Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi người dân "hoãn lại những việc chưa thật cần thiết"

(PLVN) - “Tóc chưa dài lắm đừng đi cắt tóc, giày chưa hư cũng đừng đi mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo… nếu chưa thật cần thiết thì hãy hoãn lại” – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gửi lời đến người dân TP HCM.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)

Tối 24/3, chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết chúng ta đang sống ở thời điểm mà tốc độ lây lan dịch COVID-19 rất khủng khiếp. Thực tế ở các nước Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha… đang cho thấy điều đó.

Theo ông Nhân, trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần tới là giai đoạn quyết định của "cuộc chiến chống COVID-19", chúng ta phải cố giữ đừng vượt 1.000 ca nhiễm trên toàn quốc. Đây là một thách thức cực kỳ lớn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. 

“Nếu để đến giai đoạn mỗi ngày tăng thêm 2.000 ca nhiễm trở lên thì chúng ta có xây dựng bệnh viện ngàn giường cũng không có tác dụng gì cả, không có trại cách ly nào làm cho kịp với tốc độ lây nhiễm” - ông Nhân cảnh báo.

"Đây là thời điểm chúng ta góp phần giữ đất nước bình yên trước dịch bệnh. Lỡ mất thời cơ này, chúng ta có lỗi với đất nước và không thể làm lại", Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM yêu cầu trong ngày 25/3, Sở Y tế và TP cần làm rõ các nhà hàng còn hoạt động phải đảm bảo điều kiện gì, thời gian mở cửa, quy định về khoảng cách chỗ ngồi trong nhà hàng như một số nước ngoài đã thực hiện.

Đề cập về bài học hạn chế đi lại rút ra từ các nước đã chống dịch khá thành công, ông Nhân tha thiết đề nghị trong 2 tuần tới, người dân toàn TP cần hạn chế ra đường, không tụ tập đông người để giảm tới mức tối thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. 

Theo ông, TP cần bàn sớm việc vận động người dân không đi chợ mỗi ngày. Thay vào đó, 2-3 ngày mua đồ một lần để tránh tiếp xúc với nhau. 

Việc yêu cầu đóng cửa tất cả mọi dịch vụ, các cửa hàng mua bán thì không hợp lý. Nhưng “tóc chưa dài lắm đừng đi cắt tóc, giày chưa hư cũng đừng đi mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo… nếu chưa thật cần thiết thì hãy hoãn lại” - ông Nhân nói.

Ông Nhân bổ sung bài học ở đây là phải chịu khổ trước rồi mới sướng sau. Trong khi dịch bệnh đang xảy ra mà đòi tự do, vui sướng trước thì về sau sẽ rất khổ. Nếu tất cả không chung tay, không cố gắng mà để lỡ thời cơ thì không thể làm lại được nữa.

"Tinh thần là trong 2 tuần tới, TP sẽ sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn, giám sát tốt để góp phần cùng cả nước tránh bùng phát dịch", Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 24/3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm có văn bản khẩn gửi các sở, ngành về việc tạm ngừng các hoạt động giải trí trên địa bàn trong thời gian dịch.

Theo đó, các khu vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp phải tạm ngừng hoạt động từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3.

Nói về vụ việc người dân tụ tập tiếp tế đồ ăn tại khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức), ông Nhân nhận định nguyên nhân do việc truyền thông chưa tốt khiến người dân chưa hiểu. Nhu yếu phẩm bên trong khu cách ly đã được Nhà nước lo và đảm bảo điều kiện thiết yếu.

Bàn đến vấn đề hỗ trợ người dân, Bí thư Nhân nói đến câu chuyện ở Nhật Bản. Ở Nhật, khi có dịch bệnh, người lao động phải ở nhà trông con thì chính phủ trả tiền cho người đó để họ yên tâm ở nhà. Bởi việc họ ở nhà là một hành động vì xã hội.

“Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ và TP HCM phải bàn. Phải làm sao khi người lao động không thể đi làm cũng phải có đủ tiền mua thức ăn cho bản thân và con cái họ”, ông Nhân gợi mở và đề nghị nếu chưa thể chi từ ngân sách thì tính toán huy động các nguồn lực ngoài ngân sách.

Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng, hôm 23/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu quy định về xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng yêu cầu ban quản trị toàn bộ chung cư trên địa bàn thực hiện gấp việc đo thân nhiệt người ra vào. UBND các phường, xã cần phối hợp với cấp quản lý các tòa chung cư nắm từng trường hợp tạm trú, đặc biệt người tới từ vùng dịch.

Đọc thêm