Bình Dương quyết tâm thực hiện đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa phát động đợt thi đua “Cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đúng tiến độ, vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân phụ trách đầu tư công, phải minh chứng bằng kết quả thực tế; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công không đạt trên 90% kế hoạch mà không có lý do chính đáng, khách quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa phát động đợt thi đua “Cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa phát động đợt thi đua “Cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.

“Yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn… Đồng thời, phải nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ những điểm nghẽn, chủ động đề xuất phương án giải quyết trên tinh thần làm việc vì lợi ích chung. Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất có thể và hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu đã ký kết” ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.​

Trước đó, ngày 19/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định 1008/QĐ-TTg gửi các Bộ, ngành, địa phương về ban hành kế hoạch triển khai triển khai đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.

Mục đích của đợt thi đua nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm tổ chức thực hiện các công trình, hạng mục công trình để tập trung cao điểm thực hiện thắng lợi mục tiêu “hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng."

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Để thực hiện cao điểm đợt thi đua, phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Ban Quản lý dự án đầu tư Công trình giao thông và các địa phương liên quan ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoàn thành đúng tiến độ, vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng công trình dự án, kể cả các hạng mục tái định cư. UBND tỉnh đề nghị các đơn vị đưa ra tiêu chí cụ thể, hình thức khen thưởng xứng đáng, đề xuất xử lý các tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với dự án xây dựng đường Vành đai 4, TP HCM và dự án đầu tư cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương), UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp Sở GTVT, Ban Quản lý dự án đầu tư Công trình giao thông và đơn vị liên quan cập nhật lại tiến độ thực hiện nhiệm vụ, bổ sung các tiêu chí thi đua cụ thể.

Năm nhiệm vụ và giải pháp

Theo kế hoạch của đợt thi đua cao điểm, UBND tỉnh Bình Dương đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt tối thiểu 85% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh giao (tương ứng với 122% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó tỷ lệ giải ngân các công trình trọng điểm không có vướng mắc phải đạt trên 80%.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

Đồng thời các đơn vị liên quan giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cho từng cơ quan, đơn vị, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Giao Sở KH-ĐT rà soát khả năng thực hiện và giải ngân các dự án, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm, các dự án không thực hiện sang các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Yêu cầu công ty Điện lực Bình Dương phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong công tác di dời lưới điện ra ngoài phạm vi thi công của công trình đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công. Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, phê duyệt (hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt) quyết toán các dự án hoàn thành theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh các hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để các dự án được bố trí vốn giải phóng mặt bằng trong năm 2024 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Các đơn vị tổ chức thi công hợp lý, tăng ca, tăng kíp, vừa đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn phải đạt các yêu cầu về chất lượng công trình.

Các đơn vị tổ chức thi công hợp lý, tăng ca, tăng kíp, vừa đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn phải đạt các yêu cầu về chất lượng công trình.

UBND tỉnh đề nghị bố trí làm thêm ngoài giờ hành chính, tăng ca, tăng kíp, tổ chức thi công hợp lý để đảm bảo vừa đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn phải đạt các yêu cầu về chất lượng công trình, an toàn lao động, giải quyết thủ tục hành chính cho hồ sơ dự án đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt hồ sơ liên quan. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém theo đúng quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật; xem xét không cho tham gia các dự án khác trên địa bàn tỉnh đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của dự án.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến giá vật liệu xây dựng, giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình trên địa bàn. Sở KH-ĐT phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh và IOC công khai kết quả giải ngân hàng ngày của các chủ đầu tư.

Cần tập trung nỗ lực cho chặng đường cuối năm

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Dương, tính đến ngày 15/10, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh là trên 6.766,5 tỷ đồng, đạt 44,3% Kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 32,2% Kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Trong đó, các công trình trọng điểm giá trị giải ngân đến nay là trên 4.440 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh, cụ thể một số dự án đang thực hiện.

Cụ thể như Dự án Vành đai 3 TP HCM, tỷ lệ giải ngân hiện đạt 38,4%, đã triển khai thi công toàn bộ 4 gói thầu trên toàn tuyến theo tiến độ đề ra. Phần giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn năm 2024 được giao là 1.176 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hiện đạt 73,2%, đã thu hồi đất đạt trên 91% diện tích, bàn giao mặt bằng cho các gói thầu đạt 73,8%.

Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn qua xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn qua xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đối với dự án Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 TP HCM, kế hoạch vốn 2024 được giao là 6.623.942 triệu đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân. Tiến độ thực hiện: hiện đã phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng đợt 3, các địa phương đang triển khai kế hoạch thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm.

Còn dự án Giải phóng mặt bằng đường cao tốc HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, kế hoạch 2024 được giao là 1 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư, đồng thời đã kiến nghị trung ương bổ sung 820 tỷ đồng trong năm 2024 để thực hiện dự án, các đơn vị đang phối hợp các địa phương đang triển khai kế hoạch thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm.

Ngoài ra, còn một số dự án đầu tư công như, dự án giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, kế hoạch được giao là 160 tỷ đồng, hiện mới giải ngân 8,8 tỷ đồng, nhà thầu đang thi công di dời điện.

Dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai, kế hoạch vốn được giao là 1.621 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56,7%, hiện đã khởi công 2 gói thầu xây dựng và thi công đạt 29% giá trị hợp đồng…

Theo đánh giá của ông Phạm Trọng Nhân, 10 tháng đầu năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt với tinh thần “khẩn trương, chủ động”. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tập trung tháo gỡ như tỷ lệ giải ngân chưa đạt được kỳ vọng, dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn. Ngoài ra, các công trình trọng điểm chưa đảm bảo được tiến độ như kế hoạch, một số công trình, dự án bị “trượt” tiến độ nhiều tháng.

Tập trung cao độ cho các dự án lớn

Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở KH-ĐT, khả năng giải ngân của các dự án, dự kiến giải ngân khoảng 15.049 tỷ đồng, tương đương 68,4% kế hoạch vốn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và 98,5% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó các sở, ngành ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, hoàn thiện các kịch bản điều hành kế hoạch vốn. Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư rà soát kỹ và chịu trách nhiệm về đề xuất nhu cầu vốn và khả năng giải ngân các dự án, nhất là các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đọc thêm