Bí thư thành ủy Đà Nẵng: Đội ngũ cán bộ phải có năng lực, trong sạch, được lòng dân

(PLVN) - Đó là chia sẻ của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trong cuộc trò chuyện đầu năm mới với PLVN.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

“Phép thử” tăng trưởng âm sau 20 năm

Lần đầu sau 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế thành phố tăng trưởng âm, kéo giảm tăng trưởng của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Là Bí thư Thành ủy trong giai đoạn này, ông có thể chia sẻ gì về kết quả trên? 

- Lần đầu tiên sau 20 năm Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng tăng trưởng âm do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và bão lũ… Theo tôi, đây thật sự là “phép thử” lớn về năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố. Nếu không có cách nghĩ và cách làm mới, cũng như tinh thần thực thi nhiệm vụ một cách quyết liệt, Đà Nẵng sẽ khó có sự phục hồi và phát triển trong những năm tới.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố; đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh…

Trước mắt, thành phố thực hiện tốt biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhất là chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Tăng cường các hoạt động, hình thức xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với các dự án quy mô lớn đang có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án đã có hiệu lực pháp luật. 

Thành phố tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, khởi công dự án, tăng thu ngân sách, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển bền vững; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và khôi phục hoạt động du lịch; Chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới và triển khai khôi phục thị trường quốc tế khi được Chính phủ cho phép hoạt động các đường bay thương mại quốc tế sau đại dịch Covid-19. 

Đồng thời, thành phố tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn đạt 260-270 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt 53-60 nghìn tỷ đồng, chiếm 20-22%; hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. 

Giai đoạn 2020 – 2025, Đà Nẵng tập trung sớm khôi phục đà tăng trưởng của thành phố.
Giai đoạn 2020 – 2025, Đà Nẵng tập trung sớm khôi phục đà tăng trưởng của thành phố. 

Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Đà nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang được cả nước quan tâm. Thành ủy đã có chỉ đạo như thế nào, thưa ông? 

- Ngày 19/6/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. 

Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Mô hình chính quyền đô thị mà Đà Nẵng được phép thí điểm tổ chức là mô hình 1 cấp chính quyền địa phương ở cấp thành phố và 2 cấp hành chính là quận và phường. Chính quyền thành phố được tổ chức gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố là UBND quận, không tổ chức HĐND quận; là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố.

Thực hiện điều này, Đà Nẵng cần thực hiện tốt những yêu cầu sau: Thứ nhất, bộ máy được tổ chức tinh gọn nhưng phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính thông suốt từ thành phố đến cơ sở. Thứ hai, là cơ chế vận hành phù hợp với đặc thù quản lý đô thị nhỏ, gọn của Đà Nẵng. Thứ ba, phải làm tốt việc phân cấp, ủy quyền giữa thành phố với quận, phường. Đồng thời đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy được trách nhiệm của chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính quận, phường, đặc biệt là phải đảm bảo cơ chế giám sát quyền lực khi TP Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở quận, phường.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 10/8/2020 về lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng. UBND Đà Nẵng đang chủ động phối hợp với bộ, ngành Trung ương xây dựng, trình Chính phủ ban hành và triển khai hiệu quả, đồng bộ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết 119.

Thực hiện mô hình chính quyền đô thị là cần thiết để Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

 

“Tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám làm”

Ông Nguyễn Văn Quảng (51 tuổi, quê Hải Phòng) có bằng tiến sĩ. Từ năm 2012, ông Quảng làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng. Tháng 9/2014, ông được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. 

Tháng 5/2015, ông Quảng làm Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tại TP HCM. Khi Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP HCM thành lập, ông Quảng làm Viện trưởng. 

Tháng 6/2017, ông chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Tháng 9/2018, ông giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.  

Ngày 31/12, ông được điều động làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thay ông Võ Công Trí nghỉ hưu theo chế độ, nay ông là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Ông có gặp thách thức nào khi là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhưng không phải người địa phương?

- Tôi có một lợi thế hơn là từ ngày 31/12/2019 đã được phân công về làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Như vậy cho đến thời điểm chính thức giữ cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tôi cũng đã gắn bó được một thời gian dài tại vùng đất này.

Bằng cái nhìn của người không phải người địa phương nên từ những ngày đầu về Đà Nẵng công tác, tôi luôn phải tìm hiểu kỹ, khám phá vùng đất mới, để từ đó có cái nhìn mới, phát hiện mới ở những điều tưởng chừng quá quen thuộc và đôi khi bị bỏ qua với người sở tại.

Về tâm lý khó khăn chung, với những người mới thường dễ bị chi phối bởi ý kiến của những người tiếp xúc đầu tiên. Vì thế, tôi tự yêu cầu mình, luôn giữ tâm thế bao quát rộng, ghi nhận nhiều kênh thông tin khác nhau và đưa phán quyết từ tập hợp mọi góc nhìn để mỗi việc đều “thấu tình, đạt lý”.

Thời gian qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo của TP Đà Nẵng bị kỷ luật nặng, bị cách chức do những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành liên quan đến đất đai. Ngoài ra, như tôi đã chia sẻ ở trên, một số mục tiêu kinh tế của thành phố không đạt được do dịch bệnh và bão lũ. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương ghi nhận kinh tế tăng trưởng âm… Và tôi cũng như lãnh đạo Đà Nẵng xác định, có sai sót, phải chủ động khắc phục một cách tích cực, tuyệt đối tránh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm mà không dám làm. Coi những khó khăn cũ là bài học để quyết tâm đổi mới, vươn lên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. 

Ngoài ra, tôi cũng cho rằng, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, do đó một trong những nhiệm vụ mà tôi cùng tập thể Thành ủy rất chú ý là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trong sạch, vững mạnh, được lòng tin của nhân dân. “Khi nhân dân đã ủng hộ, mọi thứ sẽ thành công”!

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm