Bỉm Sơn chiếm ưu thế nhờ cấu trúc hạ tầng giao thông đa dạng

(PLVN) - Với hàng loạt khu công nghiệp và tổ hợp công nghiệp lớn cùng lợi thế về hạ tầng giao thông, Bỉm Sơn phấn đấu trở thành Thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa tầm nhìn 2021-2025.

Tiềm năng phát triển từ lợi thế về hạ tầng giao thông.

Là cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía Nam, Bỉm Sơn khẳng định vị thế chiến lược với cấu trúc giao thông đa dạng, tập trung phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương.


Quốc lộ 1A đi qua Bỉm Sơn là cầu nối giao thương giữa miền Bắc và miền Trung

Không chỉ chiếm ưu thế nhờ tuyến Quốc lộ 1A đi qua trung tâm thị xã, Bỉm Sơn còn sở hữu hệ thống đường sắt Bắc – Nam trọng điểm đi qua địa bàn, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, logistics cũng như thông thương kinh tế.

Cao tốc Mai Sơn – QL45 sẽ thúc đẩy kinh tế trọng điểm Ninh Bình – Thanh Hóa, góp phần đưa thị xã Bỉm Sơn trở thành thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 có chiều dài 53,5 km đang được thi công với tổng mức đầu tư xấp xỉ 12.343 tỷ đồng được thiết kế 6 làn xe, vận tốc 120km/h sẽ rút ngắn hành trình từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, đẩy mạnh cơ hội đầu tư vào khu vực miền Bắc và miền Trung, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A. Đây là giải pháp thiết yếu giúp giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa miền Bắc với miền Trung cũng như hai đầu Bắc – Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa, đặc biệt, tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 sẽ lưu thông qua các địa bàn trọng điểm về kinh tế: Ninh Bình – Bỉm Sơn – Hà Trung – Nghi Sơn.

Ngoài ra, tuyến kết nối Mai Sơn - Bỉm Sơn – Nghi Sơn – Nga Sơn – Hậu Lộc trong hệ thống đường bộ - đường sắt – cảng biển nước sâu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế đầu tư công – công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, DDI trong thời gian tới của Thanh Hóa, Ninh Bình nói chung và Bỉm Sơn nói riêng.

Bỉm Sơn - Hạ tầng khu công nghiệp sẵn sàng cho cuộc đổ bộ của hàng loạt ông lớn công nghệ, sản xuất chế tạo ô tô, cơ khí

Với lợi thế chiến lược không chỉ về giao thông, từ lâu thị xã Bỉm Sơn đã là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với hàng loạt các khu công nghiệp, tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp cơ khí chính xác và chế tạo ô tô. Các khu công nghiệp và tổ hợp công nghiệp lớn có thể kể đến như: khu công nghiệp Bỉm Sơn có tổng diện tích hơn 600ha; Tổ hợp khu công nghiệp và nghiên cứu chế tạo ô tô VAMC, tổ hợp nhà máy Xi măng Long Sơn, Bỉm Sơn; Tổ hợp khu công nghiệp HUD Bỉm Sơn… đi kèm với đó là hàng loạt các nhà máy – khu chế tạo – khu công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực sản xuất chế tạo ô tô của các tập đoàn lớn như Hyundai, Honda, Toyota… Hàng năm, các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp nặng đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tổ hợp khu công nghiệp xi măng Long Sơn – Bỉm Sơn sẽ là động lực phát triển cho tuyến cao tốc ven biển Quảng Ninh – Bỉm Sơn – Nga Sơn – Kiên Giang cùng cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – QL45 giai đoạn 2021-2025.
Khu công nghiệp Bỉm Sơn thu hút hàng loạt các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đến đầu tư, xây dựng nhà máy.
Tổ hợp nghiên cứu – chế tạo phục vụ ngành sản xuất Ô tô và điện tử sẽ là điểm nhấn phát triển của thành phố Bỉm Sơn giai đoạn 2021-2025.

Đọc thêm