Bình ổn giá thép: Bao giờ có giải pháp căn cơ, triệt để?

(PLVN) - Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đang vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân giá thép tăng cao. Tuy nhiên, để đưa ra giải pháp căn cơ cho vấn đề đang khiến nhiều doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” này chắc chắn không phải chuyện “ngày một, ngày hai…?
Doanh nghiệp xây dựng chờ một giải pháp căn cơ hạ giá thép xây dựng.

Bộ Xây dựng đang tập hợp các ý kiến

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tìm hiểu, đưa ra giải pháp cho vấn đề giá thép cao. Theo ông Đàm Đức Biên – Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện Bộ rất quan tâm đến vấn đề giá thép.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các tỉnh, thành phố... về thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng giá một số vật liệu xây dựng (VLXD) chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến và không theo quy luật tăng giá thông thường. Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, “thổi giá”.

Bộ Xây dựng cho rằng cần công bố giá VLXD hàng tháng hoặc sớm hơn. Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá tác động của biến động giá một số VLXD chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý.

Cũng theo ông Đàm Đức Biên, Bộ Xây dựng đang tiếp tục theo dõi sát tình hình giá thép, đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn tổng hợp các nội dung liên quan. “Cùng với Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, bên chúng tôi là thành viên tổ điều hành giá cả thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan trong vấn đề giá thép” - ông Biên nói và cho biết, Bộ Xây dựng đang tập hợp, tiếp thu các ý kiến từ các hiệp hội liên quan gửi về. Thời gian tới, sẽ có đánh giá, đề xuất giải pháp cụ thể.

Cách nào để giám sát doanh nghiệp vi phạm?

Theo tìm hiểu của PLVN, ở Việt Nam không có quá nhiều DN sản xuất thép. Riêng thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát chiếm gần 35% thị phần, dẫn đầu Việt Nam. Ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chỉ có khoảng 150 nhà phân phối thép cấp 1; trong đó các DN thép đều xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình. Câu hỏi đặt ra, liệu có tình trạng các DN và các nhà phân phối thép cấp 1 “bắt tay” găm hàng, “thổi giá” vô lý để kiếm lời hay không?

Trao đổi với PLVN, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, cái khó hiện nay là phải biết được các nhà sản xuất thép và các đại lý phân phối có vi phạm pháp luật trong vấn đề giá thép cao hay không. “Hiện nay pháp luật có cấm găm hàng, tăng giá thép hay không?” - ông Linh đặt ngược vấn đề.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về sản xuất công nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng là một trong những nguyên nhân giá thép tăng.

“Còn có những nguyên nhân khác hay không thì chưa rõ” - ông Thành nói và cho biết, hiện nay công suất phôi thép xây dựng cả nước tự sản xuất được khoảng 14 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu loại phôi này ở Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 10 triệu tấn/năm. “Như vậy là sản xuất phôi thép xây dựng đủ cho nhu cầu trong nước, đáp ứng một phần cho xuất khẩu. Nguồn cung nguyên liệu thiếu chỉ có thép hợp kim, cần phải nhập khẩu” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Bộ Công Thương rất muốn có một chế tài đủ mạnh và đúng pháp luật, là công cụ để quản lý giá thép nhưng thực tế, không như một số loại hàng hóa đặc thù như xăng dầu, thép là mặt hàng kinh doanh tự do ngoài thị trường, chịu sự chi phối của thị trường nên khó quản lý giá.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, sau khi VACC có văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến thì hiện nay VACC đang tiếp tục theo dõi diễn biến giá thép, phối hợp với các cơ quan liên quan tìm giải pháp tháo gỡ. 

Theo quan sát của PLVN, đến nay, cả Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng đều chưa đưa ra được giải pháp căn cơ, cụ thể để giải quyết triệt để vấn đề giá thép cao, chỉ đang ở mức độ quan sát, kêu gọi. Đầu mối để giải quyết vấn đề cũng chưa rõ ràng; chưa thấy thành lập đoàn kiểm tra nào đi tìm hiểu thực tế vấn đề thép tăng giá…

Đọc thêm