Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30/3/2019.
Trước đó, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện chuyến thâm nhập vào khu vực vùng lõi rừng Di sản thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để ghi nhận và phản ánh đến bạn đọc trong bài viết: “Báo động 'lâm tặc' tàn phá rừng gỗ mun trong Vườn di sản Phong Nha”. Và không chỉ đối với gỗ mun quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng mà nhiều loại gỗ khác cũng không thoát khỏi lưỡi cưa “lâm tặc”.
Sau khi có thông tin “lâm tặc” khai thác trái phép rừng gỗ mun quý hiếm trên biên giới Việt – Lào, thuộc địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng đã nhận trách nhiệm trực tiếp vì để mất rừng và chỉ đạo lực lượng kiểm lâm của vườn này khẩn trương tiến hành kiểm tra, giám định hiện trường.
|
Phóng viên PLVN bên một bãi gỗ khai thác trái phép trong vùng lõi rừng di sản Phong Nha |
Hơn 70m3 gỗ bị khai thác trái phép
Trong chuyến kiểm tra kéo dài 5 ngày cuối tháng 2 vừa qua, lực lượng thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện khu vực rừng trên vùng biên giới Việt – Lào, ở xã Thượng Trạch bị “lâm tặc” khai thác trái phép với khối lượng lớn.
Cụ thể, có 2 khu vực rừng thuộc vùng lõi, nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã bị “lâm tặc” triệt hạ. Tại các khoảnh 5, 7, 8, 9 thuộc tiểu khu 650, có 42 cây gỗ đã bị chặt hạ với khối lượng giám định được lên tới 46,402m3. Trong đó, có 26 cây mun sọc (loại cây gỗ quý hiếm thuộc Nhóm IA, đang bị đe dọa tuyệt chủng) với khối lượng 27,006m3 đã bị triệt hạ, cưa xẻ để lấy gỗ. Ngoài ra, lâm tặc còn khai thác trái phép nhiều loại gỗ khác như: táu, trâm, trơng, bài lài, lội, bộp, thông nàng… với khối lượng 19,396m3. Tại tiểu khu nói trên, “lâm tặc” đã ngang nhiên lập lán trại trong rừng để nấu ăn và sinh hoạt.
Tại các khoảnh 13, 14 của tiểu khu 649, 24 cây gỗ đã bị khai thác với khối lượng 23,878m3. Trong số này, có 19 cây mun sọc, khối lượng 18,983m3 và các loại cây gỗ khác như: táu, trường vải… với khối lượng 4,895m3. Ở những nơi rừng bị triệt hạ, dấu vết để lại là những bãi cành, ngọn, mạt cưa, bìa (phần vỏ bên ngoài), vỏ chai nước… nằm ngổn ngang giữa rừng.
|
Cành, ngọn của những cây gỗ mun bị cưa đổ nằm ngổn ngang giữa rừng |
Theo nhận định của Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, toàn bộ số cây gỗ trên đều bị khai thác trái phép bằng cưa xăng vào thời gian khoảng từ tháng 11 - 12/2018. Khu vực bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường ra biên giới đang được thi công, thuộc khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Cồn Roàng quản lý.
Cùng với việc kiểm tra, khám nghiệm rừng bị phá, lực lượng kiểm lâm Phong Nha – Kẻ Bàng cũng tổ chức thực hiện tuần, kiểm tra trong các địa bàn dân cư ở xã Thượng Trạch và phát hiện trong nhà của ông Mai Văn Dinh (SN 1970, quê xã Sơn Trạch), ở bản Coóc, xã Thượng Trạch có cất chứa gỗ và thông báo với Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch để phối hợp kiểm tra. Lực lượng chức năng đã thu giữ trong nhà kho này 42 phách gỗ các loại với khối lượng 1,4m3 (trong đó có 0,9m3 gỗ mun) nghi là tang vật của vụ phá rừng nói trên.
Chủ rừng nhận trách nhiệm
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thừa nhận, có tổng cộng 66 cây gỗ đã bị khai thác với khối lượng 70,28m3. Trong đó, có 45 cây gỗ mun, khối lượng 45,989m3. Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng gây tổn hại lớn đến tài nguyên rừng và hoạt động bảo vệ, bảo tồn của rừng đặc dụng – Di sản thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng vốn nổi tiếng và được xếp hàng đầu về mức độ đa dạng sinh học ở Việt Nam.
|
Tan hoang như một bãi chiến trường |
Ông Tịnh khẳng định: “Để xảy ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên đột nhập vào rừng và khai thác trái phép gỗ mun quý hiếm và nhiều loại gỗ khác, trách nhiệm chính, trực tiếp và đầu tiên trong việc quản lý, bảo vệ rừng thuộc về Ban quản lý VQG chúng tôi. Thêm vào đó, lực lượng Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch (đơn vị thuộc Hạt Kiểm lâm VQG) cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi rừng đơn vị này được giao bảo vệ bị khai thác. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc”.
“Thông tin điều tra ban đầu nhận định rằng, thủ phạm của vụ phá rừng này là một số đối tượng ở 2 xã Sơn Trạch và Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) móc nối với dân bản ở xã Thượng Trạch thực hiện. Không thể loại trừ khả năng có “người đứng sau” và sự tiếp tay cho lâm tặc của các lực lượng có trách nhiệm bảo vệ rừng” – ông Lê Thanh Tịnh cho biết.
|
Những gì còn sót lại của 1 cây gỗ mun cổ thụ |
Theo ghi nhận của phóng viên, gỗ lậu muốn vận chuyển về xuôi không phải là điều dễ dàng. Từ rừng biên giới về địa bàn dân cư, rồi từ VQG này tuồn gỗ ra bên ngoài cũng chỉ bằng những cung đường độc đạo. Từ xã Thượng Trạch, muốn đưa gỗ ra khỏi rừng phải đi đường 20 Quyết Thắng ít nhất phải qua 4 trạm kiểm soát lâm sản (có 2 trạm có chốt barie) với lực lượng kiểm lâm Vườn trực chốt 24/24h.
“Thực tế là có một số gỗ nhất định đã được vận chuyển trót lọt về xuôi và có thể khẳng định, gỗ đã được vận chuyển bằng xe ô tô với hình thức đặc biệt tinh vi” – Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thông tin thêm.
|
Những bìa gỗ mun “lâm tặc” để lại giữa rừng |
Theo tìm hiểu của PV, giá gỗ mun sọc trên thị trường hiện nay rất sốt với khoảng trên dưới 100 triệu đồng/m3 tùy vào chất lượng và kích cỡ gỗ. Đối với rừng đặc dụng Phong Nha – Kẻ Bàng, chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành, chỉ cần khai thác 1m3 gỗ mun cũng đã đủ các dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án. Hiện Hạt Kiểm lâm VQG đang củng cố hồ sơ để khởi tố, điều tra, làm rõ.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.