Reuters ngày 16/8 dẫn lời một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết, ngày 15/8, các binh sỹ Trung Quốc đã 2 lần tìm cách tiến vào lãnh thổ Ấn Độ ở vùng núi Ladakh, gần hồ Pangong nhưng đã bị đẩy lùi. Pangong là hồ nước nằm ở độ cao hơn 4.000m ở cao nguyên Tây Tạng. Đây cũng là một địa điểm thu hút nhiều du khách. Một số binh sỹ Trung Quốc mang theo những thanh sắt và đá đã tấn công lính Ấn Độ, buộc phía Ấn Độ phải đáp trả.
Theo nguồn tin này, một số binh sỹ ở cả 2 bên đã bị thương nhẹ trong quá trình giao tranh. “Đã xảy ra một sự cố nhỏ. Phía Trung Quốc đã ném đá về phía Ấn Độ nhưng tình hình đã nhanh chóng được đưa vào tầm kiểm soát”, vị quan chức quốc phòng Ấn Độ cho hay. Binh lính cả 2 bên sau đó đều đã rút về vị trí của mình.
AFP dẫn lời cảnh sát bang Jammu and Kashmir của Ấn Độ, là nơi vừa xảy ra sự việc, cho biết các vụ đụng độ giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ thi thoảng vẫn xảy ra ở khu vực Đường kiểm soát thực tế (LAC) – đường biên giới giả định giữa Trung Quốc và Ấn Độ. “Các sự cố thường xảy ra vào mùa hè nhưng sự việc xảy ra lần này diễn ra hơi lâu và nghiêm trọng hơn so với những lần trước. Mặc dù vậy nhưng cả 2 bên đều đã không dùng đến vũ khí”, một cảnh sát ở Srinagar – thủ phủ bang Jammu và Kashmir - cho hay.
Vụ đụng độ nói trên xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang căng thẳng vì tranh cãi liên quan đến cao nguyên Doklam chiến lược cũng nằm trên dãy Himalaya nhưng cách đó hàng ngàn km. Rắc rối này nảy sinh từ tháng 6 vừa qua, khi binh sỹ Trung Quốc bắt đầu mở rộng một con đường ở Doklam – mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Donglang. Trên thực tế, đây là một điểm giao cắt giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Bhutan nhưng chỉ có tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan.
Ấn Độ - một nước đồng minh thân thiết của Bhutan - sau đó đã triển khai binh lính tới để ngăn chặn dự án xây dựng của Trung Quốc, đưa đến việc Bắc Kinh cáo buộc New Delhi xâm phạm lãnh thổ. Vùng cao nguyên này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng vì nó cho phép Trung Quốc tiếp cận “vùng cổ gà” – một dải đất hẹp nối các bang ở phía đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này.
Phía Trung Quốc một mực yêu cầu Ấn Độ phải rút quân trước khi bất kỳ cuộc thương thảo nào được tiến hành nhưng Ấn Độ yêu cầu cả 2 bên phải rút quân cùng lúc. Do không đạt được tiếng nói chung nên trong suốt hơn 2 tháng qua, hàng trăm binh lính Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ở thế giằng co tại khu vực này, kéo theo những lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nước.
Reuters dẫn lời một bộ trưởng Ấn Độ cho biết các nỗ lực để tìm cách chấm dứt căng thẳng vẫn đang tiếp diễn. Theo vị bộ trưởng giấu tên này, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi không có lựa chọn nào khác vì hoạt động xây đường của Trung Quốc ở khu vực quá gần với nước này nên họ không thể khoanh tay đứng nhìn.
Năm 2014, khi binh sỹ Trung Quốc di chuyển tới khu vực mà Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền ở dọc LAC, căng thẳng giữa quân đội 2 nước cũng đã nổ ra và kéo dài suốt 2 tuần. Vụ việc đã phủ bóng lên chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.