Biệt thự trôi sông bởi nạn đề

Ngôi “biệt thự” 4 tầng ở giữa thị trấn Lập Thạch, cùng 2 chiếc ô tô du lịch và khoản tiền lên đến hàng tỉ đồng lần lượt “đội nón ra đi”, T. thành người trắng tay, vô gia cư, vì lô đề.

Cuộc sống nghèo của người dân miền quê Lập Thạch - Vĩnh Phúc bao đời yên bình, nay có nhiều xáo trộn bởi nạn đánh lô đề được một bộ phận người dân coi là nghề kiếm sống. Nhưng đến khi chuyện đã vỡ ra rồi thì đã quá muộn màng và không thiếu những giọt nước mắt đã rơi.

Khi đánh đề trở thành một nghề kiếm sống…

Ông B. - người đã hành nghề ghi đề mấy năm nay ở khu 15 - Xuân Hoà - Lập Thạch, ngoài 60 tuổi nhưng mắt vẫn còn tinh tường với những con số và đầu óc vẫn minh mẫn để tính toán tiền cho người chơi và chủ đề.

Chiều nào cũng vậy, tầm 4 -5 giờ, nhà ông lại tấp nập người đánh đề qua lại, đầy đủ mọi thành phần từ thanh niên cho đến những người trung tuổi. Người đánh thì nhiều nhưng chủ yếu là đánh nhỏ, chỉ hết vài nghìn cho đến vài chục. Đấy là bộ phận đánh đề theo lối “văn nghệ”, hôm nào có mê mẩn gì hay thích số đẹp nào thì “gõ” vài đồng biết đâu ăn may “1 ăn 70” lại rủng rỉnh tiền tiêu.

Đáng nói là một bộ phận đánh đề theo lối “chuyên nghiệp”, chiều nào cũng vung hết cả bạc triệu. Nhìn cáp đề dày đặc những con số mà họ đã cất công nghiên cứu, nghiền ngẫm và “thảo ra” từ đêm hôm trước là đủ biết.

Những người đánh đề chuyên nghiệp này chủ yếu là những người trung tuổi, có “máu mặt”, liều lĩnh, dám chơi, dám chịu trong làng bất kể là đàn ông hay đàn bà. Cả một cáp đề chi chít số mà số nào cũng nhân với số mũ lớn từ 50 ngàn đến 100 ngàn/1 số, tính sơ sơ cũng hết đôi ba triệu/ngày. Những người này còn có nhiều “nghệ thuật bao vây” hơn như: đánh sân xới, đánh đầu, đuôi, đánh dây, đánh tổng… để xác suất trúng cao hơn. Họ nghĩ ra đủ thứ để tính toán, để đánh.

Ông B cho biết, từ ngày ông ghi đề cho đến bây giờ thì qui mô của bảng đề tăng hơn rất nhiều và số người có “máu mặt” thường xuyên đánh đề hơn rất nhiều. Ngày trước, số tiền ghi được chỉ dao động trên khoảng trên dưới 1 triệu đến nay có hôm lên đến cả chục triệu. Những ai “chuyên nghiệp”, đánh hôm nay “đứt” thì mai mới phải trả tiền, phải tìm đủ mọi cách chạy vạy vay ngược vay xuôi để có đủ số tiền để nộp cho chủ đề. Với những người “chuyên nghiệp”, lô đề đã trở thành một thứ nghề kiếm sống trong xã hội. H. - “con nghiện đề” có thâm niên nhiều năm chơi trong “làng đề chuyên nghiệp” tự tin cho rằng: “Đánh đề nếu tính toán kĩ càng và có tiền “nuôi” đến cùng, và sẽ chẳng bao giờ “đứt” cả”.

