Biến quá khứ thành bài học và điểm đến

(PLVN) - Xuất phát từ tinh thần sáng tạo và lòng tri ân quá khứ, nhiều mô hình ý nghĩa đã được hình thành tại các địa phương, biến hố bom, chiến hào năm xưa thành không gian giáo dục và du lịch sinh thái đặc sắc, đồng thời góp phần gìn giữ hệ sinh thái bản địa. Những sáng kiến này góp phần kết nối quá khứ với hiện tại, nuôi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường và trân trọng hòa bình cho thế hệ trẻ hôm nay.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống đồng quê ở Tang’s Farm. (Ảnh: Tripadvisor)

Những sáng kiến thu hút du khách từ lòng tri ân quá khứ

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng những vết tích của nó vẫn còn in hằn trên đất nước Việt Nam - trong lòng đất, trên thân cây và trong ký ức của những người từng sống qua thời lửa đạn. Dẫu vậy, điều kỳ diệu là từ những nơi từng chỉ toàn khói lửa, giờ đây, nhiều vùng đất đã khoác lên mình một diện mạo mới - xanh hơn, bền vững hơn và tràn đầy sức sống. Từ các hố bom, chiến hào, hầm trú ẩn từng là nơi sống còn trong chiến tranh, nhiều sáng kiến cộng đồng và cá nhân đã khéo léo “hồi sinh” những vết tích ấy thành không gian giáo dục môi trường, du lịch sinh thái và gìn giữ ký ức lịch sử. Những sáng kiến này không chỉ mang giá trị biểu tượng mà còn góp phần lan tỏa nhận thức bảo vệ môi trường, tạo sinh kế tại chỗ và nuôi dưỡng tình yêu hòa bình bằng một cách tiếp cận gần gũi, sống động.

Một trong những điển hình tiêu biểu cho tinh thần ấy là Tang’s Farm ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Trên vùng đồi từng bị bom đạn cày nát, ông Phạm Văn Táng - một cựu chiến binh trở về từ chiến trường Quảng Trị - đã bền bỉ khai hoang, cải tạo đất đai, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), phủ xanh một vùng đồi khô cằn bằng ao cá, vườn cây và chuồng trại. Sau khi trở về quê, con trai ông, anh Phạm Văn Hùng đã cùng cha mở rộng mô hình này, phát triển thành điểm du lịch trải nghiệm có tên Tang’s Farm. Anh Hùng cải tạo cảnh quan, xây khu nghỉ chân, đón khách tham quan, trải nghiệm làm nông dân, hái quả, cưỡi trâu, lùa vịt và thưởng thức món ăn địa phương. Trang trại thu hút nhiều du khách nước ngoài đến, không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh sắc mộc mạc vùng đồng quê, mà còn để lắng nghe câu chuyện đời thực đầy cảm hứng của ông Táng - từ một người lính trở về sau chiến tranh, đến hành trình hồi sinh mảnh đất bom đạn.

Ở phía Nam, vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) - nơi gắn liền với hệ thống địa đạo ngầm huyền thoại - cũng chứng kiến nhiều cách làm sáng tạo trong bảo tồn ký ức chiến tranh kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Nổi bật trong số đó là Đất Thép Farm, tọa lạc tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Không chỉ là một điểm đến xanh mát để thư giãn, nơi đây còn kết hợp hài hòa giữa du lịch nông nghiệp và giáo dục lịch sử, mang lại cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, cơ hội trải nghiệm, học hỏi và thấu hiểu về nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, trân trọng những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Củ Chi kiên cường, bất khuất.

Nếu như Tang’s Farm và Đất Thép Farm là mô hình do gia đình và doanh nghiệp phát triển, thì Khu di tích quốc gia Xẻo Quýt ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp là một hình mẫu du lịch sinh thái tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa lịch sử, thiên nhiên và cộng đồng. Trong chiến tranh chống Mỹ, Xẻo Quýt từng là vùng đất hiểm trở, địa hình rậm rạp với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nhờ sự che chở của người dân địa phương, nơi đây trở thành căn cứ an toàn của Tỉnh ủy Kiến Phong, hoạt động bí mật giữa vòng vây của địch cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày nay, di tích rộng khoảng 50ha vẫn giữ gần như nguyên trạng hệ thống lán trại, hầm bí mật, bếp dã chiến... giữa khu rừng tràm cổ thụ xanh mát, cùng hệ sinh thái phong phú với hàng trăm loài động - thực vật bản địa, nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ.

