UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4647/QĐ-UBND nêu rõ, năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Kế thừa những thành quả đã đạt được năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát là tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) khoảng 7,5% - 8%. Trong đó, tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế; tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ số; phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo việc làm…
Tại quyết định nêu trên, UBND tỉnh Bình Định đã giao một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Chẳng hạn như tốc độ tăng GRDP 7,5 - 8,0%; kim ngạch xuất khẩu 1.650 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 15.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 114.700 tỷ đồng; doanh thu du lịch thuần túy đạt 18.500 tỷ đồng; thu hút mới 100 dự án (dự án kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp có vốn đăng ký đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng/dự án; dự án kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp có vốn đăng ký tối thiểu 20 tỷ đồng/dự án)…
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh Bình Định đã đề ra những giải pháp chỉ đạo, điều hành chủ yếu. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Toàn bộ hệ thống chính quyền chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã bằng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được lượng hóa, có liên thông, liên kết theo từng tháng, từng quý, 6 tháng và cả năm.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được giao. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thấu tình đạt lý và phù hợp theo quy định của Nhà nước…