa

Hay như có trường hợp tranh chấp hàng rào giữa 2 gia đình hàng xóm kéo hơn chục năm không giải quyết được. Sau khi nắm bắt sự việc, bà Hòa đã đến gặp từng gia đình lắng nghe ý kiến từng bên và thống nhất giải pháp là gia đình đang sử dụng hàng rào sẽ trả lại đất cho hàng xóm, người được trả đất bỏ chi phí xây lại hàng rào mới bởi sự việc do lịch sử để lại. Cả hai gia đình đồng ý hoà giải, lúc này bà Hòa mới thở phào nhẹ nhõm.

Trong vai trò hoà giải viên cơ sở, với những thành tích nổi bật, bà Đồng Thị Thanh Hòa 3 năm liền 2020, 2021, 2022 được Chủ tịch UBND Phường 9, TP Đà Lạt tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác Hòa giải ở cơ sở. Năm 2023, bà được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp do có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Theo nữ Tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở tổ dân phố 2 Mê Linh, kinh nghiệm của bản thân khi giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trước tiên bản thân mình phải gương mẫu, tận tụy với công việc mới làm được. Bà Hòa cho rằng bản thân làm công tác hòa giải được thuận lợi cũng do may mắn được sự thông cảm từ chồng và con; nhiều khi đang ăn cơm hoặc giữa đêm hôm có người gọi điện bà đều nhanh chóng tới nắm bắt sự việc: “Đã chọn công việc này mình phải chấp nhận hy sinh, nếu chồng con không thấu hiểu rất khó làm việc. Làm hoà giải viên phải đến nơi đến chốn, làm với cái tâm của mình thì mọi việc mới thành công”, bà nói.

Được hỏi về “bí quyết” nào để hòa giải thành công, bà Hòa chỉ cười và nói “Tôi coi họ như người trong nhà và cho lời khuyên như người nhà mình chứ không phải với cương vị một người tổ trưởng. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận sự việc, tôi sẽ nói chuyện riêng, thủ thỉ phân tích bên tình, bên lý chứ không áp đặt cứng nhắc quan điểm hay quy định. Việc hòa giải này cũng như làm dâu trăm họ nhưng làm sao để họ nào cũng yên là mình vui rồi”.

Không ngừng học hỏi, cập nhật quy định pháp luật

Từ chỗ chỉ quản lý khoảng 70 hộ, đến nay tổ dân phố 2 Mê Linh đã lên tới 300 hộ với 1.500 nhân khẩu, chưa tính số người tạm trú nên công việc của bà Hòa gặp vất vả bội phần. Số lượng người tăng lên nhưng hễ ai có khúc mắc, mâu thuẫn bà vẫn đến từng nhà, lắng nghe họ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng để tìm ra “nút thắt”, từ đó có cách giải quyết phù hợp. Theo bà Hoà, hòa giải viên phải nắm rõ tình hình từng gia đình, hiểu rõ tính người cần hòa giải mới có phương pháp thuyết phục hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Hòa không ngừng học tập, nghiên cứu thêm quy định pháp luật như luật Hôn nhân gia đình, Luật đất đai, Luật dân sự, quyền trẻ em… bởi đây là những lĩnh vực thường dễ phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày. Bà Hòa quan niệm, việc hiểu luật rất quan trọng với người đi hòa giải, bởi chỉ nắm rõ quy định pháp luật thì mới hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình đến đâu, làm như thế nào, nếu hòa giải không thành thì cơ quan nào thụ lý vụ việc.

Bà Hòa vinh dự khi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư phápBà Hòa vinh dự khi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Việc đọc sách, nghiên cứu luật cũng trở thành thói quen của nữ tổ trưởng tổ dân phố 2 Mê Linh. Mỗi khi có luật mới hay sửa đổi luật là bà nhanh chóng cập nhật bằng cách tra cứu trên mạng, tham dự các lớp tập huấn; theo dõi những chương trình tìm hiểu pháp luật trên báo, đài… “Tôi cố gắng tìm hiểu về luật, mặc dù không thể chuyên sâu nhưng phải cơ bản nắm được để tuyên truyền cho người dân trong tổ dân phố”, bà Hòa chia sẻ.

Để người dân hiểu rõ pháp luật, bà Hòa kết hợp nhiều phương pháp. Với những bản tin tuyên truyền ngắn gọn sẽ phát trên loa phát thanh, đồng thời in tờ rơi phát cho các hộ dân và gửi tin nhắn trên nhóm zalo của tổ dân phố. Bà Hòa lấy ví dụ trên zalo của tổ dân phố sẽ tuyên truyền những chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền chống lừa đảo trên mạng; cảnh báo nạn buôn bán người…

Cũng theo bà Hòa, mỗi lần hòa giải thành công bà cảm thấy rất vui giống như gia đình, người thân nghe lời mình để hóa giải những khúc mắc, mâu thuẫn. Vì tham gia nhiều tổ chức như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, công tác mặt trận… nên gắn với mỗi đối tượng bà Hòa lại có cách tuyên truyền khác nhau. Chẳng hạn như tại các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, bà Hoà sẽ tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến phụ nữ, trẻ em, hôn nhân gia đình; còn khi sinh hoạt Hội cựu chiến binh bà sẽ lồng ghép phổ biến quy định về chế độ, chính sách người có công, phổ biến về chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng, Nhà nước…

Làm công tác hòa giải đã hơn 10 năm, bà Hòa thừa nhận không ít lần bị hiểu nhầm rằng được hưởng lợi khi nói tốt, nói giúp cho bên nào đó. Thậm chí có người còn giận bà vì giải quyết thiên vị, nhưng bà Hòa quan niệm cứ làm đúng thì mọi người sẽ hiểu, chỉ có điều sớm hay muộn: “Niềm vui qua bao nhiêu năm làm công tác của tôi là không ai giận mình cả, có người hiểu nhầm sau đó cũng hiểu ra, nói lời thông cảm, mọi người trong TDP chung sống hòa thuận, thắt chặt tình làng nghĩa xóm”, bà Hòa vui mừng nói.

Trong trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, bà Đồng Thị Thanh Hòa luôn cố gắng học hỏi, xin ý kiến của chi ủy, chi bộ và phát huy dân chủ trong nhân dân. Bà luôn phối hợp với tổ dân phố thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh và các phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương, các đoàn thể phát động. Từ năm 2012 đến 2024 với vai trò tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 2 Mê Linh bà đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải thành công 12 vụ việc. Tỉ lệ hòa giải thành công 12 vụ/12 đạt 100% không phải hòa giải lại. Trong cuộc sống, bà Hoà và gia đình luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, tổ dân phố nên từ 2018 đến 2024 gia đình luôn được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu, năm 2019 được khen gia đình văn hóa 3 năm liền.

Đọc thêm