Điểm đặc biệt của Xẻo Quýt là mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản. Người dân địa phương không chỉ làm hướng dẫn viên, chèo xuồng ba lá mà còn góp phần tái hiện đời sống chiến khu bằng chính ký ức và trải nghiệm của mình. Các hoạt động trải nghiệm như: đan giỏ, bắt cá, nấu ăn dân dã cùng các món đặc sản đồng quê và đờn ca tài tử càng khiến chuyến đi thêm sống động và cảm xúc. Sự kết hợp giữa bảo tồn di tích, khai thác du lịch sinh thái và phát triển sinh kế địa phương đã giúp Xẻo Quýt trở thành hình mẫu về du lịch bền vững, vừa giữ gìn lịch sử, vừa bảo vệ môi trường và tạo thu nhập cho cộng đồng.

Phát triển bền vững từ những vùng đất mang ký ức bom đạn

Những mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn liền với lịch sử tại các vùng đất chứng tích chiến tranh cũng là minh chứng rõ nét cho hình thức du lịch có trách nhiệm. Du khách đến những điểm đến này không chỉ để tham quan, tìm hiểu về chiến tranh, mà còn để trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân địa phương, cùng họ trồng cây, làm vườn, nghe những câu chuyện đời thường và cảm nhận sâu sắc hơn về sự hồi sinh mạnh mẽ của vùng đất. Đồng thời, du khách cũng đóng góp trực tiếp vào sinh kế của cộng đồng và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử.

Hoạt động thăm chiến khu xưa tại Khu di tích Xẻo Quýt. (Ảnh: Cổng TTDL Đồng Tháp)

Nhìn rộng ra, những mô hình phát triển dựa trên việc giữ gìn và tái thiết ký ức chiến tranh đang mở ra cơ hội lớn cho các địa phương có di tích lịch sử, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Thay vì phải phụ thuộc vào những khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng các khu du lịch hiện đại, hay đơn giản là để hoang hóa “quá khứ”, cộng đồng địa phương hoàn toàn có thể phát triển kinh tế và xã hội từ chính những tài nguyên sẵn có - câu chuyện lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và chính bản sắc văn hóa, con người.

Tuy nhiên, để những mô hình phát triển bền vững từ ký ức bom đạn này thực sự lan tỏa và phát huy hết tiềm năng, rất cần sự chung tay và hỗ trợ từ nhiều phía. Vai trò của chính quyền các cấp là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, đầu tư vào hạ tầng du lịch bền vững (giao thông, điện, nước sạch), kết nối các điểm đến trong vùng thành những tuyến du lịch hấp dẫn và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh những vùng đất tái sinh này đến với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương là yếu tố then chốt. Các chương trình đào tạo về kỹ năng làm du lịch (đón tiếp, thuyết minh, phục vụ), kỹ năng quản lý du lịch cộng đồng, kiến thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản cần được đầu tư bài bản. Khi người dân địa phương là chủ thể chính trong hoạt động du lịch, họ sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, đồng thời bảo đảm lợi ích kinh tế được phân phối công bằng, góp phần cải thiện đời sống.

Hơn hết, quá trình này đòi hỏi sự sáng tạo, tri thức, nhân ái và lòng trân trọng quá khứ. Bằng cách quy hoạch hợp lý, hỗ trợ đúng hướng và phát huy tối đa nội lực của cộng đồng, những vùng đất mang ký ức bom đạn hoàn toàn có thể chuyển mình thành những điểm sáng về phát triển bền vững. Ở đó, những “vết sẹo” chiến tranh trở thành minh chứng cho lòng kiên cường, khát vọng sống và vươn lên mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là hành trình “hồi sinh” một vùng đất, mà còn là bước trưởng thành trong cách người Việt gìn giữ ký ức. Quá khứ sẽ không bị lãng quên hay chỉ nằm yên trong những trang sách sử mà được sống lại từng ngày - trong lời kể, trong tiếng cười và trong mỗi bước chân khám phá của thế hệ hôm nay. Những “di sản xanh” ấy vừa là món quà tri ân, vừa là bài học sâu sắc cho mai sau.

Đọc thêm