Người dân làng cho biết, H. nhiều khi trúng lớn, sắm sửa đồ đạc trong nhà là do tiền đánh đề sinh lời mà ra. Thế nhưng, H. cũng mất nhiều đêm thức trắng, nhiều phen “đâm sấp giập ngửa” lao đao đến rạc cả người theo vòng quay của những con số đỏ đen. Càng nhiều người có “máu mặt”, có “niềm đam mê lô đề” như H. thì những người như ông B. giàu lên nhanh chóng nhờ hưởng phần trăm hoa hồng từ chủ đề nhượng lại. “Người đánh to được hưởng 20%, người đánh ít được hưởng 10% hoa hồng, còn chủ cho người ghi 25% hoa hồng” - Ông B cho biết. Vậy nên số phần trăm dư, những người ghi đề như ông B. được hưởng vì tiền công ghi chép giấy mực. Công việc nhẹ nhàng không tốn mồ hôi công sức lại được hưởng khoản lời không nhỏ nên số người ghi đề ngày càng nhiều. Chỉ một khu 15 - Xuân Hòa - Lập Thạch mà có đến cả 4 nhà ghi đề đáp ứng lại nhu cầu của những người dân hám lợi từ những con số đỏ đen.

Đánh đề…đê không còn chỗ ở

T. - tay chơi đề đại gia có tiếng tăm, “số má” ở đất Lập Thạch, dân trong nghề chẳng ai lạ mặt. T. nổi tiếng vì chuyện vung tiền như giấy vào lô đề. Đỉnh điểm có lần T. làm xôn xao “làng đề” vì chuyện “ôm” cả chiếc Camry đi “thả” vào con “bạch thủ” tâm đắc. Mọi người chẳng biết T. làm ăn,  buôn bán mánh khoé thế nào mà có lắm tiền đánh lô đề đến vậy. Thế nhưng, chơi nhiều mất nhiều cũng đến lúc T lâm vào tình cảnh kiệt quệ. Ngôi “biệt thự” 4 tầng ở giữa thị trấn Lập Thạch, cùng 2 chiếc ô tô du lịch và khoản tiền lên đến hàng tỉ đồng lần lượt “đội nón ra đi”, T. trở thành người trắng tay, vô gia cư.

Lúc gia đình anh giàu có khá giả cũng là lúc lòng tham nổi lên, bạn bè lôi kéo và anh bắt đầu “dính” vào lô đề. Anh chép miệng cay đắng kể lại: “Mới đầu thấy người ta chơi được thưởng nhiều, tôi cũng muốn chơi cho vui thôi. Ai ngờ, nó ngấm vào máu lúc nào không hay, chơi mãi không dứt bỏ ra được, càng chơi càng cay cú, càng cay cú lại càng chơi to, càng dấn sâu”. Từ ngày anh T. “dính” vào đề đến khi tan cửa mất nhà cũng tròn 3 năm. Trong câu chuyện kể lại anh T. không giấu được những giọt nước mắt hối hận muộn màng.

Thua đề anh vay ngân hàng 500 triệu đồng để đánh tiếp mong sao gỡ được lại nhưng càng gỡ, càng mất. Đến kì trả không có tiền người ta đến thu nhà thu đất, lao đao chạy vạy vay liểng xiểng cũng không đủ tiền trả nợ, anh đành chấp nhận mất nhà. Mọi chuyện xảy ra quá đỗi chóng vánh. Mất nhà, con khóc, anh T. sinh ý nghĩ định tự tử nhưng vì thương 3 đứa con, đứa lớn đang là sinh viên Đại học Luật nên anh cùng vợ gắng gượng đứng dậy qua cơn sốc tinh thần, quyết định bỏ xứ đi làm thuê lấy tiền trả nợ và gửi tiền cho ông bà nuôi các con.

