Bình ổn giá thế nào cho trúng?

Sau khi được tạm ứng vốn vay ưu đãi 210 tỷ đồng trong tổng số 350 tỷ đồng từ TP.Hà Nội, 13 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã triển khai 360 điểm bán các mặt hàng bình ổn giá.

Sau khi được tạm ứng vốn vay ưu đãi 210 tỷ đồng trong tổng số 350 tỷ đồng từ TP.Hà Nội, 13 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã triển khai 360 điểm bán các mặt hàng bình ổn giá.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, đến nay lượng hàng dự trữ của các DN đã khá ổn định, gồm: 3.600 tấn gạo, 556 tấn thịt gia súc, 204 tấn thịt gia cầm, 293 tấn thủy hải sản, 468 tấn thực phẩm chế biến, 142 nghìn lít dầu ăn, 137 tấn đường và 1.460 tấn rau, củ, quả… Nhìn chung hàng hóa đa dạng về chủng loại, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các DN đều cam kết bảo đảm thực hiện giảm giá tối thiểu 10% khi thị trường có biến động về giá. Các mặt hàng thiết yếu trong danh mục hàng bình ổn đều được niêm yết công khai và bảo đảm được bán theo đúng giá niêm yết. Theo các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá, chương trình với thời gian kéo dài 9 tháng, từ tháng 7/2010 đến tháng 3/2011 cũng sẽ giúp các nhà cung cấp có điều kiện đầu tư sản xuất, dự trữ hàng hóa, đồng thời có vốn để thay đổi thiết bị, dây chuyền sản xuất…

 

Ông Chu Xuân Kiên – Phó Tổng giám đốc TCty Thương mại Nà Nội (Hapro) - cho biết: “Chúng tôi được TP.Hà Nội tạm ứng hỗ trợ vay số vốn 130 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá. Đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được 60% của 130 tỷ đồng và đã dự trữ được một lượng hàng lớn gồm 9 mặt hàng thiết yếu mà thành phố yêu cầu. Giai đoạn đầu chúng tôi cam kết với thành phố triển khai 50 cửa hàng treo biển bình ổn giá và có thông tin đầy đủ giá đến khách hàng. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tổ chức hơn 100 điểm nữa để phục vụ khách hàng”.

Tuy nhiên, đi ngược với những nỗ lực bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu nói trên, theo thông tin mới đây từ Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Dược Việt Nam, kết quả khảo sát thị trường dược phẩm trong nước tháng qua cho thấy tiếp tục có nhiều mặt hàng thuốc chữa bệnh tăng giá. Theo đó, có tới 19 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá, với tỷ lệ tăng trung bình 4,8%. Dự đoán, trong các tháng cuối năm, giá thuốc tiếp tục tăng.

Thuốc chữa bệnh trên thực tế cũng là một mặt hàng hết sức thiết yếu, đặc biệt lại đánh vào túi tiền của những người đang phải gánh chịu nỗi đau bệnh tật. Câu hỏi đặt ra là bao giờ thuốc được chọn để đưa vào chương trình bình ổn giá?

Ông Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế - cho rằng: “Vấn đề không chỉ là dành 350 tỷ hay 500 tỷ đồng để hỗ trợ bình ổn, mà vấn đề ở chỗ chúng ta nên chọn những mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm nhất, thường có biến động về giá để bình ổn. Hoặc lựa chọn trúng các DN kinh doanh các mặt hàng cụ thể đó để hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng chất lượng của các sản phẩm được bán trong Chương trình bình ổn giá”.

Ghi nhận ý kiến từ một số DN nhỏ và vừa cũng cho thấy, sẽ thiếu công bằng khi chỉ một vài DN được chỉ định tham gia Chương trình bình ổn giá. Với việc các DN này được hỗ trợ vốn, giá bán sản phẩm rẻ hơn 10% so với thị trường, rõ ràng các DN nhỏ và vừa yếu thế về năng lực sản xuất, marketing sẽ khó mà cạnh tranh nổi.

Mai Hoa

Đọc thêm