Bình Định tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng

(PLVN) - Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu phát triển các tổ chức công chứng một cách hợp lý, sửa đổi tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh theo hướng ưu tiên phát triển các văn phòng công chứng tại địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng hoạt động.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu tổng quát của đề án là bảo đảm phát triển nghề công chứng phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 172/NQ-CP, tình hình thực tiễn của địa phương và trong điều kiện không còn quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, đề án đề ra mục tiêu phát triển các tổ chức công chứng một cách hợp lý, sửa đổi tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Định theo hướng ưu tiên phát triển các văn phòng công chứng tại địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng hoạt động (Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão).

Đồng thời, phát triển đội ngũ công chứng viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng và công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Ban hành chính sách hỗ trợ đối với các văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn nhằm phát huy những tiềm năng của xã hội vào phát triển hệ thống công chứng, phục vụ một cách thuận tiện các nhu cầu công chứng của nhân dân.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về công chứng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin, liên thông các thủ tục hành chính; đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công chứng.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về công chứng và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các tổ chức hành nghề công chứng; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng.

Ngoài ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp và tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước về công chứng.

Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Hội Công chứng viên tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả đề án; thực hiện báo cáo kết quả triển khai đề án theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh. Đồng thời, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án; phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện đề án, kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 172/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Đọc thêm