Biên giới ký sự: Bản kết nghĩa đầu tiên trên biên giới Việt - Trung

(PLO) - Ở xã biên giới Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), những năm qua, nhiều gia đình đã trở thành tỷ phú nhờ trồng chuối, dứa. Cuộc sống yên bình, ấm no và những đổi thay ở xã biên giới này, một phần nhờ vào Bộ đội Biên phòng (BĐBP), một phần nhờ vào hoạt động kết nghĩa, giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa xã Bản Lầu với các địa phương của Trung Quốc ở khu vực giáp biên.
Đồn BP Bản Lầu giúp người dân thu hoạch dứa.
Đồn BP Bản Lầu giúp người dân thu hoạch dứa.

Hai bên biên giới cùng nhau làm giàu 

Ở thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, bất cứ người già hay trẻ nhỏ, ai cũng đều tự hào về chiếc trống chung với tổ Tam Bình Bá (tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Hai thôn kết nghĩa bản - bản vào tháng 8/2013. Chiếc trống bịt da trâu cỡ lớn được đưa vào sử dụng tháng 10/2014. Nó được coi như biểu tượng linh thiêng và không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông, giống như tục thờ Thành Hoàng làng ở các làng quê Việt Nam. Do đó, trống không chỉ là linh vật sử dụng trong tang lễ, mà còn là dấu ấn lưu truyền, gìn giữ truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tại nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung. 

Anh Giàng Chúng - Trưởng thôn Cốc Phương rất hồ hởi khi nhắc đến vật linh thiêng này: “Hai bên có một cái trống chung được đặt trang trọng tại trung tâm của thôn. Khi bên này có người mất, nếu trống ở bên kia thì lấy trống về đánh ở bên này. Bên kia cần dùng thì trống lại đem sang bên kia. Chúng tôi hy vọng những thế hệ sau cũng sẽ lưu truyền nó từ đời này qua đời khác”.

Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu - Chính trị viên Đồn BP Bản Lầu cho biết: “Sau khi kết nghĩa đến nay, người dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi lẫn nhau như những người anh em, họ hàng. Họ coi công việc của thôn bạn cũng là công việc của thôn mình, của gia đình mình. Mỗi khi nghe thấy tiếng trống đã được quy ước từ trước, người dân sẽ biết sự việc gì xảy ra bên thôn bạn và cử người sang nắm bắt tình hình, sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết. Ngoài ra, sau khi kết nghĩa, bà con ở Cốc Phương được nhân dân tổ Tam Bình Bá hỗ trợ nhiều trong trồng trọt, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng như dứa, chuối…, bao tiêu sản phẩm sản xuất ra để phát triển kinh tế.

Từ sự phát triển của thôn Cốc Phương, vùng đất Bản Lầu trở thành địa phương đi đầu trong việc đưa cây ăn quả chủ lực như chuối, dứa về với các thôn, bản vùng biên. Diện tích trồng dứa, chuối ở đây lên đến hàng nghìn héc-ta, với tổng thu nhập toàn xã mỗi năm hơn 60 tỷ đồng. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, nhiều hộ còn thu mua với số lượng lớn để bán sang Trung Quốc. Theo báo cáo của UBND xã Bản Lầu, tại 6 thôn giáp biên của xã, tỉ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 3%, nhiều hộ dân có thu nhập tăng lên rõ rệt.

Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, nhân dân hai thôn còn đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và an ninh chính trị thôn - bản, tham gia phòng chống các loại tội phạm có hiệu quả, góp phần không nhỏ vun đắp truyền thống hữu nghị đã có từ lâu đời giữa hai nước Việt - Trung. Sau thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu có 2 thôn nữa tham gia kết nghĩa bản - bản với các thôn bản biên giới Trung Quốc. Việc kết nghĩa đã góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới.

Điểm sáng về xây dựng mô hình dòng họ tự quản, bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xã biên giới Bản Lầu không chỉ là “thủ phủ” chuối, dứa xuất khẩu mà còn là điểm sáng về xây dựng mô hình dòng họ tự quản, bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ đường biên mốc giới ở địa phương. Nổi bật ở đây là dòng họ Lục, đã trải qua chín thế hệ với 27 hộ, 140 nhân khẩu sinh sống tại hai thôn Na Nhung và Na Pao, do ông Lục Thượng Khiêm làm trưởng dòng họ.

Mô hình “Dòng họ tự quản an ninh trật tự (ANTT)” họ Lục được thành lập từ năm 2009 với 27 thành viên tham gia. Đến nay, các thành viên đã chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ, vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kịp thời phản ánh đến cơ quan công an và UBND xã, góp phần tích cực cùng các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong cuộc họp của dòng họ, các thành viên luôn giáo dục, nhắc nhở con cháu chấp hành tốt quy định về hộ tịch, hộ khẩu, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, súng săn tự chế, tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông, phòng cháy, chữa cháy... Dòng họ Lục còn khởi xướng phong trào xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ, hòa giải nhiều mâu thuẫn giữa cá nhân trong dòng họ và cá nhân với người khác dòng họ... 

Trưởng Công an xã Bản Lầu Hoàng Tiến Dũng cho biết: “Mô hình dòng họ Lục tự quản đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, tình trạng trộm cắp, nghiện ngập ma túy, tranh chấp, mâu thuẫn trong thôn, bản giảm đáng kể. Ban công an xã với sự trợ giúp từ mô hình dòng họ tự quản đã tiếp nhận nhiều thông tin có giá trị, xử lý kịp thời các sự việc liên quan. Đảng ủy và chính quyền xã Bản Lầu đã nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT”. 

Mái ấm tình thương của Đồn BP Bản Lầu

Chúng tôi lên Bản Lầu vào những ngày cuối năm giá rét, đúng vào ngày Đồn BP Bản Lầu tổ chức cho bộ đội cùng bà con giết lợn, mổ gà, gói bánh chưng ăn Tết sớm Mậu Tuất 2018. Không chỉ cùng dân bảo vệ đường biên, mốc giới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, hướng dẫn người dân các kỹ thuật trồng cấy, còn tham gia thu hoạch dứa giúp dân vào mùa dứa chín, BĐBP còn giúp dân dựng nhà mới.

Mới đây, ngày 31/1/2018, Đồn BP Bản Lầu đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhóm thiện nguyện “Mùa đông yêu thương” TP Lào Cai, tiến hành bàn giao nhà “Mái ấm tình thương” cho hộ nghèo biên giới là gia đình anh Giàng Seo Chứ và chị Thào Thị Giàng (dân tộc Mông, ở thôn Đồi Danh, xã Bản Lầu). Đây là một trong những hộ nghèo nhất thôn, cuộc sống của gia đình luôn trong cảnh thiếu ăn.

Đồn BP Bản Lầu đã vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và các nhà hảo tâm, quyên góp tiền để xây dựng nhà cho gia đình anh Chứ, chị Giàng với số tiền hơn 70 triệu đồng. Trong quá trình xây dựng, Đồn BP Bản Lầu đã huy động cán bộ, chiến sĩ, cùng với lực lượng dân quân tự vệ giúp đỡ gia đình nhiều ngày công. Ngoài ra, đơn vị đã trao tặng gia đình các vật dụng cần thiết như bàn ghế, chăn màn...

Đọc thêm