Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về những bài học sau vụ Thủ Thiêm

(PLVN) - Tại buổi gặp mặt báo chí sáng qua (9/1), Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trả lời những câu hỏi liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân

Theo ông Nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã vào làm việc với TP HCM trong ba tháng. Trên cơ sở các cuộc làm việc đó, UBKTTW đã ra kết luận. “Sắp tới, chúng tôi tổ chức kiểm điểm các đồng chí, tổ chức liên quan. Kết quả kiểm điểm sẽ chuyển lên UBKTTW vì đây là nhân sự do Bộ Chính trị quản lý”, ông Nhân thông tin về quy trình xử lý sai phạm. 

Sau khi Bộ Chính trị có quyết định, TP HCM sẽ tiến hành xử lý cụ thể về mặt Đảng. Ngoài ra, những cá nhân sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Vừa qua, UBND TP đã tổ chức kiểm điểm cán bộ do UBND quản lý sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ông Nhân đánh giá vụ việc trên đã để lại nhiều bài học về công tác cán bộ: "Bài học ở đây không có gì phức tạp cả, chỉ cần làm đúng ba điều thôi là làm đúng luật pháp, làm đúng quy chế cấp ủy, thực hiện đúng việc giám sát và để người dân giám sát".

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cho biết trong Thành ủy đã quy định rõ việc gì Thường trực Thành ủy có thể phụ trách, việc gì Ban Thường vụ phải bàn bạc và việc gì phải đưa ra Ban Chấp hành để quyết định.

"Theo quy định của Thường vụ, những dự án liên quan đến di dời 1.000 dân trở lên thì Thường vụ phải có ý kiến, sau đó UBND mới làm dự án di dời để trình HĐND thông qua. Hoặc những dự án quy mô lớn thì Ban Thường vụ phải nghe trước khi trình HĐND", ông Nhân nói.

Bài học thứ hai mà Bí thư Nhân nêu ra là phải làm đúng luật pháp. Khi thực hiện dự án cần sử dụng vốn Nhà nước, chính quyền cần chuẩn bị đề xuất dự án và trình HĐND TP thông qua. 

"Khi HĐND chưa thông qua mà đã quyết định chi là sai pháp luật. Khi các luật còn chồng chéo, khác nhau thì phải đưa ra thảo luận", người đứng đầu Thành ủy TP HCM nói.

Đối với những việc cấp bách, chính quyền cần báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy để có định hướng cụ thể. Sau khi xem xét, Ban Thường vụ Thành ủy có thể báo cáo Chính phủ hoặc xin làm thí điểm nếu cần thiết.

Bài học cuối cùng ông Nhân nêu ra là phải đề cao việc tự giám sát và để người dân giám sát. Thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân, trong năm 2019, TP HCM đã kỷ luật 6 tổ chức Đảng, hơn 30 đảng viên và 50 công chức.

"Việc giám sát của người dân giúp chúng ta chấn chỉnh sớm, không để vi phạm tới mức cao hơn. Việc xử lý cũng phát đi tín hiệu để những nơi khác cần chú ý", ông Nhân nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 8/1, UBKTTW thông báo kết luận sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010-2015; Ban Cán sự đảng UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân, trong đó có ông Lê Thanh Hải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy) liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Những cựu lãnh đạo cấp cao của TP bị kết luận vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án. Những vi phạm này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.

Theo UBKTTW, ông Lê Thanh Hải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.

Ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng UBND TP.

Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP và các ông; bà Nguyễn Thị Hồng, ông Lê Văn Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban Cán sự sảng UBND TP và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin về những thay đổi nhân sự của TP trong thời gian tới. 

Theo đó, TP HCM sẽ bổ sung thêm 1 vị trí Phó Chủ tịch UBND TP. Ngoài ra, từ nay đến tháng 3, Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Thành ủy có thể bố sung thêm một số vị trí mới nữa nếu có người nghỉ.

Từ nay đến khi chốt nhân sự trình Bộ Chính trị vào tháng 7 năm sau, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM sẽ có 22-25 nhân sự mới, Ban Thường vụ sẽ thay mới khoảng 5-6 người để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. 

Các lãnh đạo sở mới được bổ nhiệm như Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở GTVT sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí này trong khóa tới. Dự kiến sắp tới, TP HCM sẽ bổ sung thêm nhân sự vào vị trí Giám đốc Sở Tài chính.

Ông Nhân thông tin thêm tại HĐND, các ban Đảng, Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, các lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ sẽ tiếp tục đảm đương vị trí này trong nhiệm kỳ sau.  

Trong công tác nhân sự nhiệm kỳ tới của TPHCM, ngoài việc thực hiện định hướng của Trung ương, TP sẽ đảm bảo tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP ít nhất 15%, tỷ lệ thanh niên là 10%.

Đọc thêm