Bia, pháo lậu vẫn len vào thị trường nội địa

(PLVN) - Cuối năm là thời điểm hoạt động mua bán sôi động nhất, lượng hàng hóa lưu thông nhiều, đa dạng chủng loại. Do đó, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường trên mọi mặt trận, ngăn chặn được nhiều hàng hóa nhập lậu, kém chất lượng, góp phần phục vụ người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh.
Ảnh minh họa

Nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự 

Thông tin từ Cục QLTT Bắc Giang cho biết, Đội QLTT số 6 đã tiếp nhận bàn giao đối tượng và tang vật là 7,6 kg pháo nổ (gồm 136 quả pháo trứng cộng với 3 bệ pháo hoa, đều là những mặt hàng cấm). Qua quá trình đấu tranh, Đội QLTT số 6 đã xác định, thanh niên Lương Đức Hòa (SN 2003, ở thôn Cạng, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là chủ sở hữu của 4,6 kg pháo trứng. Thanh niên này khai nhận mua 4,6 kg pháo này của một người lạ tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên nhằm mục đích mang về nhà để đốt vào dịp Tết Nguyên đán 2020. 

Cũng địa bàn tỉnh này, Đội QLTT số 6 cũng đã xử lý một vụ việc liên quan  3 bệ pháo hoa (nặng 3 kg) của một nam thanh niên sinh năm 2003 ở thôn Hòa Sơn, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. Thanh niên này khai nhận đi mua số pháo trên cùng với một người bạn ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên.

Ngoài pháo lậu, đồ chơi cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Mới đây, tại km 611 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quang Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Quảng Bình) đã phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh dừng và kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với xe ô tô tải mang BKS số 35C-087.79 kéo theo rơ móoc mang BKS 35R-007.44 đang lưu thông theo hướng từ Bắc vào Nam.

Tiến hành khám xe ô tô này, lực lượng QLTT Quảng Bình phát hiện trên xe vận chuyển 24.378 chiếc súng nhựa các loại là đồ chơi trẻ em, sản xuất tại Trung Quốc; 904 súng nhựa bắn đạn lò xo, sản xuất tại Việt Nam, đều thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. 2.288 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại (xe ô tô, máy bay, xe xúc…) sản xuất tại Trung Quốc, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, trên sản phẩm không có dấu hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em.

Trị giá toàn bộ lô hàng vi phạm là 414.895.000 đồng, trong đó, riêng lô hàng cấm gồm 24.378 chiếc súng nhựa các loại và 904 súng nhựa bắn đạn lò xo trị giá 380.000.000 đồng, có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự  nên Đội QLTT số 5 đã lập biên bản, chuyển hồ sơ vụ việc cùng toàn bộ tang vật vi phạm, phương tiện, giấy tờ và đối tượng vi phạm cho Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thụ lý để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. 

Các tỉnh biên giới ra quân cao điểm Tết

Ngay khi có công văn của Tổng cục QLTT về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra thị trường đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo đó, các Đội QLTT của địa bàn này đã tăng cường trong công tác, chú trọng kiểm tra các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết như: thuốc lá, đường cát, rượu, bia, nước ngọt, mỹ phẩm…Từ khi Kế hoạch được ban hành, lực lượng QLTT Tây Ninh đã kiểm tra 128 vụ (trong vòng hơn 1 tháng), trong đó 89 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 460 triệu đồng; trị giá hàng hoá tạm giữ khoảng hơn 490 triệu đồng.

Các vụ việc điển hình là kiểm tra hàng hóa tập kết tại bãi đất trống gần trạm kiểm dịch Suối Sâu huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Sau khi nhận được nguồn tin báo từ quần chúng, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Đội QLTT số 7 huyện Trảng Bàng phối hợp thực hiện phát hiện bên trong là hàng hóa có xuất xứ nước ngoài gồm 120 chai bia loại 437ml/chai, 36 chai dầu gội đầu loại 400ml... 

Ngoài ra, nhiều đối tượng buôn lậu cũng đã vứt bỏ tại hiện trường hàng ngàn bao thuốc lá lậu khi bị lực lượng chức năng phát hiện gần tuyến biên giới  của tỉnh phía Nam này.

Ở phía Bắc, các đội QLTT thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng có một năm bận rộn với số lượng hàng hóa thực hiện kiểm tra và thu giữ được thông báo với tần suất liên tục. Đa phần là hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc, không có giấy tờ nguồn gốc cũng như hóa đơn bán hàng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có hóa đơn bán lẻ trùng khớp với số lượng hàng hóa vận chuyển, nhưng các Đội QLTT ở Lạng Sơn vẫn tạm giữ để kiểm tra, xác minh nguồn gốc do nghi ngờ đây là hàng hóa nhập lậu. Đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, hàng hóa nhập lậu từ biên giới rất nhiều nên việc tạm giữ hàng hóa dù có đủ hóa đơn bán lẻ là điều cần thiết.

Đọc thêm