Bí thư Thành ủy Hà Nội 'thúc' đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.

Sáng nay, 7/12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI khai mạc Kỳ họp thứ 10 để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP.

Năm 2022, TP Hà Nội đạt được những kết quả rất đáng khích lệ

Phát biểu tại Kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song, Thủ đô Hà Nội đã kiểm soát tốt được dịch bệnh COVID-19, kinh tế phục hồi phát triển nhanh và đạt nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, TP cũng đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chất định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của TP, như tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị khóa XI và đề xuất Bộ Chính trị khóa 13 ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 định hướng đến năm 2050; tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô; triển khai quyết liệt các công việc để thực hiện dự án đường vành đai 4 - Vùng thủ đô...

“Có thể khẳng định, năm 2022 vừa qua, TP chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, cơ bản và toàn diện trên mọi mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, có được những thành tựu trên là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy; sự thể chế hóa của HĐND TP; sự điều hành, quản lý năng động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của UBND TP; sự quan tâm, chỉ đạo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và sự đóng góp, ủng hộ của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Trong đó, HĐND TP đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, quyết liệt, toàn diện, sâu sát và hiệu quả; đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng những vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm để ban hành Nghị quyết, đồng thời, đôn đốc kiểm tra, giám sát, tái giám sát. HĐND TP cũng tổ chức 5 kỳ họp chuyên đề để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, có tác động sâu rộng đến các lĩnh vực của TP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, điển hình như việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Đặc biệt, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm.

Tập trung vào 3 khâu đột phá

Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị HĐND TP tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xác định được trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhất là các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách, đầu tư công trung hạn, công trình trọng điểm; liên quan đến các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, cần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để tập trung vào một số chỉ tiêu đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

HĐND TP cũng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, xem xét kỹ lưỡng những cơ chế, chính sách lớn, quan trọng liên quan trực tiếp tới việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đời sống dân sinh; việc thực hiện các nhiệm vụ cho cả giai đoạn, từ nay đến năm 2025, và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, trong quá trình nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và chất vấn, các vị đại biểu HĐND TP tiếp tục lưu ý đến các tác động đối với những vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri; đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, để các quyết sách được Hội đồng thông qua phải đảm bảo vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vừa góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.

Toàn cảnh kỳ họp.

Toàn cảnh kỳ họp.

Đặc biệt, cần quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tập trung vào 3 khâu đột phá. Tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của TP, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án chưa đủ thủ tục triển khai để bổ sung vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, cho các dự án đã thực hiện nhanh tiến độ… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được TP ký kết giao ước thi đua với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp, trước ngày 30/6/2023, phục vụ khởi công Dự án.

Nhấn mạnh năm 2023, TP tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của TP phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại các cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt từ nay đến Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có công, các đối tượng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, không để gây bất ổn thị trường, giá cả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để Nhân dân đón Tết vui tươi an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND TP để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022; Kế hoạch năm 2023 và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội sẽ trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng. Một là, HĐND TP sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách năm 2022 và quyết nghị kế hoạch năm 2023 của TP.

Hai là, HĐND TP xem xét, thảo luận và thông qua 20 báo cáo, 9 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề

Ba là, về hoạt động giám sát của HĐND TP, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự TP theo quy định của Luật.

HĐND TP thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND TP thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn dự kiến về các nhóm vấn đề. Thứ nhất, chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND TP và các cơ quan tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 7 của HĐND TP. Thứ hai, chất vấn về 02 nhóm vấn đề công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô trước mắt và dài lâu; được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND TP. Đây cũng là vấn đề đang được Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành uỷ rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo).

Dự kiến tại kỳ họp này, Thường trực HĐND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung mới, quan trọng, thực hiện theo Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND TP.

Đọc thêm