Tình nghĩa quân dân ở xã biên giới Pa Vệ Sử

(PLO) - Bằng các việc làm cụ thể, Đồn Biên phòng (BP) Pa Vệ Sử, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu đã giúp dân xóa đói, giảm nghèo, vận động trẻ em đến trường, góp phần ổn định hệ thống chính trị tại cơ sở. Qua đó, gây dựng lòng tin trong nhân dân các dân tộc, thắt chặt thêm tình nghĩa quân dân, góp phần xây dựng xã Pa Vệ Sử ngày một phát triển, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ đội Biên phòng vượt suối, trèo đèo đưa trẻ em đến lớp.
Bộ đội Biên phòng vượt suối, trèo đèo đưa trẻ em đến lớp.

Đổi thay của người La Hủ ở Pa Vệ Sử

Pa Vệ Sử là xã biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 15 bản, 18 khu, với trên 2.500 nhân khẩu. Các bản đều nằm trên các sườn núi, lưng chừng đèo, rải rác nơi rừng sâu núi thẳm. Xã có tới hơn 70-80% tỷ lệ hộ đói nghèo, với 2 dân tộc sinh sống là La Hủ và Mảng, trong đó, dân tộc La Hủ chiếm 98%. Đây là 2 trong 3 dân tộc ít người nhất được Nhà nước quan tâm trong chiến lược bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững.

Trước đây, từ Đồn BP Pa Vệ Sử ra đến TP. Lai Châu phải qua gần hai chục cái khe. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa có hôm đi từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm mới đến được trung tâm thành phố. Thậm chí, khe mùa mưa nước ngập trắng băng không còn đường đi. Đến vùng biên cương xa xôi, heo hút này vào mùa mưa thì thường xuyên gặp các vụ sạt lở đất. Khi ấy, đất bùn nhão lấp đầy khe, đầy lối đi, không thể dắt xe, không thể lội được vì bùn đất cao ngang thắt lưng. Cả đoàn người và xe máy phải thuê bà con ra đẩy xe, kéo người. Nay con đường 150km từ TP Lai Châu vào Mường Tè đã được trải nhựa phẳng lì, rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân. 

Cuộc sống “hai không” của bà con có nhiều khởi sắc. Pa Vệ Sử hiện đã có điện và sóng di động. Trước vận động mãi bà con không xuống núi, nay đã có đường mới thông thương, lại có điện về đến trung tâm xã, thế là bà con tình nguyện xuống núi, đua nhau làm nhà bên vệ đường. 

Xã Pa Vệ Sử có địa bàn khá rộng, các bản cách xa nhau nhưng những năm qua, tình trạng xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép hay các vụ việc liên quan đến biên giới không có vấn đề phức tạp. Có được kết quả đó, những năm qua, Đồn BP Pa Vệ Sử đã xây dựng kế hoạch, chủ động bám nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, tránh tạo thành điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân. 

Cán bộ của đồn thường xuyên đến các bản tuyên truyền, động viên bà con nhân dân tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, không vi phạm pháp luật, thực hiện tốt các quy định về đường biên, không vượt biên trái phép sang nước bạn lao động trái phép, không lấy chồng Trung Quốc…

Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc - Đồn trưởng Đồn BP Pa Vệ Sử cho biết: “Những năm qua, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới luôn được ưu tiên hàng đầu, với nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Từ đó, Đồn đã thực hiện chương trình tăng cường cán bộ xuống Pa Vệ Sử giúp xã hoàn thiện hệ thống chính trị, lựa chọn những cán bộ có năng lực, có uy tín xuống giữ chức danh Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và tăng cường các cán bộ đảng viên xuống sinh hoạt ghép tại các chi bộ bản. Đồng thời, tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa Đồn với cấp ủy, chính quyền xã, giao trách nhiệm quản lý địa bàn cho các xã trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới”.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, 15 bản trên địa bàn xã đã thành lập được 15 tổ an ninh thôn bản; tại 8 bản giáp biên đã thành lập được 8 tổ tự quản đường biên cột mốc. Công tác tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới đã được tích cực triển khai. Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ đã tổ chức hàng chục lượt tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, mốc giới, trong đó có nhiều người là dân quân và thành viên của tổ tự quản đường biên, mốc giới.

Giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Việc giúp dân phát triển kinh tế đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Pa Vệ Sử chú trọng và thực hiện hiệu quả. Triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Mường Tè, xã Pa Vệ Sử được quy hoạch là vùng phát triển trồng cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc. Vì vậy, Đồn đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Mường Tè triển khai thực hiện mô hình trồng cây sâm ngọc linh, sa nhân tím tại các bản Seo Thèn B, Thò Ma… Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hướng dẫn, cầm tay chỉ việc giúp nhân dân tổ chức trồng cỏ, chăn nuôi đại gia súc theo các dự án giảm nghèo. Khi dân xuống núi được bộ đội dạy cách trồng lúa, biết canh tác, biết vận dụng khoa học kỹ thuật nên các vụ lúa có năng suất cao

Đồn BP Pa Vây Sử nằm bên con suối Thèn Seo Hồ ở cao độ 1.600m so với mực nước biển. Nhiệt độ nước suối rất thích hợp nuôi cá hồi, cá tầm có nguồn gốc từ Bắc Âu. Dự án nuôi cá hồi, cá tầm được Đồn BP Pa Vây Sử thực hiện từ tháng 9/2008. Tác giả của ý tưởng này là Đại tá Dương Trọng Đông - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu. Sau những chuyến công tác, kiểm tra tại Đồn BP Vàng Ma Chải, đi qua con suối Thèn Seo Hồ, bằng tư duy kinh tế sắc bén, Đại tá Dương Trọng Đông đã đề xuất ý tưởng nuôi cá hồi tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và nhận được sự tán thành cao. 

Nước suối Thèn Seo Hồ được dẫn trực tiếp vào hệ thống bể nuôi. Ở mỗi bể nuôi đều có hệ thống thoát nước ra ngoài. Điều đó khiến nguồn nước luôn sạch sẽ và tuần hoàn, đảm bảo môi trường sống cho loài cá khó nuôi này. Các chiến sỹ biên phòng ở đây đều được học nghiệp vụ chăm sóc cá. Họ thường trực ngày đêm kiểm tra nhiệt độ, lượng ôxy và các tạp chất có trong nước để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Dự án nuôi cá hồi Pa Vây Sử ngay lứa đầu tiên đã có lãi, sản lượng các năm sau tăng cao. Một trong những mục đích của dự án lập ra là để từng bước chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí giúp nhân dân và các tổ chức kinh tế trên địa bàn dần tiếp cận, làm chủ kiến thức để phát triển nghề nuôi cá hồi.

Cùng thầy cô “Nâng bước em đến trường”

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè hiện có gần 300 học sinh. Trường Tiểu học Pa Vệ Sử 1 có hơn 70 học sinh đang theo học và ăn ở tại trường. Các học sinh phải học lớp ghép. Trung bình mỗi lớp ghép có trên 10 học sinh. Các học sinh ăn ở tại trường, chỉ trưa thứ sáu mới về nhà. Các em không biết nhà cách trường bao xa, chỉ biết nếu đi bộ từ sau giờ học trưa thứ 6 thì đến tối mịt mới về đến nhà. Sau khi có điện, trường Tiểu học Pa Vệ Sử 1 được tặng một chiếc ti vi làm quà nên ngoài giờ học, lũ trẻ còn được xem ti vi. 

Để có số lượng học sinh này, mỗi năm, sau kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo cùng BĐBP phải lặn lội  cả tháng trời trong các bản, đến các lán nương tìm gọi học trò. Dân trí thấp, nhận thức hạn chế khiến việc đến trường của con em đồng bào cũng bị ảnh hưởng. Nhất là đối với học sinh bậc trung học cơ sở. Với bà con ở đó, độ tuổi của các em đã được tính là lao động chính trong gia đình. 

Thượng úy Pờ Pó Hừ - cán bộ Đồn BP Pa Vệ Sử cho biết, đơn vị cử anh và một số cán bộ khác tham gia cùng thầy cô đi tìm, gọi và vận động đưa học sinh ra lớp. Bà con sinh sống rải rác tại các lán nương nên khổ nhất là các cô giáo, chân yếu, tay mềm phải đi bộ, lội suối băng rừng tìm trò. Mưa rừng, lũ suối, đường sá sạt lở khiến việc đi lại càng khó, nguy hiểm gấp bội. Xã Pa Vệ Sử có 15 bản trong đó có bốn bản giáp biên giới, vào các bản đó mùa mưa chỉ có đi bộ.

Những bản như Sín Chải B, C muốn đến được bản phải đi bộ quá nửa ngày trời. Lên đến bản nếu may mắn gặp được học trò thì chẳng sao, nếu không may các em theo cha mẹ vào nương thảo quả ở sâu trong dãy Pu Si Lung thì các thầy cô sẽ còn phải mất gần ngày đi bộ nữa mới tìm được các em. Thậm chí nhiều chuyến thầy cô còn phải về không mà không đón được học sinh nào.

Đọc thêm