Bia Bắc giành thị phần phía Nam


Thêm một nhà máy công suất 50 triệu lít bia/ năm, trong khi  nhiều nhãn hiệu khác tiếp tục chạy đua  phân phối, thị trường bia miền Nam đang “dậy sóng” .

Thêm một nhà máy công suất 50 triệu lít bia/ năm, trong khi  nhiều nhãn hiệu khác tiếp tục chạy đua  phân phối, thị trường bia miền Nam đang “dậy sóng”.

“Trăm hoa đua nở”

Nắm trong tay hơn 35% thị phần trên toàn quốc, hiện Sabeco đang thống trị thị trường phía Nam với con số thị phần lên tới 70%; 30% còn lại nằm trong tay những nhãn hiệu khác như Heineken, Fosters, Tiger, Larger, Larue, San Migue, Sab Miler, Budweiser… và những công ty, cơ sở sản xuất bia nhỏ lẻ khác.

Cuối năm 2007, hãng bia Pháp Kronenbourg đã đầu tư vào thị trường phía Nam một nhà máy với công suất giai đoạn đầu là 150 triệu lít bia/năm, vốn đầu tư khoảng 43 triệu USD. Ngay tiếp sau đó, hàng loạt các dự án bia đã được đầu tư mới, nâng công suất, như Công ty Bia Việt Nam nâng công suất từ 150 lên 230 triệu lít/năm, Công ty Tân Hiệp Phát nâng công suất từ 100 lên 150 triệu lít/năm…

Bia Bắc giành thị phần phía Nam ảnh 1

Tạm lắng ít lâu, đến đầu năm 2011, thị trường bia phía Nam lại dậy sóng khi có thêm Công ty bia Hà Nội- Vũng Tàu của liên doanh giữa Carlsberg (Đan Mạch), Tổng công ty Rượu bia - Nước giải khát Hà Nội và Công ty Cổ phần Sành sứ Thủy tinh Việt Nam. Nhà máy này chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu mốc Nam tiến cho hai nhãn hiệu bia Carlsberg và bia Hà Nội - nhãn hiệu vốn làm chủ sân nhà phía Bắc. Đây chính là “cơn sóng” mạnh mẽ đang làm “dậy song” thị trường bia phía Nam.

Ông Andre Van Den Berg, Tổng giám đốc Công ty bia Hà Nội- Vũng Tàu đánh giá, miền Nam là thị trường chính của Việt Nam. Công ty này đã không muốn bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng này nên đã đầu tư nhà máy công suất 50 triệu lít/ năm với mục tiêu giành thị phần tại thị trường khốc liệt này.

Ngoài ra, thị trường phía Nam còn đón nhận sự góp mặt của hai nhãn hiệu không mấy xa lạ là bia Huda (Huế) và bia Halida (Công ty Việt Hà) sau một thời gian dài chủ yếu có mặt tại thị trường phía Bắc và miền Trung.

Theo đó, đại diện của Huda và Halida cho biết hiện tại 2 hãng này đã đẩy mạnh hệ thống phân phối tại các tỉnh miền Nam. Sau đó, các công ty này sẽ tính đến phương án thành lập nhà máy nhằm cung cấp tốt hơn nhu cầu của người dân.

Cạnh tranh thế nào?

Tấn công vào sân nhà của người khác, các hãng đang chọn phương án khai thác thị trường ngách, đó là đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng. Chẳng hạn, bia Hà Nội và bia Carlsberg xác định đối tượng khách hàng chính là những người gốc Bắc đang sinh sống tại miền Nam.

Câu chuyện của bia Laser hồi năm 2004 là một bài học nhãn tiền cho các nhãn hiệu mới muốn cạnh tranh với các đại gia của làng bia. Đó là bài học về đào kênh phân phối. Đầu tư rất lớn cho dây chuyền sản phẩm và marketing với khoảng 30 triệu USD, tuy nhiên việc bị khóa kênh phân phối đã khiến cho Laser thất bại ngay từ những ngày đầu ra mắt.

Chỉ cần một vụ kiện chủ quán bia Cây Dừa dám bán bia Laser trong khi đã ký hợp đồng độc quyền với mình, Nhà máy bia Việt Nam đã nhanh chóng loại Laser ra khỏi toàn bộ hệ thống độc quyền của mình, khóa hoàn toàn kênh phân phối lại. Kết cục là dù có kinh nghiệm phân phối nước giải khát lâu năm, nhưng việc không tấn công được vào những nhà hàng, quán ăn đã “bị” độc quyền khiến cho chỉ chưa đầy 8 tháng sau khi ra mắt, bia Laser đã phải lặng lẽ rút lui.

Biết rõ là không thể tấn công vào những nhà phân phối của những đàn anh như Heineken, Tiger…, các công ty mới bước chân vào thị trường này hiện nay đều lên kế hoạch xây dựng một hệ thống phân phối hoàn toàn mới. 

Ông Andre Van Den Berg cho biết công ty đã có hệ thống phân phối mạnh được kế thừa và phát triển dựa trên hệ thống phân phối có sẵn hơn 10 năm của Carlsberg và bia Hà Nội. Tổng số nhà phân phối phát triển năm 2010 gấp 170 lần so với năm 2009 và kế hoạch năm 2011 sẽ là gấp đôi năm 2010.

Thừa nhận thị trường còn nhiều chỗ cho các đối thủ, nhưng ông Văn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Sabeco lại cho rằng, cuộc chiến giành thị phần bia ở Việt Nam dù được rất nhiều nhà đầu tư nhắm tới tuy nhiên, không phải cứ cơ hội còn thì đầu tư vào là sẽ thắng.

Thi Lan

Đọc thêm