Hai vợ chồng ra đi biền biệt mấy năm trời làm đủ mọi nghề kiếm tiền: buôn gỗ, bán hàng ăn, làm thuê… phiêu bạt trong Nam ngoài Bắc khắp nơi, chẳng biết giờ đang ở mảnh đất nào. Lô đề đã cuốn đi tất cả cuộc sống sung túc, đẩy anh T. vào tình cảnh “Còng lưng mà chạy cực còn theo sau”. Mỗi lần về nhà gặp đứa con nhỏ nó lại hỏi anh: “Sao người ta lại đến lấy nhà mình hả bố?”, nó cứ hỏi mãi, cứ thắc mắc mãi mà không nhận được câu trả lời nào từ người bố. Cứ mỗi lần như thế, nỗi đau lại quặn lên trong lòng, khiến anh rơi nước mắt.

Còn vợ chồng ông bà U.D. (Bản Lập - Tử Du - Lập Thạch) ra đi vào Sài Gòn kiếm sống cả chục năm trời, xây nhà dựng cửa khang trang rộng rãi và dư dả mấy trăm triệu để vốn làm ăn, đến khi về quê cũng không thoát được “lưỡi hái”  của nạn lô đề đang tràn lan. Thấy người hàng xóm trúng đề, cộng với lòng tham từ giải thưởng lớn, máu đỏ đen nổi lên, cả hai vợ chồng cùng “chung sức” đánh đề. Tối tối nghiền ngẫm thơ đề, luận số đẹp 2 vợ chồng “thảo” ra những con số cho từng hôm. Bí mật đánh đề chẳng ai biết, đến lúc chử nợ đến đòi nợ, lấy nhà cả dân làng mới biết vợ chồng nhà này vỡ nợ vì lô đề.

Biết trước chuyện người ta sẽ đến lấy nhà, hai vợ chồng gửi con cho ông bà ngoại, bỏ nhà chạy vào Nam trốn nợ từ nửa đêm hôm trước. Vậy là mười năm trời mưu sinh vất vả từ những luống rau, góp nhặt xây nhà, có vốn làm ăn đã phút chốc trở thành một con số không tròn trĩnh và thêm khoản nợ 100 triệu đồng. Biết đến bao giờ oogn bà mới trả hết nợ và xây tạm ngôi nhà trú thân khi một mảnh đất cũng không còn…

Xung quanh câu chuyện mang tên lô đề còn nhiều bài học “ra nước mắt” của những người có “máu đỏ đen”. V. và H. mới lấy nhau chưa tròn một năm đã phải “đường ai nấy đi” vì V. có niềm đam mê lô đề. Vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng, H. đã bị V. nhiều lần đánh cho tơi bời vì tội không đưa tiền đánh đề. Ngay sau hôm cưới, V đã lấy số tiền mừng hạnh phúc của hai vợ chồng đi “nướng” dần vào lô đề, hơn nửa tháng số tiền ấy đã hết. Thấy vợ còn đôi hoa tai và dây chuyền vàng gọi là của hồi môn, V đã lấy trộm, thả cả vào lô đề. Mất tiền, mất vàng lại bị đánh đập, H không thể sống cùng V. được nữa, đành chấp nhận li hôn khi chưa đầy một năm kể từ ngày cưới.

Còn đó biết bao câu chuyện đau lòng từ vấn nạn lô đề, còn đó biết bao cặp vợ chồng đương nhà yên cửa ấm phút chốc lại cửa mất nhà tan, còn đó những cậu quí tử sớm “dính” vào lô đề, sinh ra trộm cắp, nợ nần rồi bỏ học… Lô đề đang tràn lan về làng, về quê, len lỏi trong từng ngõ ngách, công khai là đề tài cho những câu chuyện “luận bàn số đẹp” rôm rả nơi thôn xóm. Các cơ quan chức năng đang ra sức truy quét nhưng hơn hết chúng ta - những người dân phải nên cảnh giác, tự bảo vệ mình để không phải trở thành những nạn nhân đau lòng mà đến khi kêu lên “nạn…đề ơi!” thì đã quá muộn màng…


 Nguyễn Anh Tuấn (Pháp Luật Việt Nam chủ nhật)

Đọc thêm