Bình Định: Cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương cùng các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh quán triệt và tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo tinh thần Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 và Văn bản số 548/TTg-V.I ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Công Thương tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Đặc biệt, Sở Công Thương cũng phải có trách nhiệm trong việc tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp để chỉ đạo thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương.

Bình Định mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bình Định

Bình Định mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Bình Định

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị cơ quan Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý triệt để các vụ án và xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, quá trình đấu tranh cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa cũng như xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng quy định của pháp luật với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cũng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Tổ trưởng để chỉ đạo thực hiện đợt cao điểm tại địa phương, đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại.

Kiểm tra xử lý sản phẩm không rõ nguồn gốc tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Kiểm tra xử lý sản phẩm không rõ nguồn gốc tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là Công điện số 40/CĐ-TTg và 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh cố gắng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Tuy nhiên, diễn biến buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, sữa, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng nhanh,...

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện công tác phòng ngừa là chính, phải chuyển từ bị động sang chủ động, từ kiểm tra xử lý sang phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ gốc; đổi mới tư duy, phương pháp, sâu sát cơ sở, sát dân, gần dân, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Đọc thêm